Báo động tội phạm bắt cóc trẻ em: Những sơ hở “chết người”

Thứ ba, ngày 27/11/2012 06:44 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Gần đây, tại nhiều thành phố lớn đã xảy ra các vụ bắt cóc trẻ em để tống tiền với thủ đoạn liều lĩnh và manh động khiến các bậc phụ huynh hết sức hoang mang, lo lắng.
Bình luận 0

Sở dĩ gia tăng tình trạng này do ở nhiều trường học, bệnh viện đã và đang xuất hiện những sơ hở khiến cho tội phạm bắt cóc được dịp tung hoành.

Con đi học, bố mẹ lo ngay ngáy

Chị Nguyễn Thị Hoài Thu (ở tập thể A1, Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân, Hà Nội) có con đang học mầm non trên địa bàn lo lắng: “Khi nghe tin thời gian gần đây hay xảy ra các vụ việc bắt cóc trẻ em để tống tiền, gia đình tôi rất lo lắng. Chúng tôi thường dặn cô giáo, bảo vệ và con cẩn thận, chỉ người nhà mới được đưa đón con, khi nhờ ai đón thì trực tiếp gọi điện cho cô giáo chủ nhiệm”.

img
Ngày nào, ông Nguyễn Văn Chương ở khu Máng nước, xã An Đồng, huyện An Dương, Hải Phòng cũng phải dắt 2 cháu đến trường mới yên tâm.

“Thứ 7 tuần trước, phải nói là tôi rất lo lắng khi đi đón con muộn một chút mà không thấy con đâu. Gọi điện hỏi cô giáo thì cô bảo các cháu được nghỉ học từ 10 giờ 30. Tôi nghĩ cháu đi bộ về nhà ông ngoại gần đấy, liền phóng xe về tìm nhưng không thấy. Quay lại trường tìm lần nữa thì hóa ra con tôi chơi một mình ở góc khuất phía sau đầu hè nhà học” - chị Vũ Thị Hoa, ở xã Minh Tân, Thủy Nguyên, Hải Phòng nói về sự cố khi chị đón cậu con trai Hoàng Quốc Anh, học lớp 3 Trường Tiểu học Minh Tân.

Cô giáo Vũ Thị Minh - chủ nhiệm lớp Quốc Anh cho biết: “Trường hợp các em mải chơi quên lời dặn đứng đợi bố mẹ đến đón không phải là hiếm. Nhiều em khi chưa thấy bố mẹ đến đón đã tự đi chơi một mình hay về nhà bạn chơi và chơi chán chê mới về nhà. Khi đó, cả nhà mất một phen cuống cuồng tìm kiếm”.

Cô Nguyễn Thị Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Tố, quận Lê Chân, Hải Phòng cho biết: “Nhà trường quy định phải có phụ huynh đến đón, giáo viên chủ nhiệm mới cho về và đón ngay tại cổng trường chứ không vào trường lộn xộn như những năm trước nữa. Hiện nay, nhà trường đã làm tốt công tác an toàn cho các cháu, nhưng thực sự để các cháu an toàn thì phải có sự kết hợp của các bậc phụ huynh”.

Tăng cường an ninh tại trường học

Hiệu trưởng nhiều trường mầm non, tiểu học chia sẻ với NTNN: Do lương thấp, chỉ trên dưới 2 triệu đồng/tháng nên nhiều trường tuyển bảo vệ còn khó hơn tuyển giáo viên. Nhiều lúc phải tuyển những người nghiệp dư và đa phần là những người đã về hưu vào làm bảo vệ. Và họ chỉ có thể làm nhiệm vụ gác cổng chứ không có kinh nghiệm và khả năng đối phó khi tình huống xấu xảy ra. Chính vì lực lượng bảo vệ mỏng lại không chuyên nghiệp nên khó đảm bảo an toàn cho cả ngàn học sinh ở mỗi trường.

Đại tá Đào Thanh Hải - Trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội, Công an Hà Nội khuyến cáo, các trường học cần quán triệt với phụ huynh có trách nhiệm đưa đón con khi đến trường và tan trường; hạn chế việc nhờ vả đưa đón con.

Để đảm bảo an toàn cho con khi đi học, chị Nguyễn Thị Hoài Thu chia sẻ kinh nghiệm của mình: “Thay vì để con ở cổng trường vào đầu giờ học, tôi đưa con mình vào tận lớp học, dưới sự giám sát của bảo vệ (ở cổng trường) và các cô giáo.

Còn đại tá Đào Thanh Hải - Trưởng phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội, Công an Hà Nội – thừa nhận: “Do các vụ bắt cóc trẻ em tại trường học trên địa bàn Hà Nội ít xảy ra nên không có kế hoạch hay chuyên án đối phó riêng với loại tội phạm này”.

Tuy nhiên, đại tá Hải phân tích, việc quản lý các cháu bé học cấp 1 gặp khó khăn hơn. Trên thực tế, trong lúc các cháu chờ bố mẹ đến đón muộn thì thường tụ tập chơi trong hoặc ngoài cổng trường. Đây chính là khoảng thời gian lý tưởng để các đối tượng xấu lợi dụng để bắt cóc trẻ. Chính vì vậy, phụ huynh cần đưa đón các cháu đúng giờ; đồng thời phải tập cho các cháu thói quen không nghe theo, đi theo người lạ.

Đại tá Đào Thanh Hải khuyên, các trường nên lắp đặt hệ thống camera an ninh để theo dõi, bởi khi xảy ra sự cố có thể thông báo cho mọi người; đồng thời sẽ ghi hình lại được hung thủ, tạo điều kiện cho cơ quan công an có thể tìm ra đối tượng gây án trong thời gian sớm nhất.

Lỗi từ người lớn

Dù đã trải qua hơn 1 năm, nhưng khi nhắc lại chuyện con mình bị bắt cóc ở Bệnh viện Phụ sản T.Ư (Hà Nội), anh Phạm Xuân Chiều và chị Trần Thị Thơm (Yên Mỹ, Hưng Yên) vẫn không giấu nổi sự xúc động. Anh Chiều bảo: “Dù sự việc đã qua hơn 1 năm, nhưng cảm giác lo sợ từ chuyện mất con vẫn cứ ùa về. Đêm ngủ thỉnh thoảng tôi vẫn giật mình thon thót”.

Ngày 3.11.2011 định mệnh ấy, khi phát hiện con trai mình mới được 2 ngày tuổi bị bắt đi mất, chị Thơm đã ngất lên ngất xuống vì đau đớn. Còn anh Chiều thì hoang mang tột độ. “Trường hợp của gia đình tôi một phần do bệnh viện sơ hở, một phần cũng do gia đình chủ quan, bởi cả một thời gian dài từ lúc Lệ lẻn vào lấy trộm áo blouse, rồi đưa cháu bé đi, mà không ai phát hiện ra”- anh Chiều nhớ lại. Từ sau sự kiện kinh hoàng đó, anh chị để ý đến các con mình nhiều hơn. Cháu lớn đi học, anh chị đưa đón cẩn thận, đúng giờ, tạo mối liên hệ thường xuyên với cô giáo để sự việc đáng tiếc không bao giờ lặp lại.

Mới đây nhất, ngày 19.11.2012, cháu Trương Lê Hùng (11 tuổi, ở Hà Đông, Hà Nội) bị 2 kẻ bắt cóc đòi 200 triệu đồng. Vụ việc này xuất phát từ chính sự sơ hở của phụ huynh. Hết giờ học vẫn không thấy con mình vê, gia đình đã không liên lạc với nhà trường, bạn bè để tìm kiếm ngay. Dù cháu Hùng đã được công an giải cứu an toàn, nhưng theo chị Hằng - mẹ Hùng, nỗi ám ảnh vẫn không thể nào nguôi được. Lo sợ con mình bị ảnh hưởng tâm lý, chị Hằng không cho cháu tiếp xúc với người lạ. Bản thân chị cũng không muốn nhắc lại câu chuyện buồn này để nỗi sợ hãi lại ùa về.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem