Arne Cheyenne Johnson: Kẻ giết người đổ lỗi cho “quỷ ám” bị kết án như thế nào?

Thứ bảy, ngày 08/10/2022 16:32 PM (GMT+7)
Vào ngày 16/2/1981, Arne Cheyenne Johnson đâm chết Alan Bono và sau đó đổ lỗi cho cái gọi là “ma quỷ” xui khiến.
Bình luận 0

Vụ án xảy ra ở Brookfield, bang Connecticut, Mỹ hoàn toàn rõ ràng khi người quản lý cũi 40 tuổi bị Arne Cheyenne Johnson giết chết trong một cuộc tranh cãi nảy lửa. Nhưng sau khi bị bắt, Johnson đã đưa ra một tuyên bố đáng kinh ngạc: “Ma quỷ đã khiến hắn làm điều đó”. Được sự hỗ trợ của hai nhà điều tra các hiện tượng huyền bí, luật sư của thanh niên 19 tuổi là Martin Minnella đã đưa ra lý lẽ thân chủ mình bị quỷ ám để tranh cãi trước tòa.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một lập luận bào chữa phản khoa học như vậy được sử dụng tại phòng xử án của Mỹ. Gần 40 năm sau, trường hợp của Johnson vẫn bao phủ bởi những tranh cãi và đồn đoán đáng lo ngại.

Câu chuyện khó tin

Vào ngày 16/2/1981, Arne Cheyenne Johnson đâm chết Alan Bono bằng một con dao bỏ túi dài 12cm, trở thành phạm tội giết người đầu tiên từng được ghi nhận trong lịch sử 193 năm của thị trấn Brookfield. Trước khi ra tay, Johnson vốn là một thiếu niên bình thường không có tiền án.

Arne Cheyenne Johnson: Kẻ giết người đổ lỗi cho “quỷ ám” bị kết án như thế nào? - Ảnh 1.

Điều thôi thúc hắn giết người được cho là đã bắt đầu nhiều tháng trước đó. Trong lời bào chữa tại phòng xử án, Johnson nói rằng nguồn gốc của mọi đau khổ bắt đầu từ cậu em trai của người vợ chưa cưới Debbie Glatzel. Vào mùa hè năm 1980, cậu em trai 11 tuổi của Debbie là David kể về câu chuyện liên tục mơ thấy một ông già đáng sợ hăm dọa mình. Lúc đầu, Johnson và Debbie nghĩ rằng David chỉ đang bịa chuyện để trốn việc nhà. Tuy nhiên, các giấc mơ như vậy vẫn tiếp tục, ngày càng thường xuyên hơn và trở nên đáng sợ hơn.

David thức dậy giữa đêm và khóc một cách cuồng loạn, mô tả hình ảnh về một “người đàn ông có đôi mắt to đen, khuôn mặt gầy, đáng kinh sợ như hình ảnh của dã thú, với hàm răng lởm chởm, tai nhọn, có sừng và móng guốc”, hăm dọa mình. Không lâu sau, gia đình đã nhờ một linh mục từ một nhà thờ gần đó đến ban phước cho ngôi nhà của họ - nhưng nỗ lực này hoàn toàn vô ích. Vì vậy, gia đình đã nhờ đến các nhà điều tra huyền bí Ed và Lorraine Warren (cả hai là vợ chồng) tới giúp.

Johnson ở lại với gia đình nhà vợ chưa cưới để giúp đỡ họ bất cứ lúc nào có thể. Nhưng đáng lo ngại thay, nỗi kinh hoàng hàng đêm của đứa trẻ bắt đầu xuất hiện cả vào ban ngày. David mô tả việc thường nhìn thấy “một ông già với bộ râu trắng, mặc áo sơ mi flannel và quần jean”. Cùng với đó, có những tiếng động đáng ngờ bắt đầu phát ra từ gác xép.

David thường lên cơn co giật và nói bằng những giọng kỳ lạ. Xem xét lại vụ việc, hai vợ chồng Warren kết luận rằng đây rõ ràng là một trường hợp kỳ lạ. Vợ chồng Warren nói rằng trong suốt ba cuộc trừ tà sau đó - do các linh mục giám sát - David đã bay lên, bị nguyền rủa và thậm chí tắt thở. Có lẽ đáng kinh ngạc hơn nữa, David được cho là đã tiên đoán về vụ giết người mà Arne Cheyenne Johnson say này sẽ thực hiện.

Tuy nhiên, các bác sĩ tâm thần đã điều tra vụ việc và khẳng định rằng David thực ra chỉ bị vấn đề về tâm thần.

Biện hộ không thành

Arne Cheyenne Johnson: Kẻ giết người đổ lỗi cho “quỷ ám” bị kết án như thế nào? - Ảnh 2.

Johnson vốn là người làm công việc chăm sóc cây. Trong khi đó, nạn nhân Bono là người quản lý cũi, chăm sóc động vật . Cả hai rất thân thiện và thường xuyên gặp nhau. Nhưng vào ngày 16/2/1981, một cuộc tranh cãi gay gắt đã nổ ra giữa họ. Vào khoảng 18h30, Johnson bất ngờ rút một con dao bỏ túi và nhắm vào Bono.

Bono bị đâm nhiều nhát và sau đó bị chảy máu cho đến chết. Cảnh sát bắt Johnson một giờ sau đó, đồng thời nhận định rằng cả hai cãi nhau vì vị hôn thê Debbie của Johnson. Tuy nhiên, hai nhà điều tra huyền bí Warren khẳng định còn nhiều điều chưa sáng tỏ trong câu chuyện.

Theo đó, trước khi xảy ra vụ giết người, Johnson được cho là đã điều tra một cái giếng gần nhà, nơi đã khiến cậu bé David trở nên bất thường. Vợ chồng Warren cảnh báo Johnson không nên đến gần nhưng anh vẫn đến đó để xem liệu có cái gọi là “quỷ chiếm giữ thân xác hay không”. Johnson sau đó nói rằng đã nhìn thấy một con quỷ ẩn trong giếng và bị chiếm hữu, dẫn đến hành vi giết người ?!

Tuy nhiên, các nhà chức trách đã phủ nhận điều những tuyên bố về cái gọi là “ma ám”, đồng thời khẳng định Johnson giết Bono chỉ đơn giản là vì tranh cãi về vị hôn thê Debbie.

Nhưng để bảo vệ cho thân chủ của mình một cách mù quáng, luật sư Martin Minnella đã cố gắng hết sức để vin vào cái cớ ngớ ngẩn là “quỷ ám” nhằm tránh việc Johnson bị kết tội. Luật sư này thậm chí còn lên kế hoạch gọi các linh mục được cho là đã tham dự lễ trừ tà để trình bày về nghi thức ngày hôm đó.

Thẩm phán phiên tòa Robert Callahan đã từ chối lời đề nghị của luật sư Minnella, lập luận rằng một lời biện hộ như vậy là không có cơ sở để chứng minh và bất kỳ lời khai nào về vấn đề này là không mang tính khoa học và do đó không liên quan đến vụ án.

Luật sư của Johnson được phép kiểm tra quần áo của nạn nhân Bono và lập luận rằng việc không có máu, vết rách nào có thể là bằng chứng cho thấy có sự tham gia của “quỷ”. Tuy nhiên, không ai trong tòa bị thuyết phục. Cuối cùng, Johnson bị kết tội ngộ sát cấp độ một vào ngày 24/11/1981 và bị kết án từ 10 đến 20 năm tù.

Đề tài cho phim ảnh

Vụ giết người của Arne Cheyenne Johnson với những tranh cãi về cái gọi là “quỷ ám” đã trở thành đề tài bàn luận không hồi kết sau này. Khi Johnson dành thời gian hối lỗi sau song sắt, tác giả Gerald Brittle đã cho ra mắt cuốn sách The Devil in Connecticut (Ác quỷ ở Connecticut), được xuất bản với sự hỗ trợ của nhà điều tra huyền bí Lorraine Warren. Bên cạnh đó, phiên tòa của Johnson còn truyền cảm hứng cho việc sản xuất bộ phim truyền hình mang tên The Demon Murder Case (Vụ án giết người của quỷ).

Carl, anh trai của David Glatzel, cậu bé được cho là bị “quỷ ám” năm xưa đã tỏ ra phẫn nộ vì cuốn sách. Cuối cùng, ông đã kiện Brittle và Warren về cuốn sách, cáo buộc rằng nó vi phạm quyền riêng tư của gia đình. Ông tuyên bố câu chuyện về quỷ ám chỉ là trò lừa bịp được tạo ra bởi hai nhà điều tra Warren, những người đã lợi dụng căn bệnh tâm thần của em trai mình để kiếm tiền.

Sau khi ngồi tù khoảng 5 năm, Johnson được trả tự do vào năm 1986. Johnson kết hôn với vị hôn thê của mình khi vẫn còn ngồi sau song sắt, và tính đến năm 2014, họ vẫn ở bên nhau.

Gần đây, vụ giết người của Arne Cheyenne Johnson một lần nữa được nhắc trở lại khi trở thành cảm hứng trong phần tiếp theo của loạt kinh dị nổi tiếng - The Conjuring: The Devil Made Me Do It, ra mắt năm 2021.

Mạnh Kiên (Theo Người Đưa Tin)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem