Báo Anh: "Việt Nam thành công nhất thế giới trong xử lý Covid-19"

V.N Chủ nhật, ngày 03/05/2020 06:20 AM (GMT+7)
Báo chí Anh những ngày qua đã có các bài viết về việc Việt Nam kiểm soát thành công dịch Covid-19, cho rằng Chính phủ Việt Nam đã rất quyết liệt, sáng tạo. Họ cũng đề cập có những nghi ngờ việc Việt Nam “giấu dịch”, song dẫn lời các chuyên gia y tế, báo chí Anh cho biết không có gì khẳng định điều đó.
Bình luận 0

Số liệu nhất quán

Reuters trong bài viết ngày 2/5, cho biết: Chính phủ chính thức thông báo chỉ có 270 ca nhiễm, không ca nào tử vong. Điều đó khiến Việt Nam trên đường hồi phục nền kinh tế nhanh hơn nhiều so với hầu hết các nước.

Bài viết dẫn lời các chuyên gia y tế công cộng nói rằng, Việt Nam thành công vì đã đưa ra những quyết định sớm, kiên quyết. "Những bước này rất dễ miêu tả nhưng rất khó thực hiện, song họ rất thành công trong việc thực hiện lặp đi lặp lại" - Matthew Moore - chuyên gia tại Hà Nội của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), người đã liên lạc với Chính phủ Việt Nam từ khi dịch bùng phát đầu tháng 1/2020 - nhận định. Ông nói rằng CDC có "sự tin tưởng to lớn" vào việc ứng phó của Chính phủ với khủng hoảng Covid-19.

img

Nhân viên y tế tại một trung tâm xét nghiệm nhanh ở Hà Nội. Ảnh: Reuters.

Cũng theo Reuters, các chuyên gia cho rằng việc kết hợp sự lãnh đạo của một đảng với nền kinh tế thị trường mở, cùng ký ức của người dân về những đại dịch trước đây để sẵn sàng hợp tác - đó là những yếu tố giúp Việt Nam thành công.

"Họ rất có tổ chức, họ có thể đưa ra các quyết định chính sách trên toàn quốc có hiệu lực nhanh chóng và hiệu quả mà không gây nhiều tranh cãi" - Guy Thwaites - Giám đốc Viện Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford, đơn vị tại TP.HCM - cho biết. Phòng thí nghiệm của ông đã giúp quá trình xét nghiệm ở Việt Nam. 

Reuters đề cập đã có nghi ngờ số liệu Chính phủ công bố. Nhưng ông Thwaites nói, số xét nghiệm dương tính mà phòng thí nghiệm của ông xử lý phù hợp với dữ liệu của Chính phủ. Ông cũng cho biết, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM nơi ông làm việc chưa nhận một ca nào mà không được phản ánh trong con số Chính phủ đưa ra.

Reuters còn đến gặp người quản lý tại 13 nhà tang lễ tại Hà Nội và họ cho biết, họ không thấy có sự gia tăng số người chết. Một nhà tang lễ còn nói rằng, yêu cầu tổ chức đám tang đã giảm đi trong thời gian giãn cách xã hội chứ không tăng, bởi số tai nạn giao thông giảm - mà tai nạn giao thông vốn là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu Việt Nam.

Todd Pollack - một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Trường y khoa Harvard hiện làm việc tại Hà Nội, nói rằng chưa đến 10% người dương tính với Covid-19 là trên 60 tuổi - nhóm tuổi này dễ tử vong nhất do dịch. Theo ông, tất cả bệnh nhân được giám sát chặt trong các cơ sở y tế và được chăm sóc y tế tốt.

Một chuyên gia về an ninh sinh học và bệnh truyền nhiễm khác, Krutika Kuppalli thuộc Trung tâm An ninh Y tế Đại học John Hopkins nói: "Không có cách nào để biết chắc, nhưng họ (Việt Nam) đã ứng phó rất tốt, với việc xét nghiệm, cách ly".

Thành công nhất thế giới

Một báo khác của Anh, báo Telegraph, trong bài viết ngày 2/5, gọi Việt Nam là quốc gia thành công nhất thế giới trong việc giải quyết dịch Covid-19.  Với gần 1.500km đường biên giới với Trung Quốc và nghèo hơn nhiều quốc gia Châu Á khác, song Việt Nam đã kiểm soát được dịch. 

Theo bài báo, sau gần một tháng đóng cửa, Việt Nam đang dần nới lỏng giãn cách xã hội. Tờ báo cũng điểm lại những biện pháp Việt Nam đã làm và cho biết, các doanh nghiệp đang dần dần trở lại bình thường sau những tổn thất vừa qua.    

Báo The Guardian ngày 1/5 so sánh, trong khi dịch khiến hàng trăm nghìn người tử vong trên thế giới thì Việt Nam đã kiểm soát dịch thành công.

Theo Guardian, trong những yếu tố chính dẫn tới việc ứng phó thành công, thì sự kịp thời là yếu tố hàng đầu. Tiếp theo, Việt Nam đã tiếp tục áp dụng các biện pháp hạn chế và ban hành những chính sách kiềm chế trước cả Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Chẳng hạn khi WHO vẫn chưa khuyến cáo đeo khẩu trang hay dừng đi lại trên các tuyến quốc tế thì Việt Nam đã thực hiện.

Tờ báo cũng nhắc tới các nguyên tắc của Bộ Y tế đưa ra: Cách ly, khoanh vùng, dập dịch.

Từ đầu đại dịch, Chính phủ đã xem chống dịch như chống giặc. Các bác sĩ và y tá được nhắc tới là những người lính, quân đội là trung tâm chống dịch, phụ trách phần ăn uống, vận chuyển, chỗ ở cho hàng nghìn người cách ly trở về từ vùng dịch - Guardian viết.

“Cũng giống trong chiến tranh, hầu hết các lĩnh vực, kể cả hàng không, y tế, sản xuất thực phẩm đều được huy động và dành cho việc kiềm chế dịch. Công dân được động viên thông qua mạng xã hội, tin nhắn và các chương trình truyền hình để quyên góp cho quỹ phòng chống dịch của đất nước”.

Guardian cho rằng, các thông điệp này “không chỉ được truyền thông theo kiểu quân sự khô cứng. Thay vào đó, Chính phủ rất sáng tạo. Họ cập nhật cho người dân thông qua tin nhắn thường xuyên và đã tập hợp các ca sĩ pop nổi tiếng sản xuất nên bài hát về virus để giáo dục dân chúng, tập hợp các họa sĩ sáng tạo poster và sử dụng những nhân vật trẻ, có ảnh hưởng để truyền đi thông điệp tích cực tới những người đang bị cách ly bắt buộc”. Những thông điệp sáng tạo này đã đồng cảm với nhiều người bị cách ly.

“Việt Nam đã làm rõ từ đầu dịch rằng họ muốn bảo vệ danh tiếng là một điểm đến an toàn. Nhưng bằng cách cởi mở với người dân, Chính phủ đã đạt được nhiều hơn là bảo vệ hình ảnh, họ xây dựng vững chắc hơn lòng tin với công chúng” - Guardian viết.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem