Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Lều Vũ Điều và Trung tướng Lê Quý Vương- Thứ trưởng Bộ Công an chủ trì hội nghị. Tại hội nghị, Trung tướng, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương khẳng định, thông qua chương trình phối hợp, các cấp Hội NDVN và lực lượng công an trên cả nước đã góp phần xây dựng, nhân rộng nhiều mô hình cộng đồng đấu tranh, phòng chống tội phạm, xuất hiện nhiều tấm gương tốt trong bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn nông thôn...
Bà bắt tội phạm, ông chỉnh trẻ hư
Vợ chồng bà Lê Thị Lượng, hội viên ND thôn Phú Lộc, xã Đại Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hoá) vẫn nhớ như in cái đêm bắt tội phạm buôn ma tuý. Đó là lúc 1 giờ sáng ngày 12.8.2011. Phát hiện 2 đối tượng lạ, bộ dạng khả nghi, bà Lượng cùng chồng tri hô và đuổi bắt. Một tên chạy thục mạng lên đồi, một tên chui vào nấp trong vườn bị bà Lượng tóm gọn giao cho công an.
Nhờ tin báo và chỉ hướng của vợ chồng ông bà Lượng, hôm sau công an huyện, xã phục bắt được tên thứ 2. Cả 2 tên này vận chuyển tới 23kg cần sa. “Mọi người bảo vợ chồng tôi liều, truy riết thế bọn tội phạm “cùng đường rứt giậu”. Bắt được rồi tôi còn khuyên đối tượng không nên chống cự và chạy trốn để được hưởng khoan hồng...”- bà Lượng kể.
Ai cũng khen vợ chồng bà phản ứng trước tình huống rất nhanh. Bà Lượng bảo, vợ chồng bà làm theo hướng dẫn cách cấp báo, xử lý khi có tội phạm trong các buổi tập huấn, sinh hoạt do Hội ND và công an xã tổ chức.
Không chỉ tham gia phát hiện, truy bắt tội phạm, nhiều ND còn tự nguyện nhận cải huấn người lầm lỗi. Điển hình là ông Nguyễn Văn Xê, tổ 39, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê (Đà Nẵng) đã nhận cải huấn, giáo dục 4 thanh niên hư, từng phạm tội. Ông Xê chia sẻ: “Chúng nó hư là do không có việc làm. Giờ làm ở xưởng ngư cụ của tôi mỗi tháng được 3-3,5 triệu đồng, ham việc thời gian đâu mà tụ tập chơi bời”.
Làng xóm thành lá chắn
Đảm bảo an ninh trật tự ở nông thôn không chỉ có đấu tranh mà còn phải ngăn ngừa tình huống phát sinh tội phạm. Ông Vũ Mạnh Điều - Chi hội trưởng ND khu 9, phường Bình Hàn, TP.Hải Dương (Hải Dương) chia sẻ: “Kinh tế phát triển, đô thị hoá nhanh, mâu thuẫn trong nội bộ ND cũng theo đó xuất hiện. Nếu giải quyết các mâu thuẫn ngay từ khi mới phát sinh thì ngăn ngừa được các tình huống dẫn đến tội phạm”.
Trong khuôn khổ hội nghị, T.Ư Hội NDVN và Bộ Công an đã ký kết Chương trình phối hợp hành động phòng chống tội phạm, giai đoạn 2011-2016 với 5 nội dung: Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cho cán bộ, hội viên, ND về kiến thức phòng chống tội phạm; phát động phong trào ND phát hiện, tố giác tội phạm, cảm hoá, giáo dục người lầm lỗi tại cộng đồng; xây dựng các mô hình phòng chống tội phạm; xây dựng cơ chế, chính sách và nguồn lực để Hội ND các cấp tổ chức các hoạt động phòng chống tội phạm; phối hợp với các cấp chính quyền giải quyết các vấn đề bức xúc tại cơ sở...
Trong năm 2011, ông Điều đã hoà giải được 2 vụ tranh chấp đất đai, mâu thuẫn trong gia đình. Bà Hoàng Thị Hồng - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Ninh Bình cũng cho hay, nhiều năm nay, Hội ND và lực lượng công an cũng chọn các điểm nóng về khiếu kiện, tố cáo để vận động, tuyên truyền về pháp luật, ngăn ngừa các tình huống dẫn đến tội phạm, tham gia giải quyết đơn thư của ND...
Dựa vào dân để nắm địa bàn là phương châm của lực lượng công an trong đấu tranh, phòng chống tội phạm. “Các đơn vị công an tổ chức kết nghĩa với nhân dân các thôn, ấp, sóc vùng sâu, vùng đồng bào DTTS. Dân là lực lượng tai mắt giúp công an nắm bắt, xử lý nhanh các tình huống về tội phạm” - thượng tá Lê Đình Tài, lãnh đạo Công an tỉnh Bình Phước chia sẻ kinh nghiệm.
Nhờ sự phối hợp giữa các cấp Hội ND và lực lượng công an các cấp, từ năm 2002-2011, hội viên, ND cả nước đã phát hiện, tố giác hơn 70.800 vụ vi phạm pháp luật, phát hiện, xử lý 712 đối tượng tội phạm truy nã, vận động 1.200 đối tượng phạm tội ra đầu thú, cảm hoá, giúp đỡ 55.440 đối tượng phạm tội tiến bộ, tạo việc làm cho hơn 65.400 người lầm lỡ...
Tại hội nghị, 22 tập thể và 10 cá nhân được Bộ Công an và T.Ư Hội NDVN tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong phòng chống tội phạm.
Phương Đông
Vui lòng nhập nội dung bình luận.