Afghanistan sẽ thế nào?

Đại sứ Trần Đức Mậu Thứ sáu, ngày 20/08/2021 09:46 AM (GMT+7)
Afghanistan hiện tại khiến thế giới bị bất ngờ không phải bởi thực chất của diễn biến tình hình mà bởi tốc độ và mức độ của những diễn biến ấy.
Bình luận 0
Afghanistan sẽ thế nào? - Ảnh 1.

Lính Mỹ đứng gác khi người dân Afghanistan chờ đợi để lên máy bay quân sự Mỹ rời Afghanistan, tại sân bay quân sự ở Kabul vào ngày 19 tháng 8 năm 2021 [Shakib Rahmani / AFP]

 

Sau khi Mỹ và đồng minh quyết định triệt thoái binh lính của họ ra khỏi Afghanistan, tức là chấm dứt sự tham chiến trực tiếp của họ ở Afghanistan, việc Taliban lại thắng thế về quân sự và từ đó sẽ lại thắng thế về chính trị quyền lực ở Afghanistan là điều ai ai cũng có thể dễ dàng dự liệu được. 

Nhưng thật sự cả ở trong lẫn ngoài  đất nước này đều không thể ngờ chính quyền và quân đội Afghanistan lại sụp đổ nhanh chóng đến như vậy và Taliban lại có thể dễ dàng kiểm soát được gần như toàn bộ đất nước đến thế. 25 năm sau khi thành lập Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan và 20 năm sau khi bị Mỹ và đồng minh lật đổ thể chế ấy, Taliban giờ lại ở vị thế khôi phục chính thể cũ ở Afghanistan.

Hiện tại, Mỹ và các nước Phương Tây gấp rút tiến hành di tản nhân viên ngoại giao và công dân của họ, những người Afghanistan đã từng làm việc cho họ cùng thân nhân gia đình ra khỏi Afghanistan. Taliban không cản trở những công việc này bởi ý thức được rằng chỉ cần cản trở hay chống phá thì sẽ bị Mỹ và đồng minh trả đũa quyết liệt bằng quân sự và như thế mọi mưu tính quyền lực và ảnh hưởng của Taliban trong suốt 20 năm chiến tranh vừa qua sẽ bị thất bại. 

Bài học mà Taliban không thể không rút ra được từ cuộc chiến tranh 20 năm qua là Mỹ và đông f minh không thể tiêu diệt được Taliban nhưng chừng nào Mỹ và đồng minh còn duy trì triển khai quân đội ở Afghanistan hay chỉ cần Mỹ và đồng minh lại tiến hành chiến tranh từ bên ngoài nhằm vào Taliban thì chừng đó Taliban chưa thể khôi phục được chính thể Hồi giáo bảo thủ thái quá khi xưa hoặc sẽ luôn phải phòng ngừa kịch bản đã phải nếm trải hồi cuối năm 2001. Mỹ và đồng minh hiện tại dành ưu tiên hàng đầu và tập trung nhiều nhất cho việc di tản và bảo hộ công dân. Phải khi hoàn tất việc này, họ mới tính bước đi tiếp với Taliban ở Afghanistan.

Cuộc chiến tranh vừa qua không làm cho Taliban thay đổi về phương diện ý thức hệ nhưng làm Taliban thay đổi cách thức thực hiện ý thức hệ ấy sau khi trở lại cầm quyền. 

Taliban hiện tại không khác Taliban ở thời điểm năm 1996 hay 2001 về ý thức hệ nhưng đã trở nên thực tế và thức thời hơn vì thế giới hiện tại không còn như thế giới ở thời điểm năm 2001. Taliban sẽ không để cho có xã hội dân chủ ở Afghanistan như hiện thấy ở đại đa số các quốc gia trên thế giới nhưng sẽ không còn dám khắc nghiệt đối với phụ nữ, trẻ em và người theo tín ngưỡng khác như ở thời đã trị vì Afghanistan hồi 1996 đến 2001.

Trong thời kỳ đầu tiên sau khi lại nắm quyền ở Afghanistan, Taliban sẽ chủ ý thể hiện hữu hảo với thế giới bên ngoài và hoà giải với tất cả các phe nhóm chính trị và cộng đồng sắc tộc và tôn giáo ở bên trong, sẽ quả quyết không chống đối hay gây hại cho bên ngoài và tỏ ra mong muốn hợp tác với bên ngoài, sẽ tìm kiếm sự công nhận quốc tế chứ không lại tự cô lập. Nhưng rồi Taliban có thể sẽ dần không như thế nữa theo thời gian và khả năng ngựa quen đường cũ không thể bị loại trừ.

Mỹ và đồng minh sẽ không vội vàng với việc công nhận chính thể mới ở Afghanistan do Taliban nắm giữ. Họ sẽ dùng việc kiểm soát khả năng Taliban tiếp cận và sử dụng nguồn tài trợ quốc tế để ràng buộc Taliban vào khuôn khổ những chế tài chung về dân chủ, nhân quyền và nhà nước pháp quyền, về chống khủng bố và về để cho ai đó khác lợi dụng chống Mỹ và Phương Tây. Mỹ và Phương Tây sẽ phối hợp để cùng hành động trừng phạt Taliban, kể cả bằng biện pháp quân sự khi cần thiết.

Trung Quốc, Nga, Pakistan và Iran là những nước láng giềng có cơ hội thuận lợi mới để gây dựng ảnh hưởng đối với Taliban và bù lấp khoảng trống quyền lực và ảnh hưởng từ bên ngoài vào Taliban và Afghanistan nhưng cũng đều phải trực diện nhiều rủi ro an ninh như người Afghanistan tỵ nạn, Afghanistan có thể trở thành Mecca mới của những tổ chức, lực lượng và phần tử Hồi giáo cực đoan. Đối với họ, Taliban không phải là kẻ thù nhưng luôn có thể là con dao hai lưỡi.

Khu vực Nam Á đứng trước thời kỳ biến động mới về chính trị an ninh và cục diện quan hệ quốc tế mà Ấn Độ có nhiều lý do xác đáng nhất để lo ngại sâu sắc. Đặc biệt là Trung Quốc và Pakistan có thể lôi kéo được Taliban dễ dàng về cùng phe cánh bất lợi cho Ấn Độ. Taliban trở lại cầm quyền ở Afghanistan thúc đẩy sự trỗi dậy của phe Hồi giáo chính thống bảo thủ ở khu vực này cũng như ở các khu vực khác nữa trên thế giới.

Afghanistan sẽ ra sao trong thời gian tới phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có thái độ, phản ứng và đối sách của thế giới bên ngoài, nhưng phụ thuộc trước hết và chủ yếu vào cách thức quản lý và vận hành cầm quyền của Taliban cũng như vào việc Taliban có thay đổi bản chất thật sự hay chỉ giả vờ thay đổi thôi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem