Cứ hửng sáng, Nguyễn Văn Cời - cậu bé 10 tuổi theo gia đình từ Campuchia về sống ven hồ Dầu Tiếng (ấp Tà Dơ, xã Tân Thành, huyện Tân Châu, Tây Ninh) - lại xách lưới, dây câu đi dọc dòng nước tìm bắt cá. Nó được cha mẹ giao cho việc này để nuôi đàn vịt 20 con.
Về "làng Việt kiều" 4 tháng nay, Cời và những đứa trẻ ở đây một chữ bẻ đôi cũng không biết. Chúng vốn được sinh ra ở Biển Hồ (Campuchia), theo cha mẹ mưu sinh trên sông nước từ năm này qua năm khác nên không được đi học. Có tên họ đầy đủ nhưng không đứa nào có giấy khai sinh.
Ngoài việc bắt cá cho đàn vịt, Cời cùng đám bạn dong xuồng ven lòng hồ nhặt củi về đun nấu. "Em cũng muốn đi học nhưng cha mẹ kêu không có giấy tờ không học được", Cời nói, giọng tỉnh rụi. Với cậu bé, cuộc sống hiện tại tốt hơn nhiều so với thời bên Biển Hồ bởi nhà nào cũng được chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm cho gạo, thực phẩm nên không sợ đói.
Thi (13 tuổi) là đứa hiếm hoi có thể biết đọc, viết được vài từ do từng được đi học hồi ở Campuchia. Cha mẹ cô bé phải trả khoảng 3.000 Việt Nam đồng cho một buổi con đến lớp. Tuy nhiên, số tiền này cũng là gánh nặng với gia đình nên việc học của Thi liên tục gián đoạn. "Cho con biết cái chữ là tốt, chúng tôi biết thế, nhưng nó đi học thì nhà mất một lao động, nhất là việc kiếm sống bên đó ngày càng khó khăn", mẹ cô bé nói.
Về Việt Nam, Thi được tặng quyển sách Tiếng Việt lớp 1. "Em thích nó lắm, thường tập đánh vần những lúc rảnh rỗi. Em cũng muốn đi học mà cha mẹ nói không có giấy khai sinh. Đi học biết chữ với người ta, sau này còn đi làm công ty kiếm tiền. Tương lai của em chỉ vậy thôi", Thi nhoẻn miệng cười.
Tương tự Thi và Cời, cả trăm đứa trẻ làng Việt kiều đều không có khai sinh hoặc bất kỳ giấy tờ nào. Tên cha mẹ đặt, tuổi tự chúng nhớ và tất cả phải bươn chải với cuộc sống từ khi còn bé.
Mới 8 tuổi nhưng Mum chững chạc như người lớn. Vừa trông em trai 2 tuổi cô bé vừa làm cá, chuẩn bị bữa trưa cho gia đình. "Cuộc sống khó khăn nên từ bé con cháu tụi tui phải biết làm việc để kiếm cái ăn. Đây cũng là cách để sau này chúng lớn lên tự bươn chải", người đàn ông tên Đài cho biết.
Trẻ em tại xóm Việt kiều ấp Tà Dơ chỉ quẩn quanh chơi cùng nhau vì khu vực họ ở cách xa khu dân cư. Những chú chó theo họ từ Biển Hồ về thành bạn lũ trẻ.
Điểm chung của những trẻ ở đây là có mái đầu vàng hoe do phải phụ gia đình làm việc và rong chơi dưới cái nắng gay gắt vùng biên giới Tây Ninh. Mọi sinh hoạt đều dựa vào nước hồ Dầu Tiếng, điều kiện vệ sinh thấp nên đa số chúng đều có chấy, rận và các bệnh viêm nhiễm ngoài da.
Chiếc "tivi" hiếm hoi trong làng đang mở lại bộ phim Việt Nam nổi tiếng 8 năm trước. Cùng với chiếc radio, đây là cánh cổng duy nhất trẻ em làng Việt kiều biết thêm về bạn bè cùng trang lứa, hay cuộc sống ở ngoài làng Tà Dơ. Nhiều đứa về Việt Nam đã 5-7 năm nhưng chưa một lần bước chân ra khỏi khu vực lòng hồ Dầu Tiếng.
Vào cuối ngày, mọi khó khăn, vất vả mà chúng gặp phải dường như được trút bỏ khi hòa mình vào con nước trên lòng hồ.
Ông Trần Quang Ghi - Chủ tịch UBND xã Tân Thành - cho biết, chính quyền phối hợp với trường tổ chức các lớp học miễn phí và đến tận xóm Việt kiều vận động các hộ cho con đi học chữ nhưng không được. "Nếu hỏi thì các em đều nói muốn đi học nhưng khi vận động đến lớp thì không có đứa nào đi. Có lẽ gia đình quá khốn khó nên trẻ phải ở nhà phụ việc", ông Ghi nói.
Bà Dương Thị Vất - Bí thư Đảng ủy xã Tân Thành - cho rằng, dù không có giấy khai sinh, quốc tịch thì các em vẫn được học chữ tại trường đến hết lớp 9. Hiện chính quyền địa phương đã xây dựng xong kế hoạch về một khu dân cư với nhà cửa xây sẵn cho bà con Việt kiều ở Tà Dơ. Kế hoạch này sẽ được triển khai khi được tỉnh phê duyệt, việc làm giấy tờ cho họ cũng đang được chính quyền tỉnh Tây Ninh nghiên cứu, nhất là sau chỉ đạo của Thủ tướng về việc ổn định chỗ ở cho người Việt kiều hồi hương. Theo thống kê, hiện có 352 hộ với hơn 1.000 người từ Campuchia về ven hồ Dầu Tiếng sinh sống trong cảnh khốn khó, không quốc tịch.
Duy Trần (VNE)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.