Bài học nào cho ĐT Việt Nam sau thất bại trước ĐT Indonesia?

Phạm Trần Oánh Thứ bảy, ngày 20/01/2024 11:10 AM (GMT+7)
Chắc chắn có nhiều bài học cho thầy trò ông Troussier qua thất bại này, nhưng điểm yếu cơ bản nhất cần khắc phục trong tương lai là làm thế nào để duy trì khả năng kiểm soát bóng, kiểm soát trận đấu trước các đội bóng sử dụng chiến thuật áp sát, vào bóng nhanh, quyết liệt như Indonesia.
Bình luận 0

ĐT Việt Nam cần tăng khả năng kiểm soát

Không bàn tới cầu thủ nhập tịch của Indonesia, không bàn tới sự sứt mẻ đội hình do chấn thương bên phía ĐT Việt Nam, chỉ nhìn nhận những gì diễn ra trên sân, với những cầu thủ có mặt trên sân, rõ ràng các cầu thủ Indonesia đã chơi hay hơn ĐT Việt Nam và họ có chiến thắng xứng đáng.

Đúng như nhận định trước trận đấu, các cầu thủ của ông Shin Tae-yong đá với Việt Nam khác hẳn khi đá với Iraq. Để phá các miếng chiến thuật phối hợp kiểm soát bóng của các cầu thủ Việt Nam, các cầu thủ Indonesia đá áp sát, vào bóng rất quyết liệt, phạm lỗi liên tục, không để cho các cầu thủ Việt Nam có không gian và thời gian để cầm bóng phối hợp. Chắc chắn thày trò ông Troussier cũng ý thức được điều đó từ trước khi trận đấu diễn ra, nhưng sức ép của các cầu thủ đối phương là quá mạnh, cầu thủ của họ quá nhanh và khỏe khiến các cầu thủ của chúng ta không thể kiểm soát được thế trận.

Bài học nào cho ĐT Việt Nam sau thất bại trước ĐT Indonesia?- Ảnh 1.

ĐT Việt Nam đã chơi không tốt và thua ĐT Indonesia. Ảnh: SP

Đóng góp vào thế trận lấn lướt của ĐT Indonesia đương nhiên là có vai trò của các cầu thủ nhập tịch, làm nên bộ khung ở cả 3 tuyến của đội bóng. Họ có thể lực, kỹ thuật tốt, thể hình vượt trội so với các cầu thủ Việt Nam. Điều đó giúp họ có ưu thế hơn trong các pha tranh cướp bóng tay đôi. Cũng nhờ sự chuẩn bị thể lực tốt mà ĐT Indonesia đã khắc phục được tình trạng đuối sức vào cuối trận đấu như trước đây vẫn xảy ra khi đối đầu với chúng ta.

Hiệp 1 là của Indonesia khi họ có thế trận tốt hơn. Khác với khi đá với Iraq, trận này họ liên tục dùng những quả ném biên thẳng vào khu trung lộ. Dù có sự chuẩn bị cho các tình huống đó, nhưng thực sự các quả ném bóng đó tiềm ẩn sự nguy hiểm cho khung thành của Nguyễn Filip.

Hiệp 2, khi có sự điều chỉnh, thế trận thay đổi theo hướng nghiêng về phía ĐT Việt Nam. Đã có những cơ hội có thể xoay chuyển được kết quả trận đấu, nhưng rất tiếc là các cầu thủ của chúng ta đã không tận dụng được.

Xét về chiến thuật khắc chế đối phương của 2 đội ở trận đấu này, ta có thể thấy như sau: ĐT Việt Nam bằng kỹ thuật cá nhân, bằng sự phối hợp nhuần nhuyễn muốn kiểm soát bóng, qua đó làm chủ nhịp độ trận đấu, kiểm soát thế trận. Để phá chiến thuật này, Indonesia sử dụng cách rất truyền thống, liên tục áp sát, vào bóng nhanh, quyết liệt, sẵn sàng phạm lỗi.

Đó là lý do ta thấy ở hiệp 1, nhịp độ trận đấu diễn ra rất nhanh và nhịp độ trận đấu nhanh là đúng với mong muốn của ông Shin Tae-yong. Nhịp độ càng nhanh, các cầu thủ của ĐT Việt Nam càng khó kiểm soát bóng.

Bài học nào cho ĐT Việt Nam sau thất bại trước ĐT Indonesia?- Ảnh 2.

Tiền vệ tài hoa Nguyễn Tuấn Anh bất lực trước sự tranh chấp quyết liệt của đối phương. Ảnh: SPORT

Vậy tại sao ta không đá chậm lại? Thực tế là thời điểm đó chúng ta đã không thể điều chỉnh được nhịp độ trận đấu. Tuyến giữa của Việt Nam lúc này không còn giữ được bóng nữa.

Trước tốc độ vào bóng của đối phương, Nguyễn Quang Hải, Nguyễn Tuấn Anh không thể giữ nhịp. Quang Hải có thế mạnh ở khả năng đưa ra các đường chuyền có tính đột biến, nhưng ở vai trò giữ bóng, điều chỉnh nhịp độ trận đấu, anh không giỏi bằng Đỗ Hùng Dũng, và trận này anh thi đấu không hiệu quả.

ĐT Việt Nam không có cầu thủ nào có đủ kỹ thuật, thể hình, thể lực để có khả năng cài đè, che chắn, để cầm giữ bóng trước các cầu thủ to cao, mạnh mẽ của Indonesia cả. Nhìn đội bóng bị cuốn vào nhịp độ của đối phương làm chúng ta nhớ đến Nguyễn Hoàng Đức. Ở thời điểm phong độ tốt, cầu thủ này bằng kỹ thuật, bản năng của mình có thể xoay sở, cầm bóng, làm giảm nhịp độ của trận đấu khi cần thiết.

Bài học nào cho ĐT Việt Nam sau thất bại trước ĐT Indonesia?- Ảnh 3.

Nguyễn Quang Hải thi đấu không để lại nhiều dấu ấn. Ảnh: SPORT

Chắc chắn có nhiều bài học mà thầy trò ông Troussier sẽ rút ra được qua thất bại này, nhưng điểm yếu cần khắc phục cơ bản nhất cho tương lai, đó chính là làm thế nào để duy trì khả năng kiểm soát bóng, kiểm soát trận đấu trước các đội bóng sử dụng chiến thuật tăng cường áp sát, vào bóng nhanh, quyết liệt, như Indonesia ở trận này. Rõ ràng, chúng ta biết trước họ có thể sẽ đá như vậy nhưng không làm sao khắc chế được. Có thể một trong các giải pháp là tìm kiếm, đào tạo cho đội bóng những cá nhân có khả năng cầm bóng, xoay sở, điều tiết nhịp độ, kiểu như Nguyễn Hoàng Đức.

Thất bại ở giải đấu này, đặc biệt là thất bại trước một đội bóng Đông Nam Á, vốn toàn thua ta trước đây sẽ làm cho chúng ta cảm thấy thất vọng. Nhưng không thể phủ nhận sự tiến bộ của đội bóng dưới sự dẫn dắt của HLV Troussier.

Chính HLV Shin Tae-yong đã phát biểu trước trận đấu: "Thi đấu với Việt Nam, đội Indonesia sẽ đá thứ bóng đá tấn công, không tiếp tục đá thứ bóng đá phòng ngự lỗi thời nữa". Cùng với Thái Lan, cả Việt Nam và Indonesia đều đang cố bắt kịp xu hướng của bóng đá hiện đại, đoạn tuyệt với thứ bóng đá phòng ngự phản công, đã từng hiệu quả, nhưng nay đã lỗi thời.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem