Bắc Ninh: Đề nghị công nhận huyện cuối cùng đạt chuẩn nông thôn mới
Bắc Ninh: Đề nghị công nhận huyện cuối cùng đạt chuẩn nông thôn mới
Ngọc Lê
Thứ năm, ngày 17/09/2020 10:06 AM (GMT+7)
Tại phiên họp thường kỳ UBND tỉnh Bắc Ninh diễn ra hôm qua 16/9, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Ninh đã đề nghị công nhận huyện Yên Phong đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) cấp huyện. Đây là huyện cuối cùng của tỉnh Bắc Ninh cho đến nay chưa được công nhận huyện NTM do vướng xã Văn Môn không đạt tiêu chí về môi trường.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Ninh, đến nay, huyện Yên Phong có 13/13 xã được Chủ tịch UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM); huyện đạt 9/9 tiêu chí huyện NTM theo Quyết định số 558/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và không có nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng NTM.
Theo kết quả thẩm tra, đánh giá của các Sở, ngành và ý kiến tham gia của UBND các huyện, thị xã, thành phố đều đánh giá huyện Yên Phong đạt tiêu chí huyện NTM và thống nhất đề nghị UBND tỉnh trình cấp có thẩm quyền xét, công nhận huyện Yên Phong đạt chuẩn NTM năm 2020; có 98,02% số hộ dân trên địa bàn huyện được hỏi ý kiến đều hài lòng với kết quả NTM của địa phương. Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tỉnh đã bỏ phiếu nhất trí đề nghị Ban Chỉ đạo TƯ trình Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Yên Phong đạt chuẩn NTM năm 2020.
Kết luận vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hữu Thành giao Sở NNPTNT phối hợp với UBND huyện Yên Phong và các cơ quan, đơn vị liên quan hoàn thiện hồ sơ thủ tục, trình cấp có thẩm quyền xét, công nhận huyện Yên Phong đạt chuẩn NTM năm 2020 theo quy định.
Cũng theo khảo sát của Sở NNPTNT Bắc Ninh, hiện nay toàn tỉnh có 30 làng nghề phát triển ngành nghề nông thôn. Năm 2018, số hộ có tham gia hoạt động ngành nghề nông thôn ước khoảng 28.342 hộ gia đình (chiếm 62,74% số hộ trong làng nghề), thu hút khoảng 73.954 lao động làm nghề với thu nhập bình quân đạt khoảng 8 triệu đồng/người/tháng. Sở đã tham mưu tỉnh công nhận 3 làng nghề truyền thống và công nhận danh hiệu 14 nghệ nhân, 6 thợ giỏi trong lĩnh vực thủ công, mỹ nghệ; 1 nghệ nhân nghề tranh dân gian Đông Hồ đã được phong tặng nghệ nhân ưu tú.
Tuy nhiên, thực tế phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; việc tổ chức công nhận các danh hiệu nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống, thợ giỏi, nghệ nhân, tổ chức cá nhân có công đưa nghề mới về các địa phương trong tỉnh rất ít, chậm. Nguyên nhân là do chính sách của Nhà nước thời gian qua có nhiều thay đổi, các mức hỗ trợ trực tiếp kèm theo danh hiệu thấp chưa tương xứng, chưa khích lệ, động viên được đối tượng và chưa có chính sách hỗ trợ cụ thể, thiết thực sau việc công nhận danh hiệu,…
Tại phiên họp, Sở NNPTNT Bắc Ninh đã trình UBND tỉnh về Quy định hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh (thay thế Nghị quyết 96/2013/NQ-HĐND17 ngày 12/7/2013 của HĐND tỉnh và Quyết định số 325/2013/QĐ-UBND ngày 30/8/2013 của UBND tỉnh). Trong đó, quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề và công nhận danh hiệu thợ giỏi, nghệ nhân, tổ chức, cá nhân có công đưa nghề mới về các địa phương trong tỉnh Bắc Ninh.
Kết luận nội dung trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Thành thống nhất về chủ trương và yêu cầu Sở NNPTNT nghiên cứu xây dựng lại mức hỗ trợ lãi suất vay, thời hạn hỗ trợ vay, mức cho vay đối với việc phát triển ngành nghề nông thôn, làng nghề, đảm bảo hợp lý, hiệu quả.
Xây dựng Đề án đo lường, hỗ trợ doanh nghiệp
Theo Kế hoạch triển khai Đề án “Tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh được thông qua tại phiên họp, giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025, tỉnh sẽ đầu tư cơ sở hạ tầng đo lường; bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ về đo lường cho ít nhất 300 lượt cán bộ, nhân viên thuộc các cơ quan quản lý nhà nước; triển khai Chương trình bảo đảm đo lường theo hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ cho ít nhất 50 lượt doanh nghiệp; thực hiện chuẩn hóa năng lực, khả năng hoạt động của các tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm phương tiện đo, chuẩn đo lường…
Để thực hiện đạt mục tiêu trên, tỉnh sẽ rà soát sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp; tăng cường phát triển hạ tầng đo lường của tỉnh; nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đo lường; triển khai công tác hỗ trợ doanh nghiệp bảo đảm đo lường…
Phiên họp cũng thảo luận, cho ý kiến vào các nội dung: Quy chế về công tác thi đua, khen thưởng tỉnh Bắc Ninh; Đề án chuyển đổi IPv6 tỉnh Bắc Ninh; Báo cáo đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Bắc Ninh năm 2020.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.