Bảo hiểm xã hội đề xuất giãn lộ trình điều chỉnh lương hưu nữ giới

Thứ tư, ngày 08/11/2017 06:26 AM (GMT+7)
Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất điều chỉnh lương hưu nữ giới có lộ trình đến năm 2022 để không gây thiệt thòi cho người lao động.
Bình luận 0

Ngày 7/11, ông Phạm Lương Sơn, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cho biết tại cuộc họp với Vụ Bảo hiểm Xã hội (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đề xuất phương án áp dụng lộ trình tính lương hưu cho nữ giới như sau: 15 năm đầu đóng bảo hiểm, lao động nữ được tính bằng 45%; nghỉ hưu năm 2018 và 8 năm tiếp theo, mỗi năm tính thêm 3%; sau đó cứ mỗi năm tính thêm 2%, tối đa 75%.

Nếu chị em nghỉ hưu năm 2019 thì 6 năm tiếp theo mỗi năm tính thêm 3%; sau đó cứ mỗi năm tính thêm 2%, tối đa 75%. Nếu nghỉ hưu vào năm 2020 thì 4 năm tiếp theo, mỗi năm cộng 3%, sau đó cứ mỗi năm tính thêm 2%, tối đa 75%. Nếu lao động nữ nghỉ hưu năm 2021, 2 năm tiếp theo mỗi năm cộng 3%; sau đó cứ mỗi năm tính thêm 2%, tối đa 75%. Nếu nghỉ hưu từ năm 2022 trở đi, các năm tiếp theo mỗi năm tính thêm 2%, tối đa 75%.

img

Nhiều lao động nữ sẽ thiệt thòi hơn trước nếu nghỉ hưu từ 2018. Ảnh minh họa: Xuân Hoa. 

Theo phương án này, để đạt được tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa là 75% thì lao động nữ nghỉ hưu trong năm 2018 phải có 26 năm đóng BHXH; nghỉ hưu trong năm 2019 phải có 27 năm; năm 2020 là 28 năm; năm 2021 là 29 năm; từ năm 2022 trở đi là 30 năm.

Theo ông Phạm Lương Sơn, phương án này tương đồng với lộ trình thay đổi cách tính lương hưu của lao động nam. Nghĩa là khi kết thúc lộ trình vào năm 2022, để đạt được tỷ lệ hưởng 75% thì cả lao động nam và nữ đều phải có số năm đóng bảo hiểm xã hội tăng thêm 5 năm.

Theo quy định hiện tại, người lao động đóng bảo hiểm xã hội 15 năm được hưởng lương hưu bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội. Sau khi đạt tỷ lệ này, cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội, lao động nữ được tính thêm 3%, nam là 2%.

Tuy nhiên, từ ngày 1/1/2018 theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, lao động đóng đủ 15 năm bảo hiểm xã hội thì các năm sau được được tính thêm 2%. Lao động nữ sẽ phải đóng đủ 30 năm bảo hiểm xã hội mới được hưởng lương hưu tối đa 75%, thay vì chỉ cần 25 năm như trước.

Với cách tính này, nhiều người nghỉ hưu năm 2018 sẽ hưởng lương hưu thấp hơn hẳn so với người nghỉ năm 2017, ảnh hưởng đến quyền lợi của lao động.

Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, năm 2017 cả nước có khoảng 57.500 lao động nữ nghỉ hưu; năm 2018 khoảng 49.700 người nghỉ đúng tuổi 55 (chưa tính số nghỉ hưu trước tuổi) và cách tính lương hưu mới sẽ tác động đến khoảng 21.000 lao động nữ trong số đó. Những người này được hưởng lương hưu thấp hơn so với người nghỉ năm 2017 từ 4 đến 10%.

Ngày 3/11, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị xem xét, sửa đổi cách tính lương hưu đối với lao động nữ từ đầu năm 2018 (theo Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014) vẫn như quy định của Luật Bảo hiểm năm 2004. 

Đoàn Loan (VNE)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem