Ẩn họa ở “vùng đất đỏ”

Thứ tư, ngày 16/02/2011 19:38 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đã hơn 35 năm sau ngày giải phóng, vậy mà đó đây trên mảnh đất miền Trung thỉnh thoảng vẫn rền vang tiếng nổ bom, đầu đạn.
Bình luận 0

Chính phủ và các tổ chức phi chính phủ vẫn rót kinh phí, nhân sự để duy trì việc khắc phục hậu quả bom mìn trên quê hương được mệnh danh là "vùng đất đỏ" này nhưng để “đất sạch”, an lành tuyệt đối, phải mất ít nhất 300 năm nữa.

Ẩn hoạ khắp nơi

img

Đội rà phá bom mìn của Dự án Renew tại công trình xây dựng trường đào tạo nghề Quảng Trị.

“Con số bom đạn mà Mỹ thả xuống chiến trường Việt Nam được nói và biết nhiều, nhưng cứ mỗi lần nhắc lại đều làm giật mình người nghe” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, ông Nguyễn Đức Chính tâm sự như vậy. Riêng số bom mìn còn sót lại trên lãnh thổ toàn quốc không dưới 1,5 triệu tấn.

Đã có 105.000 thường dân chết và bị thương do tai nạn bom mìn từ sau ngày giải phóng. Quảng Trị là một trong những địa phương có số lượng bom mìn còn sót lại nhiều nhất nước. Có một quy định đánh dấu bản đồ lãnh thổ bị ô nhiễm bom mìn bằng màu đỏ, thì bản đồ của tỉnh này gần như phủ kín hết một màu đỏ rực, với 83,8% tổng diện tích tự nhiên có bom mìn, đầu đạn còn sót lại trong lòng đất.

Từ năm 1975 đến nay, toàn tỉnh Quảng Trị có 7.036 nạn nhân thương vong do bom mìn sót nổ, chiếm 1,2% dân số toàn tỉnh. Trong đó có 2.618 người chết. Thương tâm nhất là có đến 31% nạn nhân là trẻ em.

Ông Nguyễn Đức Chính từng là thanh niên xung kích, tham gia công tác tìm dọn bom mìn ngay những ngày đầu sau giải phóng. Ông kể, ngày ấy gần như toàn dân đều tham gia dò tìm, phá bom đạn để giành lại từng mảnh ruộng, vườn, ao mà sản xuất. Thanh niên trai tráng cùng với bộ đội làm ròng rã nhiều năm liền sau đấy. Tuy nhiên, từ 1975-1977 đạn bom cũng chỉ tạm dọn trên bề mặt đất, phá 113.000 bom mìn, vật liệu nổ, giải phóng 261.000ha. Từ đó, công cuộc rà phá bom mìn không còn triển khai tổng lực như vậy nữa.

Trong khi tai nạn gần như liên tục đến với người dân. Mãi đến năm 1996, tại Quảng Trị mới bắt đầu tiếp nhận viện trợ nước ngoài, thực hiện các chương trình khắc phục hậu quả ô nhiễm bom mìn. Cũng theo ông Chính, hiện có 11 văn phòng đại diện, 20 tổ chức phi chính phủ nước ngoài có mặt tại Quảng Trị, triển khai các dự án liên quan đến việc khắc phục hậu quả bom mìn, tái đầu tư sản xuất, định cư cho người dân.

Trung bình mỗi năm, địa phương này nhận viện trợ 50-70 triệu USD. Ngoài ra, Chính phủ VN cũng chi gần 20 tỷ đồng và 1 triệu USD cho công tác rà phá bom mìn. Thế nhưng, mức độ an toàn cũng chỉ trên bề mặt đất từ 1-3 mét. Mỗi mùa mưa bão lại xuất hiện bom, đạn, gây tai nạn, thương vong. 100% các công trình xây dựng hạ tầng tại địa phương này buộc phải thực hiện công đoạn rà phá bom mìn trước khi xây dựng. Ẩn hoạ vẫn rình rập khắp nơi.

Cần 300 năm và hàng triệu USD

img

Ông Ngô Xuân Hiền - cán bộ phát triển và quan hệ công chúng thuộc Dự án Renew - một tổ chức phi chính phủ, đang triển khai hàng loạt dự án khắc phục hậu quả ô nhiễm bom mìn và hỗ trợ người dân tại Quảng Trị cho biết những thông tin còn nóng hổi: Mới đây nhất, ngày 5.10.2010, đã xảy ra vụ nổ đầu đạn cối tại thôn Câu Nhi, xã Hải Chánh, huyện Hải Lăng, làm ông Đào Bá Tám, 44 tuổi, bị chết ngay tại chỗ.

Ông Tám đang làm cỏ tràm trong vườn nhà vô tình đụng phải đạn cối. Trước đó, ngày 20.6.2010, Nguyễn Đức Nhã, 32 tuổi, ở Tân Quang, Cam Tuyền, huyện Cam Lộ cũng bị thương nặng khi đụng phải đầu đạn. Tang thương nhất là trường hợp Hồ Văn Nguyên, ở huyện Đăk Rông, đang làm cỏ chuối trong vườn nhà thì vấp phải bom bi, chết tại chỗ vào ngày 14.2.2010, nhằm đúng ngày 30 Tết.

Đi ngược thời gian, có rất nhiều, rất nhiều những câu chuyện tương tự. Những tai nạn bom mìn tại Quảng Trị nói riêng, đất miền Trung nói chung, đang là câu chuyện thời sự, chưa tan... khói thuốc nổ, còn nghi ngút khói hương bàn thờ nạn nhân đang và sẽ còn diễn ra.

Ông Hiền đùa, tôi nguyên là cán bộ hành chính nhà nước, nhưng mấy năm gần đây, thấy bom mìn máu lửa quá nên chuyển sang làm cho Dự án Renew. Tuy vậy, tôi thấy nỗi ám ảnh của những thảm nạn bom mìn sau cuộc chiến đã hằn sâu trong tâm trí ông từ thời niên thiếu, qua từng câu chuyện của ông. Ông Lê Văn Trà - cán bộ đội kỹ thuật (rà phá bom mìn) thuộc Dự án MAG Việt Nam cũng chia sẻ: "Biết công việc này cực kỳ nguy hiểm, có thể đánh đổi tính mạng như không, nhưng chúng tôi sẵn sàng tham gia các dự án nhân đạo này.

Một phần nguyên nhân, chúng tôi là con em của Quảng Trị, đã chứng kiến và quá thấm những thảm nạn bom mìn gây ra cho thường dân trong những ngày bình yên, ngay trên ruộng vườn mình. Nếu người dân hiểu biết, cẩn trọng, và tất nhiên có kinh phí để làm sạch, an toàn cho đất thì sẽ giảm thiểu rất đáng kể những tai nạn tương tự. Tuy nhiên, do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, các dự án nhân đạo tương tự MAG, Renew đều bị ảnh hưởng, co cụm lại vì ngân sách hạn hẹp. Ngay đội cán bộ kỹ thuật rà phá bom mìn của MAG cũng giảm từ 80 xuống chỉ còn 18 người.

Từng mảng xanh giành lại

Chi phí rà phá bom mìn cơ bản cho mỗi héc ta là 50-60 triệu đồng, trong khi gần 85% tổng diện tích tự nhiên (gần 4.600km2) của địa phương là bị ô nhiễm bom mìn. Hiện các lực lượng công binh đang rà phá với tiến độ 20ha/năm, các dự án phi chính phủ cũng tính từng mét vuông. Với chi phí đầu tư như hiện nay, để đất ở Quảng Trị an toàn, sạch bom mìn, theo tính toán của các chuyên gia, phải cần đến 300 năm và hàng triệu USD nữa mới giải quyết được.

Có thể ví những nơi có dự án phi chính phủ triển khai các dự án rà phá bom mìn và hỗ trợ nhân dân, giống như những mảng đất xanh, giành lại trên bản đồ đánh dấu đỏ ô nhiễm môi trường bom mìn.

Tại Quảng Trị, những con số giúp đỡ nhân đạo cụ thể như: Dự án MAG (Anh quốc) đã làm sạch 800ha đất, đảm bảo có thể sản xuất, sử dụng phát triển. Phá được hơn 17.000 bom, mìn và vật nổ khác; Tổ chức Renew, tuy mới hoạt động gần 8 năm, giới hạn ở 3 huyện nhưng cũng đã rà phá hàng chục nghìn quả bom mìn, đầu đạn, giải phóng 84ha đất ô nhiễm...

Nhưng xúc động hơn là những tiểu dự án hỗ trợ thông tin, giáo dục, đào tạo việc làm, tái định cư... mang tính bền vững khác của các dự án này. Nhiều hoạt động tưởng chừng đơn giản, nhưng có ý nghĩa lớn, giảm thiểu đáng kể thương vong cho người dân do tai nạn bom mìn.

Ví như việc đặt "giỏ rác" đặc biệt tại hầu hết các điểm thu mua sắt phế liệu để người dân, chủ cơ sở thu mua gom, bỏ vật liệu có nguy cơ nổ, còn gây nguy hiểm. Từ 16 "giỏ rác" này, Renew đã gom, xử lý hơn 3.000 quả bom mìn. Hầu hết các dự án đều có đội phá bom mìn lưu động, luôn có mặt kịp thời ở những điểm người dân phát hiện có bom mìn. Hiệu quả của sự hỗ trợ này là rất lớn.

Ngoài ra, các dự án còn xây dựng năng lực và trang cấp thiết bị y tế từ bệnh viện cấp tỉnh đến trung tâm, cơ sở y tế xã, phường... Gây quỹ, tổ chức đào tạo về cấp cứu, cứu sinh, điều trị chấn thương và phục hồi chức năng cho 650 cán bộ y tế. Hỗ trợ xây dựng các làng tái định cư, dạy nghề trồng nấm, bao tiêu nông sản cho người dân, giáo dục kiến thức về phòng tránh bom mìn cho từng hộ dân, trường học... Những mảng xanh từ các dự án phi chính phủ ngày càng nới ra nhiều hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem