Bão số 12 gây mưa lớn từ Quảng Trị đến Khánh Hòa, 3 ngày nữa miền Trung lại có bão số 13
Bão số 12 gây mưa lớn từ Quảng Trị đến Khánh Hòa, 3 ngày nữa miền Trung lại có bão số 13
Khương Lực
Thứ hai, ngày 09/11/2020 13:30 PM (GMT+7)
Vào lúc 10 giờ ngày 9/11, vị trí tâm bão số 12 cách bờ biển các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận khoảng 360km về phía Đông, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10. Từ chiều nay đến ngày 12/11, các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa có mưa to đến rất to, phổ biến 200-400mm/đợt, có nơi trên 400mm.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, vào lúc 10 giờ ngày 9/11, vị trí tâm bão số 12 ở khoảng 13,0 độ Vĩ Bắc; 112,9 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận khoảng 360km về phía Đông.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 120km tính từ tâm bão. Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km và có khả năng mạnh thêm.
Đến 22 giờ ngày 9/11, vị trí tâm bão ở khoảng 12,8 độ Vĩ Bắc; 111,1 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận khoảng 200km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11.
Khả năng bão chồng bão, gây mưa rất to ở miền Trung
Tại cuộc họp ứng phó với bão số 12 (bão Etau) sáng 8/11, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, nhận định của các đài khí tượng quốc tế về cường độ bão số 12 trên biển Đông khá tương đồng, cụ thể: Nhật Bản và Hồng Kông cho rằng bão đạt cường độ mạnh trên biển là cấp 8-9.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của bão, khu vực giữa biển Đông có gió mạnh cấp 7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8-9, giật cấp 11, biển động rất mạnh.
Từ đêm ngày 9/11, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Ninh Thuận gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 11.
"Vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Nam có gió Đông Bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7-8, biển động. Khu vực Bắc biển Đông bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa có gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, biển động mạnh" - ông Khiêm cho biết.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 12 kết hợp với không khí lạnh nên từ chiều ngày 9-12/11, ở các tỉnh từ Quảng Trị đến phía Bắc Khánh Hòa có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 200-400mm/đợt, có nơi trên 400mm; Quảng Bình, phía Nam Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên có lượng mưa phổ biến 100-200mm/đợt.
Dự báo, trên các sông từ Quảng Trị đến Khánh Hòa, phía Bắc Tây Nguyên có lũ ở mức báo động 2- báo động 3, có sông trên báo động 3; các sông ở Quảng Bình và khu vực phía Nam Tây Nguyên ở mức báo động 1- báo động2, có sông trên báo động 2.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng thấp, ven sông, khu đô thị các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên.
Đáng chú ý, theo ông Khiêm, khoảng đêm ngày 11/11 đến rạng sáng ngày 12/11, sẽ có áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 13 và đi Biển Đông. Khoảng ngày 14/11, bão số 13 sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Trung Bộ. Theo nhận định, bão số 13 sẽ đạt cường độ cấp 11 trên Biển Đông.
Thu hoạch lúa chín, kêu gọi tàu thuyền ra khỏi vùng nguy hiểm
Tại cuộc họp, đại diện Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, tính đến 6h ngày 9/11, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho gần 60.000 phương tiện (tàu, thuyền) với 290.000 người biết diễn biến của bão để di chuyển tránh thoát khỏi khu vực nguy hiểm.
Hiện còn 4 phương tiện với 29 người (Bình Định) đang hoạt động trong vùng ảnh hưởng của bão, các tàu đã biết diễn biến của bão, đang di chuyển phòng tránh.
Trong khi đó, đại diện Tổng cục Thủy sản cho biết, hiện có 17 tàu của các địa phương đang nằm trong vùng nguy hiểm của bão số 12. Hiện có 4 tàu của tỉnh Phú Yên đang chạy vào bờ; còn 13 tàu khác, ngư dân đang chạy thoát ra khỏi vùng nguy hiểm.
Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NNPTNT) lưu ý, thời gian tới, các tỉnh miền Trung không chỉ ở tâm thế ứng phó với bão số 12 mà còn chuẩn bị tinh thần ứng phó với bão số 13 sắp vào biển Đông trong vài ngày tới.
Ông Hoài lưu ý, bão số 12 được dự báo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Phú Yên, Ninh Thuận - khu vực này trước đó chưa chịu tác động nhiều bởi mưa bão nên người dân có thể sẽ có tâm lý chủ quan.
Vì thế, đối với tuyến biển, ông Hoài đặc biệt lưu ý cần phải đảm bảo an toàn cho tất cả các tàu thuyền, bao gồm cả tàu khai thác thủy hải sản và các tàu vận tải. Các địa phương và cơ quan chuyên môn cần thông báo cho các tàu thuyền biết về diễn biến bão số 12 để ra khỏi khu vực nguy hiểm, khẩn trương tìm nơi tránh trú an toàn.
"Khu vực ven biển của các tỉnh dự báo bão số 12 sẽ vào có hoạt động kinh tế biển rất sôi động, số lượng lồng bè nuôi trồng thủy sản rất lớn, do đó, các địa phương cần đặc biệt lưu ý để đảm bảo an toàn về người và tài sản cho bà con. Về vấn đề an toàn trên các tuyến đảo, cần đảm bảo an toàn cho khách du lịch" - ông Hoài nhấn manh.
Đối với tuyến đất liền, nhiều tỉnh miền Trung vừa qua chịu thiệt hại nặng nề bởi mưa bão, nhiều nhà dân bị hư hỏng chưa kịp sửa chữa. Do đó, ông Hoài đề nghị các địa phương cần đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân khi bão số 12 ảnh hưởng đến các khu vực này.
Các địa phương cần lên phương án để thu hoạch lúa, bảo vệ đàn vật nuôi an toàn trước bão và mưa lũ.
Theo Cục Trồng trọt, diện tích lúa chưa thu hoạch là 52.067ha/107.632ha gieo trồng (trong đó lúa giai đoạn chín là 10.154 ha, nhiều nhất Bình Định 2.684 ha,Khánh Hòa 2.500ha).
Về chăn nuôi, khu vực bị ảnh hưởng của bão số 12 có tổng đàn gia súc hơn 2 triệu con và gia cầm hơn 20 triệu con (nhiều nhất Bình Định có 901.000 con gia cầm và 8.207 nghìn con gia súc).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.