Thưa Bộ trưởng, tại kỳ họp này Chính phủ sẽ có báo cáo về vấn đề Biển Đông. Theo Bộ trưởng, chúng ta phải làm gì để tranh thủ được sự ủng hộ của dư luận quốc tế và sự đoàn kết một lòng ở trong nước trong vấn đề Biển Đông?
- Điều này chúng ta vẫn làm. Đó là chúng ta bảo vệ đất nước bằng sức mạnh tổng hợp, sức mạnh nội lực, bằng sức mạnh của dân tộc và sức mạnh của thời đại. Bây giờ không còn giống như thời kỳ chiến tranh lạnh mà phân ra các phe. Hiện nay phải tranh thủ sự ủng hộ quốc tế vào chính nghĩa. Muốn vậy phải chủ động, kịp thời cung cấp thông tin một cách công khai minh bạch, chính xác cho quốc tế chứ hoàn toàn không phải lôi kéo, tập hợp lực lượng để đối trọng, chống lại các nước khác.
|
Tàu hải giám Trung Quốc hoạt động trên Biển Đông. |
Với những diễn biến căng thẳng vừa qua trên Biển Đông liên quan đến Việt Nam thì quan điểm chia sẻ của ASEAN với Việt Nam như thế nào, thưa Bộ trưởng?
|
Bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh |
- Nói chung, với những vụ việc xảy ra trên vùng biển, quan điểm chung của các nước ASEAN là lo ngại, chia sẻ với Việt Nam và đều mong muốn sẽ giải quyết bằng biện pháp hòa bình. Bởi vì, nếu giữ được môi trường hòa bình, ổn định thì đó là lợi ích chung giữa các nước trong khu vực và các nước ngoài khu vực, không riêng gì Việt Nam.
Bên ngoài ASEAN có một số nước như Mỹ, Nga, Nhật Bản cũng rất quan tâm đến an ninh hàng hải trên Biển Đông. Bộ trưởng nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
- Biển Đông có vị trí địa lý chiến lược hết sức quan trọng, có tuyến đường hàng hải thuận lợi thứ nhì thế giới về tần suất các tàu bè qua lại. Mỗi ngày có tới 150-200 chuyến tàu container cỡ lớn ra vào và nhiều cường quốc có lợi ích về kinh tế và chiến lược ở đây. Do đó, họ rất quan tâm đến vấn đề này. Họ có hợp tác với các nước với mục đích chung là giữ được hòa bình ổn định. Hiện nay quan điểm của các nước này cũng khác nhau, không hoàn toàn đứng về phía nào để bảo vệ chủ quyền của các nước đó.
Việc mua những trang bị quân sự là kế hoạch soạn thảo từ nay đến 2020. Trước mắt phấn đấu trong khoảng thời gian 5-6 năm tới chúng ta sẽ có một lữ đoàn tàu ngầm với 6 tàu lớp kilo, là loại tàu hiện đại.
Bộ trưởng Phùng Quang ThanhChẳng hạn như Mỹ cho biết đứng trung lập không về phía nào trong tranh chấp chủ quyền, nhưng họ có lợi ích để đảm bảo an ninh hàng hải nên họ thường có mặt. Nhưng sự có mặt của Mỹ cũng đã gây ra những ý kiến khác nhau. Có ý kiến cho là có vai trò tích cực, cũng có ý kiến lo ngại làm cho tình hình nóng thêm, và phức tạp hơn. Nhưng chúng tôi tin, khu vực này có lợi ích của tất cả các nước, trong đó có các nước lớn, có các nước tranh chấp chủ quyền, có nước tuyên bố chủ quyền và có nước không tuyên bố chủ quyền. Tựu trung lại phải giữ được hòa bình, ổn định.
Thủ tướng đã công khai việc chúng ta sẽ mua 6 tàu ngầm và mua các máy bay hiện đại. Tiến trình bàn giao và chuyển giao các thiết bị, trang bị đó như thế nào, thưa Bộ trưởng?
- Việc mua những trang bị này là kế hoạch soạn thảo từ nay đến 2020. Trước mắt phấn đấu trong khoảng thời gian 5-6 năm tới chúng ta sẽ có một lữ đoàn tàu ngầm với 6 tàu lớp kilo, là loại tàu hiện đại. Nhưng là để phòng thủ, để tự vệ, để bảo vệ hòa bình, chủ quyền, lãnh thổ của đất nước chứ hoàn toàn không có ý định đi đe dọa các nước xung quanh, không có ý đồ tấn công, xâm lấn bờ cõi của các nước khác.
Chúng ta mua vũ khí với tinh thần tối thiểu và khả năng hết sức khiêm tốn, trong sự cho phép của khả năng nền tài chính đất nước. Nếu chúng ta quá chú tâm vào việc trang bị cho quân đội hiện đại, mua sắm nhiều vũ khí mà đời sống nhân dân khó khăn, việc làm thiếu thì phải cân nhắc.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!
Hương Thủy (ghi)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.