Bà Phan Thị Mỹ Thanh trong một lần trả lời phỏng vấn báo chí bên hàng lang Quốc hội (ảnh IT)
Theo thông tin từ Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bà Phan Thị Mỹ Thanh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Nai đã có đơn xin thôi đại biểu Quốc hội. Trước đó, tại cuộc họp ngày 4.5, Ban Bí thư nhận định, những vi phạm, khuyết điểm của bà Phan Thị Mỹ Thanh rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng và cá nhân bà.
Theo đó, Ban Bí thư đã quyết định thi hành kỷ luật bà Thanh bằng hình thức cách tất cả các chức vụ trong Đảng. Đồng thời, đề nghị Đảng đoàn Quốc hội chỉ đạo thực hiện các quy trình, thủ tục xem xét bãi nhiệm đại biểu Quốc hội đối với bà Phan Thị Mỹ Thanh theo quy định của pháp luật.
Theo dự kiến chương trình phiên họp 24 Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra từ 14-16.5, Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét công tác nhân sự. Cụ thể, ngày 14.5, Trưởng Ban Công tác đại biểu sẽ trình bày tờ trình, sau đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận trước khi chủ toạ kết luận.
Trước đó trao đổi với Dân Việt, một vị Phó Ban Công tác đại biểu cho biết, quy trình thủ tục để xem xét bãi nhiệm đại biểu Quốc hội với bà Phan Thị Mỹ Thanh sẽ được thực hiện từ các cơ quan ban ngành ở địa phương sau đó trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để cơ quan này xem xét và cho ý kiến.
Tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ đọc bản đề nghị bãi nhiệm đại biểu, sau đó Ban Công tác đại biểu sẽ trình bày tất cả hồ sơ liên quan đến đại biểu và nêu lý do đề nghị bãi nhiệm. Tiếp đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận và Chủ tịch Quốc hội kết luận. Sau đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình ra Quốc hội đề nghị bãi nhiệm. Theo quy định tại Điều 40 của Luật tổ chức Quốc hội, trường hợp Quốc hội bãi nhiệm đại biểu Quốc hội thì việc bãi nhiệm phải được ít nhất hai phần ba (2/3) tổng số đại biểu Quốc hội tán thành.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.