Ai không nên ăn rau muống?

Thứ hai, ngày 01/05/2023 07:26 AM (GMT+7)
Hàm lượng kali và chất xơ dồi dào trong rau muống có thể giảm thiểu nguy cơ mắc các vấn đề tim mạch cùng một số bệnh lý khác.
Bình luận 0
Ai không nên ăn rau muống? - Ảnh 1.

Rau muống chứa nhiều chất dinh dưỡng nhưng không tốt cho một số trường hợp đặc biệt. Ảnh: Pixabay.

Rau muống là loại rau xanh thường được sử dụng rộng rãi trong ẩm thực châu Á và căn bếp của người Việt.

Rau muống chứa nhiều chất dinh dưỡng, gồm vitamin A, C, K, B6, axit folic, canxi, sắt và magie. Nó cũng là nguồn chất xơ và chất chống oxy hóa.

Thượng úy, thạc sĩ, bác sĩ Bùi Thị Duyên, khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Quân y 175 (Bộ Quốc phòng), cho biết rau muống chứa nhiều kali, chất xơ, có thể giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tim mạch bằng cách giảm cholesterol và huyết áp.

Chất xơ trong rau muống có thể giúp tăng cường chức năng tiêu hóa, giảm táo bón. Ngoài ra, nguồn canxi, magie, vitamin K trong loại rau này cũng có tác dụng tăng cường sức khỏe xương, ngăn ngừa loãng xương.

Một lợi ích không nhiều người biết là rau muống có tác dụng trong cải thiện sức khỏe làn da. Nguyên nhân là nguồn vitamin A và C trong loại rau này có thể hỗ trợ bảo vệ da khỏi tác hại của các gốc tự do.

Mặc dù loại rau này mang lại nhiều lợi ích sức khỏe và cũng là món ăn quen thuộc hàng ngày, không phải tất cả đều có thể ăn rau muống.

Theo phân tích của bác sĩ Duyên, những người bị đầy hơi hoặc khó tiêu có thể không nên ăn rau muống quá nhiều bởi chất xơ có thể gây khó chịu và đầy hơi.

Ngoài ra, người bị bệnh thận hoặc đang sử dụng các loại thuốc liên quan thận cũng nên thận trọng khi ăn rau muống. Lý do là nó chứa một lượng nhất định oxalate, có thể làm tăng nguy cơ hình thành các tinh thể cặn trong thận.

Từ xưa đến nay, một số người thường khuyên những trường hợp có vết thương hở, mới phẫu thuật không nên ăn rau muống vì gây sẹo lồi. Tuy nhiên, theo bác sĩ Duyên, quan niệm này đến nay chỉ được lưu truyền trong dân gian theo kinh nghiệm.

"Thực tế chưa có nghiên cứu khoa học nào khẳng định điều này. Hơn nữa, bị sẹo lồi hay không còn do cơ địa của mỗi người. Nếu bạn lo lắng ăn rau muống làm cho sẹo lồi, trong thời gian có vết thương hoặc sau phẫu thuật, bạn nên ăn các loại rau khác vẫn tốt cho sức khỏe", bác sĩ Duyên khuyến cáo.

Bích Huệ (zingnews.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem