Tuyên chiến với thế giới
Trong cuốn sách, “Cuộc tranh đấu của tôi”, trùm phát xít từng viết: "Không nên tồn tại đường biên giới ngăn cách giữa Đức và Áo". Khi nắm quyền lực trong tay, nhà độc tài bắt đầu thực hiện ý định sáp nhập Áo vào Đức.
Quân đội Đức duyệt binh ở Paris tháng 6/1940. Chỉ trong thời gian ngắn, Đế chế thứ Ba đã thôn tín phần lớn châu Âu. Ảnh: Totallyhistory.
Vốn sẵn có óc chính trị ranh ma cùng tài thao lược, trùm phát xít dễ dàng đạt mục đích. Thủ tướng Áo lúc đó là Kurt von Schuschnigg cùng cộng sự đã không đủ bản lĩnh và quyết tâm chống lại mưu đồ của Hitler. Ngày 12/3/1938, trùm phát xít hoàn tất việc sáp nhập quê hương của ông ta vào Đế chế thứ Ba.
Sau khi sáp nhập Áo, trùm phát xít phê duyệt bản kế hoạch bí mật mang tên “Phương án Màu lục” nhằm xóa sổ Tiệp Khắc trên bản đồ thế giới. Tháng 3/1939, Đức quốc xã chiếm đóng Tiệp Khắc. Ba Lan chịu chung số phận không lâu sau đó. Ngày 1/9/1939, Hitler ra lệnh triển khai “Phương án Màu Trắng”.
Quân đội Đức quốc xã tràn qua biên giới Ba Lan. Nhà sử học William L. Shirer, tác giả cuốn sách “Sự trỗi dậy và suy tàn của Đế chế thứ Ba”, gọi sự kiện quân đội Đức tấn công Ba Lan là thời điểm mở màn cuộc chiến đẫm máu nhất lịch sử nhân loại - Chiến tranh thế giới thứ hai.
Ở thời điểm năm 1940, quân đội Đế chế thứ Ba chưa bao giờ mạnh đến thế. Họ đánh bại phần lớn châu Âu một cách khá dễ dàng. Lúc đó, Hitler và giới lãnh đạo Quốc xã tin rằng, quân đội Đế chế thứ Ba là đội quân bất khả chiến bại. Không một quân đội nào có thể cản đường tham vọng bá chủ thế giới điên cuồng của Hitler.
Tháng 6/1940, khi Hitler ngắm cảnh ở Paris, Không quân Đức nhận lệnh tập kích nước Anh dọn đường cho kế hoạch Sư tử biển. Trùm phát xít và giới lãnh đạo cấp cao Quốc xã quá tự tin khi cho rằng, việc đánh bại nước Anh chỉ là vấn đề thời gian. Tuy nhiên, Không quân Hoàng gia Anh kháng cự rất quyết liệt. Lần đầu tiên sau khi chinh phạt châu Âu, Không quân Đức không thể thắng.
Hitler buộc phải hủy bỏ kế hoạch Sư tử biển, một biểu hiện khác thường bởi ông ta vốn là người quyết đoán và chưa bao giờ biết lùi bước. Hitler chuyển hướng sang mặt trận phía Đông để tấn công Liên Xô.
Bước ngoặt Stalingrad
Trong cuốn sách “Cuộc tranh đấu của tôi”, trùm phát xít từng diễn giải dài dòng về “Không gian sinh sống” cho Đế chế thứ Ba. Gã viết: “Chỉ có thể chiếm đất ở phía đông. Nếu cần đất ở châu Âu thì chỉ có thể chiếm lấy đất của Nga”.
Chiến sĩ Hồng quân Liên Xô vẫy cờ chiến thắng ở thành phố Stalingrad báo hiệu sự suy tàn của Đế chế thứ Ba. Ảnh: Wikipedia.
Hitler cho rằng, chỉ có vùng đất rộng lớn ở Nga mới đảm bảo không gian sinh sống cho người dân Đế chế thứ Ba. Đức quốc xã đã thôn tính phần lớn châu Âu, nhưng vẫn chưa đủ tham vọng điên cuồng của Hitler. Gã luôn tâm niệm một điều, phải đánh bại nước Nga bằng mọi giá.
Nhưng tham vọng điên cuồng và không biết tự lượng sức khiến trùm phát xít phải trả giá. Ngày 18/12/1940, Hitler ra chỉ thị tấn công Liên Xô với mật danh Chiến dịch Barbarossa. Chỉ thị có đoạn “Quân lực Đức phải chuẩn bị nghiền nát Liên Xô trong một chiến dịch thần tốc”.
Ngày 22/6/1941, chiến dịch Barbarossa mở màn. 3 tập đoàn quân mạnh nhất của Đức quốc xã ồ ạt tấn công Liên Xô. Trong 3 tuần, lực lượng tiến công của Đức chỉ cách Moscow 320 km. Hitler tự tin rằng, Liên Xô đã bị đánh bại.
Nhưng Hitler đã vỡ mộng, Hồng quân Liên Xô kháng cự một cách quyết liệt, Đức không chiếm được Moscow, Leningrad hay Statingrad. Những quân đoàn hùng mạnh của Đế chế thứ Ba chịu tổn thất chưa từng có.
Tướng Franz Halder, Tổng tham mưu trưởng quân đội Đức quốc xã từng viết trong hồi ký: “Huyền thoại quân lực Đức đánh đâu thắng đó đã tan vỡ”. Sức mạnh của Đế chế thứ Ba đã lên đến đỉnh điểm và bắt đầu xuống dốc.
Dù tổn thất nặng trên mặt trận phía Đông, trùm phát xít vẫn không từ bỏ ý định điên cuồng. Mặc cho các tướng lĩnh cấp dưới phản đối, gã vẫn hạ lệnh dồn mọi nỗ lực cuối cùng vào trận Stalingrad. Trận đánh đẫm máu nhất lịch sử nhân loại diễn ra tại thành phố này. Ngày 2/2/1943, Tập đoàn quân số 6 của Đức bị đánh tan tác.
Sự suy tàn của Đế chế thứ Ba
Thất bại tại Stalingrad đã báo hiệu sự suy tàn của Đế chế thứ Ba. Các nhà sử học gọi trận Stalingrad là “bước ngoặt lịch sử” của Chiến tranh thế giới thứ hai. Sự điên cuồng và tàn bạo của Hitler đã đến lúc phải chấm dứt.
12 năm 4 tháng 8 ngày tồn tại của Đế chế thứ Ba là khoảng thời gian đen tối nhất lịch sử nhân loại. Ảnh: Wikipedia.
Sau thắng lợi tại Stalingrad, Hồng quân Liên Xô mở đợt tổng phản công quy mô lớn trên toàn mặt trận phía Đông. Ngày 6/6/1944, phe Đồng minh mở mặt trận phía Tây đổ bộ lên Normandy. Quân đội Quốc xã bị vậy giữa hai gọng kìm nên phải chống trả một cách điên cuồng trong tuyệt vọng.
Nhà sử học Shirer từng nhận xét, khi phần lớn quân đội Đức đã bị đánh tan tác trong giai đoạn 1944 đến đầu năm 1945, nhưng Hitler không tin vào điều đó. Sự cuồng tín và điên rồ của ông ta chưa bao giờ kết thúc. Trùm phát xít vẫn lập những bản kế hoạch phản công trong tưởng tượng với lời lẽ cay nghiệt.
Ngay cả khi Hồng quân và phe Đồng minh tiến vào Berlin, trùm phát xít vẫn ra lệnh tổng phản công, nhưng chiến dịch chỉ tồn tại trong tâm trí cháy bỏng của nhà độc tài tuyệt vọng. Bản di chúc viết vài giờ trước khi tự sát chứa đựng những lời lẽ ngông cuồng cuối cùng của nhà độc tài hoang tưởng.
3h30 chiều ngày 30/4/1945, 10 ngày sau sinh nhật lần thứ 56 của Hitler, 12 năm 4 tháng kể từ ngày trở thành thủ tướng Đức và thiết lập Đế chế thứ Ba, Hitler tự sát trong boongke cùng vợ mới cưới Eva Braun. Đế chế thứ Ba tồn tại thêm 7 ngày và chính thực sụp đổ.
Đế chế thứ Ba tồn tại trong 12 năm 4 tháng 8 ngày nhưng đã gây ra cuộc chiến đẫm máu nhất lịch sử nhân loại. 70 năm đã trôi qua kể từ ngày phát xít Đức bị đánh bại, nhưng ký ức về những ngày tháng kinh hoàng vẫn còn mãi với nhân loại.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.