Ai đã đặt tên cho những cơn bão và tại sao lại là bão TRAMI chứ không phải tên khác?
Ai đã đặt tên cho những cơn bão và tại sao lại là bão TRAMI chứ không phải tên khác?
Nguyên An
Thứ ba, ngày 22/10/2024 15:51 PM (GMT+7)
Những cái tên như Yagi, Linda, Sonca, Saola, hay hiện tại là TRAMI – đều khiến người ta thắc mắc: "Ai đặt tên cho những cơn bão này?" và "tại sao lại là bão TRAMI?". Hãy cùng tìm hiểu về nguồn gốc, ý nghĩa và quy trình đặt tên bão – một chủ đề tưởng chừng rất khô khan nhưng thực ra lại đầy thú vị và bất ngờ!
Trước hết, chúng ta cần hiểu lý do tại sao cơn bão lại cần phải có tên. Trên thực tế, tên gọi không chỉ giúp ta dễ nhớ và theo dõi mà còn rất cần thiết cho việc truyền thông tin chính xác và kịp thời. Hãy thử tưởng tượng một ngày đẹp trời, các nhà khí tượng học thông báo về bão mà không đặt tên, ví dụ: "Một cơn bão mạnh đang tiến về miền Trung, cơn bão thứ 9 trong năm!" – nghe có vẻ kém hấp dẫn và còn có thể khiến mọi người nhầm lẫn với các cơn bão khác. Vì vậy, việc đặt tên giúp mọi người nhận biết nhanh hơn, từ đó phản ứng kịp thời với nguy cơ mà bão mang lại.
Nhưng tại sao lại không đặt tên đơn giản như "Bão số 1", "Bão số 2". Theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Hoa Kỳ (NOAA), ban đầu, các cơn bão được đặt theo tên của các vị thánh liên quan đến ngày cơn bão đổ bộ. Ví dụ cơn bão Santa Ana đổ bộ vào ngày 26/7/1825 được đặt theo tên Thánh Anne của Kitô giáo.
Nếu có 2 cơn bão đổ bộ vào trong cùng một ngày, cơn bão mới hơn sẽ có thêm phần hậu tố trong tên gọi của nó. Chẳng hạn cơn bão đổ bộ Puerto Rico vào ngày 13/9/1876 được đặt tên là San Felipe và một cơn bão khác đổ bộ vào ngày 13/9/1928 được đặt tên là bão San Felipe II.
Các nhà khoa học sau đó sử dụng thông tin về kinh độ, vĩ độ hình thành nên cơn bão để đặt tên cho các cơn bão. Tuy nhiên, phương pháp này khiến quá trình nhận diện các cơn bão trở nên rườm rà và dễ nhầm lẫn.
Đến năm 1953, các chuyên gia dự báo thời tiết tại Mỹ sử dụng tên do Trung tâm Bão Quốc gia (trực thuộc NOAA) chỉ định. Các nhà khoa học tại NOAA sẽ đặt tên riêng cho từng cơn bão được hình thành.
Một điều khá thú vị, ban đầu, các nhà khoa học đã sử dụng tên gọi của phái nữ để đặt cho các cơn bão, trong đó cơn bão đầu tiên được đặt tên là bão Maria, được đặt theo tên nhân vật nữ chính trong cuốn tiểu thuyết "Storm" (Cơn bão), được viết vào năm 1941 của nhà văn Mỹ George Rippey Stewart.
Tuy nhiên, khi phong trào nữ quyền phát triển khiến các nhà khoa học nhận ra rằng việc sử dụng tên phái nữ để đặt cho các cơn bão có phần phân biệt giới tính. Do vậy đến năm 1979, các nhà khoa học tại NOAA đã sử dụng tên của nam giới để đặt cho các cơn bão và sử dụng luân phiên tên của 2 giới để đặt cho các cơn bão.
Chính NOAA đã khởi xướng cho việc đặt tên các cơn bão, tuy nhiên, ban đầu những tên gọi này được sử dụng trong phạm vi nước Mỹ và các nước đồng minh phương Tây.
Quy trình đặt tên các cơn bão có gì đặc biệt?
Trở lại với câu hỏi nhiều người thắc mắc: "Ai là người đặt tên cho bão?". Để tránh mọi người tưởng tượng ra hình ảnh một nhà khí tượng học nào đó ngồi đung đưa trên ghế và tùy hứng chọn một cái tên ngẫu nhiên, thực tế là việc này được quản lý rất chặt chẽ bởi một tổ chức quốc tế có tên là Ủy ban Bão thuộc Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO). Mỗi khu vực trên thế giới sẽ có một danh sách tên bão được chuẩn bị trước và sử dụng luân phiên, thường kéo dài trong nhiều năm.
Riêng khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương, nơi mà Việt Nam thường phải hứng chịu bão, danh sách tên bão đã được các quốc gia thành viên trong khu vực đóng góp, trong đó có cả Việt Nam. Các nước này đề xuất các cái tên dựa trên những yếu tố văn hóa, thiên nhiên, động vật hay cả những điều đặc trưng của đất nước mình. Ví dụ, Việt Nam đã đóng góp những cái tên như "Sơn Tinh", "Bạc Liêu", và "Con Voi", "Sơn Ca", "Sao La", ... vào danh sách.
Cái tên cơn bão TRAMI từ đâu mà có?
Nói về TRAMI – cái tên của cơn bão lần này, chắc hẳn nhiều người sẽ thắc mắc: "TRAMI là gì nghe lạ hoắc, có nghĩa gì không nhỉ?".
Theo đại diện của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tên bão TRAMI do Việt Nam đặt tên. TRAMI trong tiếng Việt là một loài hoa thuộc họ hoa hồng. Hoa Trà Mi còn có tên gọi khác là hoa Sơn Trà, hoa có tên khoa học là Camellia Japonica, thuộc chi Chè. Hoa có nguồn gốc từ vùng Đông Á.
Đặc biệt, với Việt Nam, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã đưa ra đề xuất 20 tên gọi cho bão để gửi lên WMO, nhưng sau đó Ủy ban Bão của WMO tại khu vực chỉ chọn ra 10 cái tên do Việt Nam đề cử, bao gồm Conson, Saola, Songda, Sontinh, Lekima, Sonca, Bavi, Tramy, Halong, Vamco.
Tuy nhiên, tên gọi Sontinh sau đó đã được phía Việt Nam đề nghị rút ra khỏi danh sách đặt tên cho bão vì đây là vị thần biểu tượng cho nỗ lực chống lại các hiện tượng thiên tai, bão lũ trong truyền thuyết của dân tộc, do vậy việc sử dụng "Sơn tinh" để đặt tên cho các cơn bão là không phù hợp.
Danh sách tên gọi các cơn bão sẽ được tái sử dụng sau mỗi 6 năm. Chẳng hạn danh sách các cơn bão năm 2023 sẽ được sử dụng lại để đặt tên cho các cơn bão vào năm 2029.
Mặc dù các tên bão được sử dụng theo chu kỳ, có một số tên bão lại bị "xóa sổ" mãi mãi khỏi danh sách. Điều này xảy ra khi cơn bão đó quá tàn khốc, gây thiệt hại nghiêm trọng và ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống của người dân. Các quốc gia bị ảnh hưởng thường đề nghị loại bỏ tên đó khỏi danh sách để tránh gợi nhớ về những ký ức đau buồn. Ví dụ, những cái tên như Haiyan (2013), Katrina (2005), hay Linda (1997) đều đã bị gạch tên sau khi gây thiệt hại nặng nề. Sau khi một tên bão bị loại bỏ, một cái tên mới sẽ được thêm vào danh sách để thay thế.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.