Theo người dân địa phương, cây Bún có độ cao từ 7- 20 mét, thân gỗ, được những bậc lão làng làm cán dao, cán cuố. Ngoài ra lá cây Bún có hình mũi mác, cụm hoa trổ dày đặc ở ngọn các nhánh vì cây sống thích nghi ở vùng nhiệt đới.
Thời điểm sau Tết Nguyên đán, những cây bún ở miền Tây vào kỳ bung bông rực rỡ.
Vào thời điểm tháng 2 trở đi, cây bún trổ hoa đẹp lạ tạo thành nét đặc trưng của vùng sông nước miền Tây, có nơi cây bún mọc trước sân nhà, hay đình chùa cũng tạo thêm cảnh hoang đặc sắc. Ông Lê Văn Võ, người dân ở xã Phú Hưng cho biết: “Không biết tự đời nào, lâu lắm rồi. Cây bún này thì nó mọc hoang vu theo mé sông, quanh vườn, có điều là thấy nó cũng ngồ ngộ là trổ bông chứ mọi lần thấy có trái”.
Hoa cây bún
Theo các vị lương ly ở vùng đất Phú Hưng, huyện Phú Tân thì cây bún còn có tên khác là cây cần sen, là dược liệu quý lá có vị đắng, hoa màu trắng, trái to như trứng gà. Lá cây bún được người xưa lót đệm để tạo mùi thơm và màu sắc cho các loại hoa quả.
Hoa bún tuy không thơm nhưng có thể ăn luộc như rau. Trong y học cổ truyền, vỏ cây bún có thể bào chế thành thuốc viên làm dịu viêm, dễ tiêu hoá hay trị sỏi hoặc rối loạn đường tiết niệu.
Cây bún ở miền Tây là cây dược liệu quý, có thể chế biến thành nhiều món ăn vị thuốc, là nguyên liệu của nhiều bài thuốc Nam chữa bệnh...
Phát huy sử dụng dược liệu sẵn có ở địa phương thời gian tới, ông Nguyễn Thiện Chủng - Chủ tịch Hội Đông y xã Phú Hưng, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang nói: “Dược liệu ở đây thì cây nào cũng sử dụng làm thuốc được.
Cây bún này cũng là cây mọc hoang chứ cũng không ai trồng nhưng nhìn lại những cây bún ở đây là cây cổ thụ hết sức to, cho nên từ chỗ đó, sắp tới địa phương sẽ phát huy dược liệu Việt Nam để nghiên cứu đưa vào trị bệnh cho hiệu quả cao nhất”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.