Đào được khúc gỗ, báo chính quyền vẫn bị công an tạm giữ ở Kon Tum: Ai đúng, ai sai?

Quang Trung Thứ năm, ngày 26/05/2022 09:49 AM (GMT+7)
Chuyên gia pháp lý đã có phân tích xung quanh vụ việc người dân cải tạo ruộng phát hiện khúc gỗ lớn, sau khi báo chính quyền địa phương và tiến hành vận chuyển đi cưa thì bị công an tạm giữ ở Kon Tum.
Bình luận 0

Đào được khúc gỗ dưới ruộng, báo chính quyền vẫn bị công an tạm giữ

Hạt kiểm lâm huyện Sa Thầy (Kon Tum) cho biết, công an huyện này đang tiến hành điều tra, xác minh nguồn gốc một cây gỗ lớn được một người dân phát hiện khi cải tạo đồng ruộng.

Trước đó, ngày 23/3, trong lúc được thuê cải tạo đất ruộng cho người dân ở xã Sa Sơn (huyện Sa Thầy), ông Lê Quang Nam (44 tuổi, trú tại TT.Sa Thầy) phát hiện 1 cây gỗ bị vùi lấp dưới lòng đất. Cây gỗ dài khoảng 12m, đường kính khoảng 0,7 m và đã bị vỡ nát phần gốc.

Ai đúng, ai sai trong vụ đào được khúc gỗ, báo chính quyền vẫn bị công an tạm giữ ở Kon Tum? - Ảnh 1.

Ông Nam trình bày sau khi trục vớt đã báo chính quyền hơn một tháng nhưng không được hướng dẫn, trong khi chính quyền xã nói không có việc trình báo này. Ảnh: Đức Nhật

Ông Nam đã đến UBND xã Sa Sơn trình báo sự việc và xin phép được đào cây gỗ trên để về làm đồ gia dụng.

Nhận được trình báo của ông Nam, UBND xã Sa Sơn đã tổ chức đến hiện trường xác minh. Qua đó, UBND xã Sa Sơn đã lập biên bản xác định nơi phát hiện cây gỗ trên không phải đất rừng và cây gỗ này không xác định được thời gian, khối lượng cũng như nguồn gốc.

Trong biên bản ghi rõ, ông Nam sau khi trục vớt hoàn thành thì báo cáo về UBND xã để cử lực lượng chức năng xuống kiểm tra cụ thể, báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết theo quy định.

Sau đó, ông Nam đã huy động nhiều phương tiện, nhân công để đào cây gỗ lên với chi phí khoảng 90 triệu đồng. Ngày 8/4, sau khi đào xong, ông Nam có thông báo cho UBND xã Sa Sơn.

Hơn 1 tháng sau, đến ngày 20/5 vẫn không thấy cơ quan chức năng đến xử lý, nghĩ rằng số gỗ không có giá trị nên ông Nam liền vận chuyển về 1 xưởng gỗ để cưa xẻ làm đồ gia dụng.

Tuy nhiên sau đó cơ quan công an huyện Sa Thầy đã tiến hành lập biên bản tạm giữ cây gỗ trên vì hồ sơ, nguồn gốc lâm sản không đầy đủ, chưa rõ ràng. Số gỗ đã cưa xẻ này được đưa về trụ sở Công an để bảo quản trong thời gian xác minh nguồn gốc.

Đồng thời Công an huyện Sa Thầy cũng ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính… để có căn cứ ra quyết định xử phạt.

Ai đúng, ai sai?

Vụ việc này đang có nhiều ý kiến trái chiều, vậy quy định pháp luật về việc tìm kiếm được tài sản dưới lòng đất như thế nào?

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, việc người dân đào đất tìm thấy cổ vật, tài sản dưới lòng đất không còn là chuyện mới, đó là một sự kiện pháp lí, là căn cứ để tìm kiếm chủ sở hữu tài sản.

Vụ việc người dân tìm được khúc gỗ có giá trị, thông báo với chính quyền địa phương và bị chính quyền địa phương tạm giữ để chờ xử lý là một trong những sự kiện pháp lí làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt các quan hệ pháp luật.

Nếu người dân không thông báo sự việc với chính quyền mà tự ý sử dụng tài sản đó, đây là hành vi vi phạm pháp luật và việc cơ quan chức năng tạm giữ để xử lý là có căn cứ.

Ông Cường phân tích, trong vụ việc nêu trên, việc ông Nam trình báo với chính quyền là hành vi phù hợp với quy định, bởi pháp luật bắt buộc mọi công dân khi tìm thấy tài sản bị chôn giấu, chìm đắm, bị đánh rơi, bỏ quên, không xác định được chủ sở hữu, người phát hiện, tìm thấy phải thông báo tìm kiếm, báo cho chính quyền địa phương biết về tình trạng tài sản để xử lý.

Đây là nghĩa vụ của công dân được pháp luật quy định, cũng là một trong những cơ sở để có thể xác lập quyền sở hữu tài sản theo quy định của Bộ luật dân sự.

Ai đúng, ai sai trong vụ đào được khúc gỗ, báo chính quyền vẫn bị công an tạm giữ ở Kon Tum? - Ảnh 3.

Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường đã có phân tích xung quanh vụ việc người dân cải tạo ruộng phát hiện khúc gỗ lớn, sau khi báo chính quyền địa phương và tiến hành vận chuyển đi cưa thì bị công an tạm giữ ở Kon Tum. Ảnh: NVCC.

Khi phát hiện tài sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu, tài sản bị bỏ quên, đánh rơi, chôn giấu, chìm đắm...chính quyền địa phương sẽ tiếp nhận, bảo quản và thông báo tìm kiếm chủ sở hữu tài sản.

Hết thời hạn tìm kiếm mà không xác định được chủ sở hữu, tài sản đó sẽ thuộc về người tìm kiếm hoặc thuộc về nhà nước (người tìm kiếm được trả công) tuỳ thuộc vào từng trường hợp cụ thể và phụ thuộc vào giá trị tài sản.

Như vậy, khúc gỗ trên được đào thấy ở dưới lòng đất, chưa xác định được chủ sở hữu tài sản là ai nên người tìm thấy có nghĩa vụ phải thông báo với chính quyền địa phương để tìm kiếm chủ sở hữu tài sản. Nếu tìm kiếm được chủ sở hữu tài sản sẽ phải trả lại khúc gỗ đó cho chủ sở hữu và người tìm thấy được trả công.

Trường hợp không tìm được chủ sở hữu tài sản mà tài sản thuộc di tích lịch sử, văn hóa, sẽ thuộc về nhà nước và người tìm thấy cũng được trả công.

Trường hợp không xác định được chủ sở hữu tài sản và tài sản tìm thấy không phải là di tích lịch sử văn hóa, đồng thời giá trị dưới 10 tháng lương cơ sở, tài sản đó thuộc về người tìm kiếm nếu sau một năm thông báo tìm kiếm nhưng vẫn không tìm được chủ sở hữu.

Trường hợp tài sản đó cao hơn 10 tháng lương cơ sở và đã thông báo một năm mà vẫn chưa tìm thấy chủ sở hữu, tài sản sẽ thuộc về nhà nước và người tìm thấy sẽ được hưởng giá trị bằng 10 tháng lương cơ bản.

Ngoài ra, theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 3 Nghị định số 29/2018/NĐ-CP, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc người có thẩm quyền được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phân cấp sẽ có thẩm quyền xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy.

Từ phân tích trên, ông Cường cho biết, trong vụ việc này, việc chính quyền địa phương tạm giữ khúc gỗ để xác định giá trị, thông báo tìm kiếm chủ sở hữu của khối gỗ này là phù hợp với quy định của pháp luật.

Trong thời hạn một năm kể từ thời điểm thông báo tìm kiếm nếu tìm thấy chủ sở hữu tài sản hợp pháp, khúc gỗ sẽ được trả lại cho chủ sở hữu. Ông Nam được trả tiền công theo quy định.

Trường hợp hết một năm mà vẫn không xác định được chủ sở của khúc gỗ và tài sản này có giá trị trên 10 tháng lương cơ sở, ông Nam sẽ được hưởng giá trị 10 tháng lương cơ sở và khúc gỗ sẽ thuộc về nhà nước.

Trường hợp khúc gỗ trị giá không quá 10 tháng lương cơ sở, lúc này khúc gỗ mới thuộc về ông Nam.

"Theo thông tin trên báo chí, có một phần trách nhiệm của UBND xã Sa Sơn vì chậm trễ kiểm tra, xác minh. Nếu làm rõ nguồn gốc và có hướng dẫn ngay từ khi ông Nam trục vớt lên sẽ không có những tranh cãi như bây giờ" – ông Cường cho biết thêm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem