Bão số 3 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, 1 người chết

Thứ bảy, ngày 30/07/2011 17:15 PM (GMT+7)
Dân Việt - Chiều tối 30.7, sau khi đi vào địa phận các tỉnh Thanh Hóa - Nghệ An, bão số 3 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Thiệt hại ban đầu một người chết vì điện giật, nhiều tuyến đê kè bị sạt lở.
Bình luận 0

Hồi 19h, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 19,4 độ vĩ Bắc; 105,5 độ kinh Đông, trên khu vực Thanh Hóa - Nghệ An. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 7.

img
Sau khi vào đất liền, bão số 3 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới

Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp trên khu vực Trung Lào.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, ở vịnh Bắc Bộ đêm 30.7 còn có có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7. Biển động. Ở các tỉnh Nam đồng bằng Bắc Bộ và bắc Trung Bộ có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7. Ở phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to. Vùng núi cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất.

Thông tin về tình hình thiệt hại đầu tiên đã được khi nhận ở Quảng Trị khi vào tối 30.7, tại Quảng Trị, một tàu cá số hiệu QB 1312 TS do ông Hoàng Quang Vịnh ở xã Bảo Ninh, Đồng Hới, Quảng Bình làm thuyền trưởng trên đường vào vùng biển Cửa Tùng (Quảng Trị) trú bão đã bị mắc cạn, sóng đánh chìm làm vỡ tàu. Rất may, cả 9 thuyền viên trên tàu đã được Bộ đội biên phòng Quảng Trị cứu đưa vào bờ an toàn. 

Trong khi đó, chỉ huy tại Thanh Hoá và Nghệ An, Bộ trưởng Bộ NNPTNT, Trưởng ban chỉ đạo PCLB T.Ư Cao Đức Phát cho biết: “Trên thực tế, tâm bão đã đi qua Nghệ An, do đó tôi cũng kiến nghị chúng ta bắt đầu phải chuyển hướng, trọng tâm chỉ đạo lên vùng nội đồng, đặc biệt là vùng miền Tây, đề phòng tác động của mưa sau bão, chúng ta đối phó với lũ quét. Chúng ta phải chỉ đạo các địa phương có hồ chứa phải theo dõi liên tục, thực hiện nghiêm ngặt các quy trình để góp phần chống lũ cho hạ du”.

Trên đường di chuyển vào bờ, bão đã giật đổ một số cột điện của xã Thọ Sơn, huyện miền núi Anh Sơn, Nghệ An khiến ông Phạm Xuân Tứ, 68 tuổi bị điện giật chết, thông tin từ Vnexpress cho biết.

Trước đó, tại Thanh Hóa, sáng 30.7, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá yêu cầu các huyện ven biển gồm Nga Sơn, Hậu Lộc, Hoằng Hoá, Sầm Sơn, Quảng Xương và Tĩnh Gia phải chỉ đạo cương quyết sơ tán dân sống gần mép biển, mức độ di chuyển sẽ từ 300m - 500m.

Trọng tâm là huyện Hậu Lộc với dự báo khoảng 46.216 người dân phải sơ tán; huyện Tĩnh Gia với 34.000 người dân; huyện Nga Sơn với hơn 15.000 dân... 

img
Người dân xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hoá đang chạy bão.
img
Trẻ em ở vùng biển Ngư Lộc kéo nhau ra bờ biển chơi trước khi bão vào

Theo thống kê, Thanh Hóa có 12.634 hộ dân với 61.100 người trong phạm vi 200m và 17.168 hộ với 72.523 người trong phạm vi từ 200 - 500 mét phải sơ tán. Miền núi có 386 khu vực, 4.581 hộ dân với 20.485 người nằm trong khu vực có nguy cơ xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất.

img
Người dân dỡ mái trước khi bão đến
img
Lãnh đạo họp bàn việc di dân
img
 
img
Ngư dân buộc neo cẩn thận

Tại Nghệ An, trong sáng 30.7, UBND TP Vinh đã cho sơ tán 110 hộ dân với hơn 500 nhân khẩu tại hai khu chung cư C8, C9 Quang Trung đến nơi an toàn. Hai khu chung cư này xây dựng từ năm 1940, cũ nát, có thể đổ khi gặp bão.

Tại huyện ven biển Diễn Châu, lực lượng phòng chống lụt bão tại chỗ cũng đã sơ tán 5.000 hộ dân cư ở các xã ven biển như Diễn Ngọc, Diễn Vạn, Diễn Bích,… đến nơi an toàn.

Tại huyện Quỳnh Lưu, người dân của ba xã ven biển gồm Quỳnh Long, Quỳnh Lập, Quỳnh Phương đang tiến hành di tán khỏi nơi nguy hiểm. Tại huyện Nghi Lộc, người dân vùng cửa biển Nghi Yên, Nghi Tiến, Nghi Quang cũng đang di dời khẩn cấp.

Tại hai huyện miền núi Tương Dương Kì Sơn ban chỉ đạo PCLB huyện đã di dời hơn 1.000 hộ dân ở các xã có nguy cơ lũ quét.

Theo Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão Nghệ An đến 15h chiều nay, chỉ còn có 15 tàu thuyền với gần 80 lao động đang chạy tìm nơi tránh bão

Tại Hà Tĩnh, thông tin từ Biên phòng Hà Tĩnh và Tiểu ban An toàn nghề cá trên biển, toàn bộ 3.797 tàu cá với trên 13.000 lao động đã vào nơi trú ẩn. Trong số đó có hàng trăm tàu thuyền không về kịp đã vào các đảo trú ẩn và ở tỉnh bạn. Cụ thể có 13 tàu với 78 người đã kịp thời trú ẩn tại Đà Nẵng, Quảng Ngãi, 103 tàu với 535 lao động trú tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Thanh Hóa.

img
Chế xe di động để thông báo tình hình bão
img
Thuyền, tàu đã được cập bến

UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu hai huyện Lộc Hà và Nghi Xuân phải di dời dân trước 15h chiều 30.7, cụ thể số dân phải di dời như Lộc Hà 1.120 hộ với 4.240 người, Nghi Xuân 186 hộ với 1.180 người.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem