Bạo hành nhân viên y tế, bệnh nhân sẽ thiệt thòi

Nhóm PV Thứ ba, ngày 29/08/2017 16:12 PM (GMT+7)
Trung tá Đào Trung Hiếu - Chuyên gia Tội phạm học (Bộ Công an) nhận định tại buổi giao lưu trực tuyến “Ai bảo vệ y, bác sĩ?” do Báo Dân Việt tổ chức, một bác sĩ bị bạo hành sẽ vào phòng mổ với tâm lý không thoải mái, vì thế sẽ ảnh hưởng đến chất lượng điều trị cho bệnh nhân.
Bình luận 0

Clip: Giao lưu trực tuyến "Ai bảo vệ y, bác sĩ?"

Trung tá Hiếu chia sẻ: “Bản thân tôi có nhiều bạn bè công tác trong lĩnh vực y tế và chúng tôi đã chia sẻ với nhau rất nhiều vấn đề về công việc. Qua các câu chuyện, tôi hiểu được rằng, ngoài áp lực công việc, nhân viên y tế đang đối mặt với nhiều mối nguy cơ, đó không chỉ là sự nguy hiểm về tính chất công việc mà còn nhiều vấn đề khác”.

img

Trung tá Đào Trung Hiếu.

Theo trung tá Hiếu, ngoài áp lực công việc, nhân viên y tế đang đối mặt với nhiều mối nguy cơ, đó không chỉ là sự nguy hiểm về tính chất công việc mà còn vấn đề kiện cáo, các nguy cơ tới từ hành xử từ người nhà bệnh nhân. Những hành xử như vậy ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý của y bác sĩ, họ chán nản, stress và lo lắng.

“Tôi cho rằng, chính những hành động bạo hành này đã kéo chất lượng của ngành y tế đi xuống. Một bác sĩ vào phòng mổ không thể có tâm lý thoải mái khi gia đình và bản thân của họ bị đe dọa” – trung tá Hiếu nói.

img

Một vụ hành hung bác sĩ tại Bệnh viện 115 (Nghệ An) vừa xảy ra gây xôn xao dư luận.

Hơn thế nữa, khi bác sĩ đứng trước áp lực bị đe dọa, rất có thể họ sẽ tạo ra những phòng thủ mang tính chuyên môn. Nếu như họ cố gắng có thể bệnh nhân sẽ được cứu sống nhưng đồng thời cũng phải đối mặt với rủi ro. Vì thế, để bảo vệ mình, tránh việc bị kiện cáo, mắng chửi, bác sĩ sẽ không cố gắng điều trị các ca bệnh nặng. Hậu quả là người bệnh phải gánh chịu.

“Những tai biến về y khoa hoàn toàn có thể xảy ra chính vì bác sĩ bị bạo hành, dẫn tới tâm lý hoang mang, lo lắng. Chính bởi vậy, bản thân tôi kịch liệt lên án các hành vi bạo lực đối với các y bác sĩ” – trung tá Hiếu nhấn mạnh.  

Trung tá Hiếu cũng đồng thuận với ý kiến của PGS –TS Lê Thanh Hải – Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư về các nguyên nhân xảy ra việc tấn công nhân viên y tế. Đó là do người bệnh, người nhà bệnh nhân bị mắc stress (do phải chịu đựng đau đớn, hay lo lắng tình trạng bệnh, cảm giác bất lực trước tình trạng bệnh), cũng có thể họ bị tác động với thuốc, rượu, ma túy. Ở trạng thái túng quẫn nhân cách, phẩm giá và bị phụ thuộc vào người khác về chăm sóc, có thể là nguyên nhân dẫn tới sự hung hăng. Thêm vào đó là sự thiếu hiểu biết về pháp luật cũng là yếu tố gây nên tình trạng bạo lực.

Ngoài ra, quá tải bệnh viện cũng khiến cán bộ y tế stress do quá tải công việc, do tiếng ồn, do áp lực đòi hỏi hay yêu cầu của bệnh nhân. Những trạng thái căng thẳng có thể làm cán bộ y tế có những lời nói thiếu chuẩn mực như gắt gỏng, nói to, lạnh nhạt, thờ ơ với bệnh nhân. Người bệnh, gia đình người bệnh cảm thấy thiếu được tôn trọng và có thể kích thích hành vi bạo lực xảy ra (chửi, đe dọa, thậm chí đánh đập).

Nguyên nhân thứ 3 là y tế cũng như dịch vụ xã hội khác đều cần đến khách hàng, khi có bất cứ chuyện gì xảy ra, mỗi bệnh viện, dư luận hay báo chí thường chỉ trích nhân viên y tế, ít khi bảo vệ họ. Bản thân cán bộ y tế phải vất vả học hành, phấn đấu trong nhiều năm để có được công việc ổn định, họ rất sợ bị mất việc.

“Chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu cho thấy rất nhiều trường hợp, cán bộ y tế bị bạo lực, nhưng họ giữ thái độ im lặng, và điều đó khiến họ là đối tượng dễ có nguy cơ bị bạo lực. Mặt khác yếu tố luật pháp chưa nghiêm minh đối với các trường hợp bạo lực tại bệnh viện, nhiều bệnh viện nhân viên bảo vệ không có, hoặc không làm tốt nhiệm vụ cũng là yếu tố thuận lợi cho bạo lực xảy ra” – trung tá Hiếu chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem