Bắc Ninh có cả bộ máy công quyền, sao phải cầu cứu lên Thủ tướng?

Lương Kết Thứ năm, ngày 16/03/2017 19:00 PM (GMT+7)
"Một bộ máy công quyền, có Đảng, có Nhà nước, có lực lượng vũ trang lại phải "cầu cứu" Thủ tướng trước một hành xử kiểu "xã hội đen", đó là điều khiến tôi thấy lo lắng" - Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nhận định.
Bình luận 0

Như Dân Việt thông tin, việc UBND tỉnh Bắc Ninh đã đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an vào cuộc điều tra nguyên nhân sự việc, điều tra các cá nhân từ TƯ đến địa phương đứng ra bảo kê, đe dọa các cán bộ chuyên môn, lãnh đạo Sở, ngành và Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh khiến dư luận hết sức xôn xao, Thủ tướng cũng đã có văn bản chỉ đạo các cơ quan chức năng phải kiểm tra ngay sự việc này.

img

Các dự án nạo vét đường sông kết hợp tận thu sản phẩm gây ra những phản ứng trái chiều (ảnh minh họa).

Những lời đe dọa này xuất hiện được cho là liên quan đến quyết định của tỉnh Bắc Ninh dừng các dự án nạo vét đường sông kết hợp tận thu sản phẩm trên sông Cầu do Bộ GTVT cấp phép.

Nhận định về việc này, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - nguyên Tư lệnh Quân khu 4 cho rằng, ông thực sự lo lắng cho sức mạnh của chính quyền cơ sở.

"Một bộ máy công quyền, có Đảng, có Nhà nước, có lực lượng vũ trang lại phải cầu cứu T.Ư trước một hành xử kiểu "xã hội đen", đó là điều khiến tôi rất lo lắng" - tướng Thước nói.

Theo tướng Thước, chính quyền cấp tỉnh hoàn toàn đủ khả năng để giải quyết vấn đề, không cần phải đề nghị tới Thủ tướng nhờ giải quyết.

"Tôi nghĩ lãnh đạo của tỉnh không cần phải "cầu cứu" lên Thủ tướng mà chỉ cần yêu bộ máy chính quyền của địa phương vào cuộc điều tra làm rõ là đủ. Dù đằng sau có thế lực nào "chống lưng" đi nữa, nhưng cứ theo quy định của pháp luật để làm, pháp luật không trừ một ai nếu người đó vi phạm”, tướng Thước đánh giá.

Tướng Thước cũng giải thích, ông nói vậy không phải là phê phán chuyện chính quyền tỉnh Bắc Ninh phải "cầu cứu" lên Thủ tướng, nhưng “theo quan điểm quốc phòng là phải xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, để ở đâu có tình huống ở đó tự lo. Việc khó như an ninh quốc phòng ta còn làm được, không lẽ việc bị đe dọa, hành xử như xã hội đen địa phương lại không thể giải quyết?" - tướng Thước bày tỏ.

Ông Đặng Thuần Phong - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng đồng tình với quan điểm của tướng Thước khi cho rằng, ông khá ngạc nhiên khi đọc được thông tin này.

"Tôi thấy lạ khi một chính quyền cấp tỉnh, có cả hệ thống chính trị, bộ máy Nhà nước, lực lượng vũ trang trong tay, có chức năng, thẩm quyền rất đầy đủ theo quy định của pháp luật thế mà giờ lại đi "cầu cứu" Thủ tướng" - ông Đặng Thuần Phong nói.

Theo vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban, không lẽ chính quyền lại phải sợ lời đe dọa, sợ hành xử kiểu "xã hội đen"?

"Chuyện đó là chuyện nhỏ. Nhưng nếu chính quyền địa phương gặp chuyện gì cũng xin ý kiến Thủ tướng, chuyện gì cũng kêu cứu Thủ tướng liệu còn ý nghĩa gì nữa? Trong khi ở địa bàn mình quản lý, tổ chức, cá nhân nào hoạt động trên địa bàn tỉnh vi phạm, cứ theo thẩm quyền, quy định của pháp luật mà xử lý" - ông Phong nói.

Trước ý kiến liệu có phải thế lực ngầm bảo kê cho cát tặc quá lớn mạnh khiến ngay cả chính quyền địa phương cũng phải e ngại, ông Phong đánh giá: Cần nhận diện xem “thế lực ngầm ở lòng sông” ở Bắc Ninh có mạnh bằng “thế lực ngầm của than thổ phỉ” ngày trước ở Quảng Ninh không?

“Nhưng Quảng Ninh đã dám đương đầu với vấn đề phức tạp này. Nhiều vị lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh từng bị thế lực ngầm của than thổ phỉ đe dọa, chúng dọa cả Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh khi đó. Nhưng lãnh đạo ở đó vẫn cương quyết xử lý bởi họ biết dựa vào cả hệ thống chính trị, công cụ pháp luật và quan trọng hơn nữa là dựa vào nhân dân. Trước đây, có tổ chức của Năm Cam (TP.HCM) hoạt động ngầm kiểu "xã hội đen" chúng ta vẫn xử lý được", ông Đặng Thuần Phong chốt lại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem