Thông xe năm 2010, đại lộ Thăng Long (trước kia là cao tốc Láng - Hòa Lạc) là đại lộ hiện đại nhất Việt Nam. Với chiều dài gần 30km, đại lộ nối trung tâm Hà Nội với một phần rộng lớn vệ tinh xung quanh, là tuyến đường huyết mạch nối lên khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Đại lộ có đường gom dành cho xe máy và hai đường ở giữa, với tổng cộng 8 làn phục vụ xe ôtô. Tuyến đường cho phép chạy tối đa 100km/h.
Tuy nhiên, sau thời gian đi vào sử dụng, đại lộ Thăng Long cho thấy sự quá tải và đang xuống cấp. Tại nhiều đoạn đường, các vết lún có thể nhìn rõ bằng mắt thường.
Thậm chí, trên cây cầu Sông Tích (Km 23+170) xuất hiện vết nứt làm lộ cốt thép.
Một phần mặt đường xuống cấp do quá nhiều xe trọng tải lớn lưu thông qua đây. Mặc dù đơn vị chức năng nhiều lần gia cố mặt đường, cào để đo độ lún nhưng chỉ một thời gian ngắn sau tình trạng xuống cấp lại xuất hiện.
Ở nhiều vị trí, vết lún hiện rõ qua việc dùng một vật để đo độ chêch lệch mặt đường. Hình ảnh ghi lại gần cầu vượt qua đường 70.
Đoạn qua cầu Phương Bản xuất hiện một số vết vá chằng chịt.
Ngoài ra, tại phần đường gom của đại lộ Thăng Long, hiện xuất hiện nhiều xe ô tô chở vật liệu xây dựng làm rơi vãi ra đường. Xe máy lưu thông qua những đoạn này bụi bay mù mịt, rất khó chịu.
Đường gom qua huyện Hoài Đức, Thạch Thất (không có biển báo giao thông được lưu thông hai chiều) nhiều người còn đi ngược đường. Rất nguy hiểm.
Tình trạng người dân tận dụng một phần làn đường gom làm nơi buôn bán, họp chợ gây mất an toàn và đặc biệt nguy hiểm khi trời tối, lúc tầm nhìn bị hạn chế.
Biển báo bị che khuất, tầm nhìn giảm cũng là thực trạng đang diễn ra tại đại lộ Thăng Long. Đặc biệt là các biển báo phân làn đường gom, đoạn gần hướng rẽ vào trung tâm. Nhiều tài xế than phiền, việc nhìn không rõ biển báo khiến họ có thể bị phạt oan.
Mặc dù Hà Nội chi rất nhiều tiền để chỉnh trang, cắt tỉa bồn hoa ở đại lộ Thăng Long nhưng đoạn nối đường ô tô và đường gom, cỏ mọc khá nhiều, đặc biệt là các vị trí xa trung tâm.
Đại lộ to lớn, có hệ thống hàng rào B40 ngăn gia súc đi vào, nhưng một số đoạn tại huyện Thạch Thất, nhiều đàn trâu, bò với số lượng lớn vẫn thoải mái gặm cỏ bên trong.
Một tình trạng khá nhức nhối, diễn ra từ lâu là việc rác, phế thải chất cao hai bên đường gom. Rác chủ yếu là rác thải nylon, khó tiêu hủy. Còn phế thải là gạch đá, vữa xây dựng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.