Ai đã châm ngòi cuộc nội chiến El Salvador kéo dài 12 năm?

Thứ ba, ngày 24/11/2020 18:32 PM (GMT+7)
Một cựu Đại úy quân đội El Salvador từng tham gia trong vụ ám sát Tổng giám mục Oscar Arnulfo Romero cách đây hồi 1980 năm đã tiết lộ những chi tiết có liên quan đến thủ phạm thật sự và kẻ chủ mưu. Vụ ám sát đã châm ngòi cho cuộc nội chiến kéo dài 12 năm ở El Salvador.
Bình luận 0

"Nhân chứng" hé lộ những chi tiết mới về vụ ám sát Tổng giám mục Romero không ai khác chính là cựu Đại úy quân đội Alvaro Saravia, một thành viên tích cực của các "biệt đội thần chết" của Chính phủ El Salvador của Tổng thống Arturo Armando Molina và từng tham gia trong vụ ám sát.

Ai đã châm ngòi cuộc nội chiến El Salvador kéo dài 12 năm? - Ảnh 1.

Tổng giám mục Oscar Arnulfo Romero.

Trên tờ El Faro, Saravia khẳng định ông ta không phải là kẻ ra tay ám sát Tổng giám mục Romero như lâu nay nhiều người vẫn lầm tưởng. "Tôi không giết ông ấy" là lời "tự khai" đầu tiên của Saravia. Saravia tiếp tục khẳng định ông ta chỉ tham gia với tư cách là thành viên "biệt đội thần chết", nhận lệnh D'Aubuisson hỗ trợ vụ ám sát Tổng giám mục Romero được thực hiện có bài bản, có kẻ chủ mưu và do một sát thủ thuộc một trong các "đội quân thần chết" thực hiện. Còn kẻ chủ mưu, lên kế hoạch và chỉ đạo vụ ám sát không ai khác chính là Trung tá Roberto D'Aubuisson - lúc đó là chỉ huy các đơn vị đặc nhiệm quân đội quốc gia El Salvador được mệnh danh là các "biệt đội thần chết". Ông D'Aubuisson sáng lập đảng ARENA.

Nhìn lại lịch sử, tình hình El Salvador thời điểm xảy ra vụ ám sát Tổng giám mục Romero hết sức căng thẳng; bạo lực do quân đội Chính phủ El Salvador gây ra đang đẩy sự căm phẫn trong dân chúng lên cao.

Cũng như các quốc gia Mỹ Latinh khác thời đó, El Salvador bị cai trị bởi chế độ độc tài đàn áp được Mỹ hậu thuẫn. Có vẻ như El Salvador đang xảy ra một cuộc đối đầu quyết liệt giữa các nhà thờ Thiên Chúa giáo với chính quyền. Và Tổng giám mục Romero chính là một "cái gai" rất cần được nhổ đối với chính quyền Tổng thống độc tài Molina.

Thời điểm 3 năm trước khi Tổng giám mục Romero bị ám sát,  một người bạn của ông là linh mục dòng Chúa Cứu thế Rutilio Grande đã bị ám sát do có các hoạt động chống lại Chính phủ El Salvador. Romero bị tác động mạnh bởi cái chết của cha Grande nên đã quyết liệt yêu cầu Chính phủ điều tra, nhưng Tổng thống Molina không trả lời. Căng thẳng giữa nhà thờ và chính quyền lên cao cực độ.

Không nhận được phản hồi thỏa đáng từ Tổng thống Molina, Tổng giám mục Romero bắt đầu các cuộc thuyết giảng về nạn đói, sự bất công, các vụ tra tấn và ám sát. Kết quả của hoạt động thuyết giảng này đã đặt Tổng giám mục Romero vào tầm ngắm của chính quyền Molina.

Ngày 24/3/1980, tại một nhà thờ nhỏ bên trong khuôn viên Bệnh viện La Divina Providencia, đang diễn ra buổi lễ Mass, khi Tổng giám mục Oscar Arnulfo Romero vừa nâng chén thánh lên làm lễ thì một phát súng tiểu liên M-16 vang lên và vị Tổng giám mục đổ gục xuống bên cạnh án lễ thánh. Vụ việc xảy ra chỉ một ngày sau khi đức cha Romero ra lời kêu gọi binh sĩ quân đội quốc gia El Salvador ngừng ngay các cuộc bố ráp, đàn áp dã man những người cánh tả và thường dân El Salvador.

Ngay sau đó, đám tang của Tổng giám mục Romero đã biến thành một cuộc tổng phản kháng quy mô lớn. 250.000 người từ khắp thế giới tụ tập về Nhà thờ lớn San Salvador để cử hành lễ viếng đồng thời để biểu thị phản đối Chính phủ El Salvador. Một quả bom khói phát nổ, nhiều phát súng trường bắn tỉa từ tầng cao các tòa nhà xung quanh khu vực tang lễ làm chết 40 người và 200 người bị thương. Đám tang đã thật sự biến thành vụ đụng độ đầu tiên giữa quân Chính phủ với lực lượng cánh tả và tôn giáo. Nội chiến El Salvador bắt đầu nổ ra từ đó.

Tháng 10/1980, lực lượng du kích cánh tả do Mặt trận Giải phóng dân tộc Farabundo Marti (FMLN) lãnh đạo được thành lập, gồm 5 tổ chức du kích cánh tả sáp nhập lại, trong đó nòng cốt là du kích đảng Cộng sản El Salvador và Phong trào Giải phóng nhân dân Farabundo Marti. Từ khi có FMLN, cuộc kháng chiến của cánh tả và quần chúng nhân dân chống quân đội Chính phủ El Salvador trở nên chắc chắn và hiệu quả hơn. Thế nhưng, sau 12 năm, năm 1992, cuộc nội chiến chấm dứt sau khi FMLN ký kết hiệp định hòa bình với Chính phủ El Salvador. 75.000 người đã chết trong cuộc nội chiến.

Nghi phạm của vụ ám sát Tổng giám mục Romero được cho là các thành viên một "biệt đội thần chết" (dead squad) của Chính phủ do D'Aubuisson chỉ huy. Một số nhân vật cộm cán khác cũng bị nghi ngờ liên quan trong vụ ám sát bí ẩn này, trong đó có Saravia. Tuy nhiên, vụ ám sát đã bị chìm trong quên lãng và công lý đã không thể được thực thi để giành lại sự công bằng cho Tổng giám mục Romero - và những nạn nhân khác của chế độ độc tài Molina.

D'Aubuisson đã qua đời năm 1992 vì bệnh ung thư, cũng là năm kết thúc nội chiến. Năm 1993, một đạo luật ân xá ra đời, trong đó quy định việc ân xá đặc biệt cho tất cả các cá nhân từng tham gia khủng bố, tra tấn và ám sát chính trị trong giai đoạn nội chiến.

Trong thời gian chạy trốn công lý ở El Salvador, Saravia đã tham gia các hoạt động buôn bán ma túy ở Colombia và giúp bọn mafia ma túy rửa tiền. Không thể bị truy tố ở quê nhà El Salvador, Saravia đã bị Trung tâm Công lý và Trách nhiệm (Center for Justice and Accountability) ở bang California (Mỹ) kiện ra tòa dân sự vì dính líu trong vụ ám sát Tổng giám mục Romero. Năm 2004, Saravia bị tòa tuyên bồi thường 10 triệu USD cho thân nhân gia đình Tổng giám mục Romero. Sau đó ông ta biến mất một thời gian trước khi xuất hiện trên tờ báo El Faro ngày 24/3/2010.

Câu hỏi còn lại là nhân vật nào trong giới chính khách chóp bu trong Chính phủ El Salvador thời đó, kể cả Tổng thống Molina là người chịu trách nhiệm cao nhất, đứng đằng sau giật dây D'Aubuisson thực hiện vụ ám sát Tổng giám mục Romero. Có ý kiến cho rằng, chính Tổng thống Molina đã đứng đằng sau D'Aubuisson, nhưng điều này chưa được xác nhận cụ thể. Còn ý kiến khác lại hướng đến Washington - nơi được xem là hậu thuẫn chính cho các hoạt động chống lại lực lượng cánh tả El Salvador.

Ngày 24/3/2010, nhân 30 năm vụ ám sát Tổng giám mục Romero, Tổng thống El Salvador Mauricio Funes, người của FMLN, đã thay mặt Nhà nước El Salvador đưa ra lời xin lỗi chính thức đối với Hội Thánh, giới tín hữu Thiên Chúa giáo và gia đình, thân nhân, con cháu Tổng giám mục Romero. Từng là đối thủ "không đội trời chung" với D'Aubuisson và các chính phủ độc tài El Salvador trong nội chiến, nay ông Funes và đảng FMLN của ông lại nói lời xin lỗi thay cho "kẻ thù xưa". Hành động này của Tổng thống Funes được xem là mang tính hòa giải dân tộc và đầy tính nhân văn. Và có lẽ hành động đó cũng đã khép lại nỗi đau quá khứ của đất nước El Salvador.

Nguyên Khang (tổng hợp) (Theo ANTG)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem