Bác sĩ phẫu thuật có thể phải chịu trách nhiệm gì trong vụ cô gái tử vong sau khi nâng ngực?

Mỹ Quỳnh Thứ năm, ngày 08/07/2021 16:38 PM (GMT+7)
Cô gái đến nâng ngực bị tử vong, nhưng bác sỹ không thông báo cho cơ quan chức năng và gia đình nạn nhân mà đưa thi thể đến tỉnh khác nhờ mai táng.
Bình luận 0

Ngày 8/7, thông tin về việc chủ phòng khám ở TP.HCM cùng con chở thi thể một cô gái đến trại hòm tại tỉnh Trà Vinh nhờ khâm liệm tiếp tục gây xôn xao dư luận. Hiện tại công an đang tạm giữ hình sự đối với ông Phan Đức H. (SN 1962, ngụ quận Bình Tân)  liên quan đến vụ việc trên.

Bác sĩ phẫu thuật chịu trách nhiệm gì trong vụ cô gái tử vong sau khi nâng ngực? - Ảnh 1.

Có nniều trường hợp đáng tiếc xảy ra vì thuật nâng ngực. Ảnh minh họa.

Tại cơ quan điều tra, ông H. khai nhận, trước đó, chị N.T.T (SN 1991, ngụ tỉnh Trà Vinh) liên hệ với ông để tham khảo việc nâng ngực. Sáng 3/7, chị T. đến phòng khám của ông trên đường Mã Lò, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TP.HCM để thực hiện  phẫu thuật. 

Trong quá trình phẫu thuật nâng ngực cho chị T., ông H. phát hiện chị T. bị tím tái, khó thở nên dừng lại. Tuy nhiên, ít phút sau, chị T. tử vong.

Do sợ hãi, ông H. đã cùng con gái 17 tuổi đưa thi thể lên xe ô tô và chở từ TP.HCM về huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Tại đây, ông H. đã tới trại hòm, nhờ khâm liệm thi thể để đưa đi mai táng. 

Nghi ngờ khách có dấu hiệu bất thường nên chủ trại hòm đã báo cho công an nên H. và con gái bị đưa về trụ sở để lấy lời khai.

Được biết, ông H. là bác sĩ có chứng chỉ ngành nghề thẩm mỹ, từng làm việc tại phòng khám lớn ở quận 11. Tuy nhiên, gần đây ông H. tự hoạt động riêng tại quận Bình Tân.  

Bác sĩ phẫu thuật chịu trách nhiệm gì trong vụ cô gái tử vong sau khi nâng ngực? - Ảnh 2.

Luật sư Lê Bá Thường - Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Dân Luật Tín Thành (Đoàn Luật sư TP.HCM).

Phóng viên báo Dân Việt đã phỏng vấn luật sư Lê Bá Thường - Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Dân Luật Tín Thành (Đoàn Luật sư TP.HCM). 

Ông Thường cho rằng ngày nay, xã hội đang phát triển, đời sống kinh tế của người dân được nâng cao nên nhiều phụ nữ đang tăng nhu cầu làm đẹp.

Nhiều người quên đi việc muốn phẫu thuật an toàn phải đến những địa chỉ tin cậy, được cấp phép, đủ máy móc, trang thiệt bị và đội ngũ chuyên môn có tay nghề cao. 

Do đó, khi có nhu cầu thực hiện dịch vụ, các chị em nên vào bệnh viện để làm vì bệnh viện có khoa thẩm mỹ, có đội ngũ y bác sĩ chuyên môn đạt yêu cầu và dụng cụ y tế đảm bảo an toàn.

Nếu chỉ nghe những lời quảng cáo hấp dẫn của các phòng mạch làm thẩm mỹ như: giá rẻ, làm nhanh, ít ai biết và làm theo mọi yêu cầu của khách hàng, bất chấp đảm bảo sự an toàn cho khách hàng… dễ xảy ra sự cố đáng tiếc.

Theo quy định, các cơ sở thẩm mỹ phải có giấy phép hoạt động khi thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (như phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt, can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể như da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông... (quy định tại khoản 5 Điều 23a Nghị định 155/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế). 

Nếu chủ phòng khám hay bác sĩ phẫu thuật không đáp ứng đầy đủ những điều kiện cần thiết theo quy định của pháp luật thì có thể bị xem xét về hành vi "Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác". 

Trong vụ việc này, sau khi cô gái chết, vị bác sỹ lại đưa nạn nhân đến trại hòm nhờ khâm liệm, mai táng. 

Cơ quan chức năng sẽ làm rõ đây có phải hành vi che giấu hành vi phạm tội hay không. 

Nếu được xác định có vi phạm, mức xử lý hình sự có thể bị phạt tù đến 5 năm và còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm (Điều 315 BLHS 2015). 

Trường hợp cơ quan điều tra kết luận nguyên nhân tử vong là do sai sót nghiệp vụ trong phẫu thuật nâng ngực, người vi phạm có thể bị xử phạt tù từ 1 đến 5 năm về tội "Vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính". 

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm (Điều 129 BLHS 2015). 

Còn kết luận điều tra nguyên nhân tử vong của cô gái không liên quan tới việc phẫu thuật, chủ phòng khám hay bác sĩ phẫu thuật sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính theo Điều 129 BLHS 2015. 

Nhưng có thể vẫn sẽ xem xét về hành vi "Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt" do tự ý chở thi thể nạn nhân đến trại hòm mà không thông báo cho cơ quan chức năng. 

"Sự việc đáng tiếc này là một hồi chuông cảnh tỉnh những phụ nữ thích làm đẹp nhưng chọn phòng khám không đạt yêu cầu, cuối cùng phải trả cái giá quá đắt bằng tính mạng", luật sư Thường nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem