Ai sẽ chịu tác động khi giá điện 2 thành phần được thí điểm áp dụng?
Ai sẽ chịu tác động khi giá điện 2 thành phần được thí điểm áp dụng?
An Linh
Thứ ba, ngày 05/11/2024 06:00 AM (GMT+7)
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), việc triển khai áp dụng thí điểm giá điện 2 thành phần cho khách hàng từ ngày 1/1/2025 chỉ xảy ra đối với nhóm đối tượng sử dụng điện sản xuất (điện 3 pha), nhóm khách hàng sinh hoạt có sản lượng trên hoặc bằng 2.000 kWh/tháng.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa báo cáo Bộ Công Thương về triển khai thí điểm hình thức bán giá điện 2 thành phần (gồm giá công suất và giá điện năng). Trên cơ sở đề xuất này, Bộ Công Thương sẽ xem xét xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt lộ trình thực hiện và đối tượng áp dụng.
Nhóm khách hàng nào được áp dụng giá điện 2 thành phần là ai?
Biểu giá điện 2 thành phần cho nhóm đối tượng khách hàng theo Nghị định số 80/2024/NĐ-CP, chủ yếu là khách hàng sử dụng điện cho mục đích sản xuất mua trực tiếp từ EVN gồm: tại cấp cao áp (từ 110 kV trở lên), trung áp (từ 6 kV đến dưới 110 kV), hạ áp (dưới 6 kV).
Hiện, Việt Nam đang áp dụng giá một thành phần, tức tiền trả theo sản lượng dùng. Cách tính này được đánh giá chưa phản ánh chính xác chi phí ngành điện bỏ ra (khấu hao tài sản, đường dây, trạm biến áp...) cho mỗi khách hàng.
Với giá điện hai thành phần, gồm tính theo sản lượng tiêu thụ và công suất đăng ký, khách hàng sẽ trả riêng cho mỗi kW công suất họ đăng ký hàng tháng với nhà cung cấp. Khi không sử dụng, họ vẫn phải trả chi phí này, thay vì ngành điện chịu và thu hồi qua điều chỉnh giá như hiện nay.
Như vậy, việc áp dụng giá điện 2 thành phần hầu như chỉ xảy ra đối với nhóm đối tượng sử dụng điện sản xuất (điện 3 pha), nhóm khách hàng sinh hoạt có sản lượng trên hoặc bằng 2.000 kWh/tháng. Giá điện sẽ phân loại theo cấp điện áp gồm 4 cấp: siêu cao cấp, cao áp, trung áp và hạ áp.
EVN khẳng định việc cải cách cơ chế giá bán lẻ điện cần được xem xét trong thời điểm Việt Nam đang chuyển đổi sang cơ chế thị trường phát điện, bán buôn, bán lẻ điện. Song, việc áp dụng giá điện 2 thành phần sẽ tác động đến các nhóm khách hàng, các hộ sử dụng điện do số tiền phải thanh toán của khách hàng có thể tăng hoặc giảm so với cơ chế hiện nay.
Tại đề án vừa được EVN đề xuất, phương án cơ sở là hệ thống giá thuần túy phản ánh chi phí cung cấp điện, có xét tới đặc điểm tiêu dùng điện của các nhóm khách hàng.
Theo phân loại nhóm khách hàng: Khách hàng ngoài sinh hoạt; khách hàng sinh hoạt sẽ có nhóm khách hàng tiêu thụ sản lượng 2.000 KWh/tháng; khách hàng có sản lượng trên 2.000 KWh/tháng. Nhóm khách hàng ngoài sinh hoạt, EVN đề xuất chung một biểu giá điện 2 thành phần theo dạng giá công suất (đồng/KWh) và giá điện năng cao thấp điểm (đồng/KWh). Đây là ba nhóm gồm sản xuất, kinh doanh và hành chính sự nghiệp trong hệ thống giá hiện hành.
Với khách hàng sử dụng điện sinh hoạt có quy mô, sản lượng tiêu dùng lớn hơn 2.000 KWh/tháng, sẽ giống như khách hàng ngoài sinh hoạt nhưng tiêu dùng ở cấp điện áp hạ áp.
Chưa áp dụng cho khách hàng dùng điện sinh hoạt dưới 2.000 kWh/tháng
Theo EVN, thống kê cho thấy nhóm sử dụng điện sinh hoạt có quy mô, sản lượng tiêu dùng tới 2.000 KWh/tháng lên tới 56.000 khách hàng, việc trang bị hệ thống đo đếm hai thành phần là chưa thể thực hiện được ở giai đoạn trước mắt.
Vì thế, EVN cho rằng giai đoạn đầu chưa đề xuất áp dụng mà có thể xem xét phương án giá điện 2 thành phần theo cách thức áp dụng với hộ có sản lượng dưới 2.000 KWh/tháng, tức thu giá cố định theo gói và giá điện năng không đổi.
Với nhóm khách hàng có sản lượng tiêu dùng thấp (dưới 2.000 KWh/tháng), biểu giá sinh hoạt 2 thành phần sẽ bao gồm giá cố định theo quy mô tiêu dùng và giá điện năng đồng giá (mức 1.598 đồng/KWh).
EVN cho biết nhóm khách hàng tiêu dùng dưới 50 KWh/tháng vẫn đang được hưởng sự hỗ trợ từ Chính phủ. Vì vậy, sẽ dựa vào quy mô tiêu dùng để tính giá cố định đang được xây dựng theo dạng bậc thang hiện hành.
Báo cáo của EVN cũng đề xuất lộ trình áp dụng cụ thể giai đoạn thử nghiệm và sau giai đoạn thử nghiệm.
Tại giai đoạn thử nghiệm được thực hiện trên dữ liệu thời gian thực với việc tiếp tục áp dụng biểu giá bán lẻ điện hiện hành để tính hóa đơn tiền điện đến hết năm 2024.
Sau giai đoạn thử nghiệm, EVN đề xuất áp dụng chính thức giá điện 2 thành phần thí điểm cho khách hàng sản xuất trong tệp khách hàng Nghị định 80 về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn.
"Phương án lý tưởng là áp dụng từ 1/1/2025, nếu như giai đoạn thử nghiệm đề xuất trên được triển khai và kết thúc như dự kiến”, Tập đoàn Điện lực Việt Nam thông tin.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.