Chiều ngày 23.6, tại Văn Phòng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chủ trì cuộc họp với các cơ quan ban ngành về phương án đối phó với bão Kujira.
Tại đây, ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết, sáng nay (23.6), bão Kujira đã vào vịnh Bắc Bộ, cường độ cấp 8-9, giật cấp 10-11.
Lúc 14h ngày 23.6, bão di chuyển theo hướng Tây, cường độ bão cấp 8-9, giật cấp 10-11. Tại đảo Bạch Long Vỹ đã có gió giật cấp 8,9. Hiện tại, bão Kujira đang hướng vào vùng biển Quảng Ninh, với cường độ cấp 9, giật cấp 10-11.
Ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Phát triển và Nông thôn đã chủ trì cuộc họp với các cơ quan ban ngành đoàn thể về phương án đối phó với bão số 1.
Theo ông Cường, dự báo vào khoảng thời gian từ 22h đêm ngày 23.6 đến 1h ngày 24.6, bão Kujira sẽ đổ bộ vào Quảng Ninh, trong đó vùng trọng tâm bão đổ bộ là TP. Hạ Long. Cường độ bão khi đổ bộ ở cấp 8,9. Sau khi bão đổ bộ sẽ đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Ông Cường cho biết, sau khi bão đổ bộ, vùng trung du Bắc Bộ có mưa từ 50-100mm. Riêng khu Đông Bắc có lượng mưa phổ biến từ 200-300mm. Trong đó, trọng tâm mưa ở các tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn. Các vùng Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn, Bắc Giang, Hà Giang, Tuyên Quang có nguy cơ bị lũ quét, sạt lở đất.
Từ chiều tối ngày 23.6, vùng biển Quảng Ninh có gió mạnh dần lên cấp 7-8, giật cấp 9-10. Các tỉnh thành phố Hải Phòng, Bắc Giang, Lạng Sơn, có gió giật cấp 7-8.
Cũng theo ông Cường, bắt đầu từ ngày 24.6, khu vực TP. Hà Nội bắt đầu có mưa, lượng mưa trên dưới 100mm.
“Với lượng mưa này, khả năng xảy ra ngập úng ở Hà Nội sẽ không xảy ra, nhưng những cơn lớn cục bộ trong nhiều giờ liền có thể ảnh hưởng tới các phương tiện khi lưu thông trên đường”, ông Cường nói thêm.
Kết thúc buổi họp, ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, theo dự báo, sau khi bão đổ bộ, tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Giang, mưa lớn, lượng mưa có nơi có thể đến 400mm.
Do vậy, ông Cao Đức Phát yêu cầu lãnh đạo các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, trước 17h chiều ngày 23.6, phải kêu gọi các tàu, thuyền vào nơi trú ẩn an toàn, đặc biệt, phải lưu ý đến tàu du lịch, tàu vận tải…
Đối với các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, lãnh đạo phải có phương án đề phòng khi sự cố sạt lở, lũ quét xảy ra; phải đi xuống các địa phương, vùng núi có nguy cơ sạt lở núi kiểm tra. Lãnh đạo các tỉnh này phải cương quyết không để dân ở trong những vùng nguy hiểm.
“Cơn bão Rammasun năm 2014 có đường đi giống hệt cơn bão Kujira đang chuẩn bị đổ bổ vào Quảng Ninh. Khi bão Rammasun vào đất liền có cường độ nhẹ, nhưng gây mưa lớn.Trận bão đó làm chết 31 người chết, 1 người mất tích, trong đó nặng nề nhất là các tỉnh Lạng Sơn 6 người; Hà Giang 8 người; Lào Cai 4 người; Lai Châu 7 người. Nguyên nhân chủ yếu là do sạt lở núi và đi qua dòng nước xoáy. Do vậy, các địa phương ảnh hưởng của bão Kujira phải hết sức đề phòng, không chủ quan khi bão đổ bộ”, Bộ trưởng Phát nói.
Quảng Ninh: Hàng nghìn tàu, thuyền về các điểm tránh trú bão
Đến 16 giờ hôm nay (23.6) lực lương chức năng đã kêu gọi được hơn 8.000 tàu, thuyền công suất nhỏ (dưới 90 Cv) đang trú và neo đậu tại tại các bến cá, các vũng, vịnh, các đảo và các khu neo đậu tránh trú bão của địa phương.
Tại thị xã Quảng Yên, trong số 312 tàu đánh cá có 311 chiếc đang neo đậu tại các bến trên địa bàn tỉnh. Hiện còn 1 tàu chưa liên lạc được. Tuy nhiên, trên biển không còn tàu thuyền hoạt động, có khả năng tàu này đã vào bờ .
Tàu, thuyền ở Quảng Ninh đã về điểm tránh trú bão.
Theo Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ninh, ngay từ sáng sớm nay, cả 3 Hải đội của Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với chính quyền các địa phương chủ động tổ chức thông báo về diễn biến cơn bão số 1 và kêu gọi 28 tàu nước ngoài, 483 tàu du lịch, 395 lồng bè, hơn 5596 tàu cá vào vị trí tránh trú bão an toàn, vận động hơn 20 nghìn thuyền viên và lao động trên các tàu cá, lồng bé về đất liền. Tiến hành bắn 12 quả pháo hiệu thông báo bão.
Tại TP. Móng Cái – nơi được dự báo là tâm điểm cơn bão số 1 tiến về, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố yêu cầu Chủ tịch UBND các xã, phường xây dựng kế hoạch phòng chống bão số 1 cho từng địa phương.
Toàn bộ nhân dân Thành phố do được thông tin, khuyến cáo, cập nhật thường xuyên về diễn biến của Bão nên cũng đã khẩn trương chủ động các hoạt động gia cố nhà cửa, kiểm tra hệ thống điện dự phòng, nhu yếu phẩm cần thiết… sẵn sàng ứng phó khi bão đổ bộ vào địa phương. Ngoài phố, hầu hết cây xanh trong khu đô thị, khu dân cư đều được cắt tỉa và tháo dỡ các biển hiệu quảng cáo, đèn trang trí ngang đường.
Tại Quận Đồ Sơn, Hải Phòng: Lãnh đạo quận đã thông báocho 286 tàu thuyền biết vào bờ tránh trú bão an toàn. Các địa phương đã chuẩn bị vật tư, phương tiện cứu hộ, cứu nạn, di dời các hộ dân nuôi ngao về vị trí an toàn. Huyện đảo Bạch Long Vỹ, đã thông báo cho 536 phương tiện biết hướng đi của bão, tìm nơi tránh trú.
Hoàng Anh Tuấn
Vui lòng nhập nội dung bình luận.