Anh rút khỏi EU, Việt Nam ảnh hưởng gì?

Nguyễn Thị Thu Hà (*) Thứ sáu, ngày 24/06/2016 08:43 AM (GMT+7)
Chưa có bằng chứng nào cho rằng quan hệ giữa Việt Nam và EU sẽ bị ảnh hưởng khi Anh rút khỏi EU.
Bình luận 0

Thuật ngữ “Brexit” ( từ ghép của Britain và exit – Anh rút khỏi EU) những ngày qua đang là một trong những từ khóa nóng nhất trên truyền thông của Anh, EU nói riêng và thế giới nói chung. Kết quả thế nào còn đang chờ vào cuộc trưng cầu dân ý tại Anh vào ngày 23.6.2016. Tuy vậy sự việc nước Anh – quốc gia chủ chốt, một trong 3 đầu tầu kinh tế của EU - xin ra khỏi EU được xem như một biến cố to lớn đối với EU nói riêng, và là một sự kiện chính trị quan trọng thu hút sự quan tâm của các quốc gia và khu vực khác nói chung, trong đó có Việt Nam.

Trước sự kiện này tất cả các quốc gia lớn nhỏ dường như đều có chung một câu hỏi. Đó là, liệu việc Anh rời khỏi EU có tác động đến quốc gia khác không? nó sẽ tác động thế nào? những lĩnh vực hợp tác nào sẽ chịu nhiều ảnh hưởng nhất?

Rõ ràng, chịu tác động mạnh mẽ nhất của sự kiện này sẽ là những bên liên quan trực tiếp là  EU và Anh. Rất nhiều kịch bản đã được đưa ra, và chủ yếu là tiêu cực. Đối với thế giới, dự đoán ảm đạm nhất được người ta lo lắng, đó là cơn suy thoái toàn cầu sẽ quay trở lại và trở nên trầm trọng hơn cùng với sự kiện Anh rời khỏi EU.

img

Các thùng phiếu được niêm phong và đưa về nơi kiểm phiếu.

Tuy nhiên, châu Á được cho là khu vực sẽ không phải chịu ảnh hưởng lớn từ sự kiện này. Capital Economics đã viện dẫn kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế - Xã hội quốc gia (NIESR) ở London: Nhìn một cách tổng thể, xuất khẩu từ châu Á sang Anh chỉ đóng góp 0,7% GDP toàn khu vực, vì vậy, ngay cả khi kim ngạch nhập khẩu tại Anh giảm tới 25% sau khi rút khỏi EU, thì GDP châu Á cũng sẽ chỉ mất dưới 0,2% mà thôi. Tuy vậy,  Daniel Martin, nhà kinh tế làm việc cho Capital Economics cho rằng với các quốc gia có kim ngạch xuất khẩu sang Anh tính trên GDP cao, hợp tác kinh tế với Anh tương đối sôi động như Việt Nam, Campuchia, Hongkong thì sẽ mức độ chịu ảnh hưởng sẽ nặng nề  hơn.

Việt Nam và Anh đã thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1973 và cho đến nay, quan hệ thương mại đầu tư Việt - Anh đã đạt được một số thành tựu. Những năm gần đây xuất khẩu sang Anh tăng đều 20% mỗi năm với thặng dư thương mại liên tục cho Việt Nam, năm 2015 đạt trên 3 tỷ USD. Hiện nay Anh có hàng trăm văn phòng đại diện thương mại thường trú và chi nhánh doanh nghiệp tại Việt Nam, trong đó có những doanh nghiệp lớn làm ăn rất tốt như BP Dầu khí, Nhôm BHP Billiton, Rolls-Royce, Vodafone, Giao thông vận tải P & O, GlaxoSmithKline, HSBC, Standard Chartered, Prudential ...

Năm 2015 Anh xếp thứ hai trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với 1,25 tỷ USD (8 tháng đầu năm). Hàng năm Việt Nam xuất sang 5 tỷ USD hàng hóa. Quan hệ song phương Việt - Anh có một lịch sử lâu dài và ổn định, không chịu sự chi phối lớn nào từ quan hệ EU – Việt Nam.

(*) Tác giả Nguyễn Thị Thu Hà: Phó trưởng phòng Quan hệ quốc tế và Hội nhập của châu Âu, Viện Nghiên cứu châu Âu

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem