Báo TQ cảnh báo Ấn Độ về hậu quả vì cho phép binh sĩ nổ súng ở biên giới  

Nguyễn Thái - Thời báo Hoàn cầu Thứ ba, ngày 23/06/2020 18:55 PM (GMT+7)
Tờ Thời báo Hoàn cầu nhận định, việc trao quyền "tự do hành động" cho binh sĩ ở biên giới của Ấn Độ thể hiện sự tắc trách và cảnh báo New Delhi phải chịu trách nhiệm về hậu quả có thể xảy ra.
Bình luận 0

img

Quân đội Ấn Độ ở vùng biên giới Ladakh. Ảnh: Reuters

Chính phủ Ấn Độ hôm 21/6 đã trao quyền "tự do hành động" cho các binh sĩ được triển khai tới dọc khu vực biên giới với Trung Quốc, phân định bởi Đường kiểm soát thực tế (LAC). Điều này đồng nghĩa các chỉ huy Ấn Độ sẽ không bị hạn chế sử dụng súng nếu xảy ra đụng độ.

Nếu binh sĩ Ấn Độ nổ súng trước vào binh lính Trung Quốc trong một cuộc đụng độ tương lai thì tranh chấp biên giới Trung - Ấn sẽ biến thành một cuộc xung đột quân sự. Đây không phải là điều mà hầu hết người dân Trung Quốc và Ấn Độ mong muốn.

Trung Quốc và Ấn Độ đã ký 2 thỏa thuận song phương vào các năm 1996 và 2005 - nêu rõ không bên nào được sử dụng sức mạnh quân sự để tấn công bên còn lại. Các thỏa thuận này về cơ bản giúp hạn chế quy mô của các cuộc xung đột ở khu vực biên giới 2 nước. Thậm chí, ngay trong cuộc đụng độ mới nhất đêm 15/6, các thỏa thuận này vẫn được tuân thủ khi không bên nào sử dụng súng để tấn công.

Tờ Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc) nhận định, việc trao quyền "tự do hành động" cho binh sĩ ở biên giới của Ấn Độ thể hiện sự tắc trách. Điều đó cho thấy Ấn Độ có thể "xé nát" các thỏa thuận quan trọng giữa 2 nước, theo tờ báo Trung Quốc. Việc này sẽ dẫn tới mất lòng tin nghiêm trọng giữa quân đội 2 bên và hệ quả là tăng thêm các cuộc xung đột quân sự không mong muốn. Ngoài ra, động thái này cũng đi ngược lại sự đồng thuận hạ nhiệt căng thẳng tại khu vực thung lũng Galwan của Bộ trưởng Ngoại giao 2 nước.

Tờ Hoàn cầu cũng cảnh báo những người theo chủ nghĩa dân tộc ở Ấn Độ không nên đẩy New Delhi đi sai đường. Tờ báo Trung Quốc đưa ra nhận định về tương quan thực lực giữa 2 nước.

Năm 1962, sức mạnh của Trung Quốc và Ấn Độ là ngang nhau. Giờ đây, mọi thứ đã khác. GDP của Trung Quốc đang gấp 5 lần Ấn Độ và chi tiêu cho quốc phòng của Bắc Kinh cũng gấp hơn 3 lần New Delhi. Hầu hết vũ khí hiện đại của Trung Quốc được sản xuất trong nước, trong khi Ấn Độ phải nhập khẩu các vũ khí tiên tiến. Việc quân đội Ấn Độ đánh bại quân đội Trung Quốc là điều khó xảy ra, Hoàn cầu nhận định.

img

Căng thẳng biên giới Trung Quốc - Ấn Độ thời gian gần đây gia tăng. Ảnh minh họa: The Quint

Sau vụ đụng độ đêm 15/6, chính phủ Ấn Độ có các động thái ngăn chặn căng thẳng leo thang. Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tuyên bố: "Không ai được phép xâm phạm biên giới của chúng ta. Hiện tại, không có chốt chặn nào của chúng ta bị xâm chiếm".

Tuy nhiên, một số người theo chủ nghĩa dân tộc ở Ấn Độ tiếp tục gây áp lực lên chính phủ, làm tăng nguy cơ leo thang căng thẳng ở biên giới.

Việc rút lui khỏi các thỏa thuận song phương là quyết định đơn phương của Ấn Độ. New Delhi cần phải chịu trách nhiệm về những hậu quả có thể xảy ra, Hoàn cầu cảnh báo.

Tờ báo Trung Quốc cũng khuyến cáo binh lính Trung Quốc, đồn trú tại khu vực biên giới giáp Ấn Độ, phải cảnh giác khi làm nhiệm vụ tuần tra và luôn luôn sẵn sàng khi chiến tranh bùng nổ. Nếu binh sĩ Ấn Độ nổ súng trước, binh lính Trung Quốc phải đảm bảo có đủ hỏa lực để đáp trả. Điều quan trọng nhất là bảo toàn được sự an toàn của chính họ và giảm thiểu tổn thất khi giao tranh với binh sĩ Ấn Độ.

Ngoài ra, Hoàn cầu còn kêu gọi quân đội Trung Quốc chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất. Nếu quân đội Ấn Độ phát động chiến tranh biên giới, Trung Quốc sẽ có đòn đáp trả xứng đáng.

Cuối cùng, tờ báo Trung Quốc bày tỏ hy vọng Ấn Độ sẽ giữ thái độ phù hợp để cùng Trung Quốc giải quyết vấn đề tranh chấp biên giới.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem