Barca và Messi bị "hành" bởi điều luật xa lạ với… V.League

Song Minh Thứ bảy, ngày 07/08/2021 13:40 PM (GMT+7)
Việc Messi phải chia tay Barcelona sau 21 năm gắn bó được cho là có nguyên nhân chủ yếu từ Luật công bằng tài chính – điều luật còn xa lạ với bóng đá Việt Nam.
Bình luận 0

FFP "cắt duyên" Barca và Messi

Mới đây, Messi và Bara đã "đường ai nấy đi" khi CLB không thể ký hợp đồng mới với M10 do bị hạn chế bởi "chiếc vòng kim cô" mang tên Luật công bằng tài chính tại Tây Ban Nha.

Tại buổi họp báo hôm 6/8, Chủ tịch Barcelona Joan Laporta đã khẳng định: "Quỹ lương của chúng tôi lên đến 110% so với thu nhập. Chúng tôi mất nhiều hơn những gì chúng tôi làm ra".

Barca và Messi bị "hành" bởi điều luật xa lạ với… V.League - Ảnh 1.

Chủ tịch Joan Laporta khẳng định quỹ lương của Barcelona đã bị "vỡ". Ảnh: REUTERS

Chủ tịch Joan Laporta nhấn mạnh quỹ lương của Barca đã ở mức "quá tải" ngay cả khi chưa tính thêm khoản lương của Messi. Đó là lý do chính dẫn đến cuộc chia tay giữa Barca và Messi dù không ai mong muốn.

Ở đây, phải hiểu rõ Luật công bằng tài chính cụ thể là gì? Đầu mùa bóng 2011-2012, Liên đoàn bóng đá châu Âu (UEFA) đã công bố luật công bằng tài chính Financial Fair Play viết tắt là FFP.

Trên lý thuyết, FFB nói một cách dễ hiểu là "lấy bóng đá nuôi bóng đá", nhằm kiểm soát dòng tiền (ngoài bóng đá như dầu mỏ, bất động sản… của các ông chủ tỷ phú) chảy vào bóng đá, qua đó thu hẹp khoảng cách giàu-nghèo giữa các đội bóng. Theo FFP, các đội không được phép chi quá số tiền họ kiếm về.

Dựa theo FFB, tại La Liga, Ban tổ chức giải đã đặt ra những quy định về hạn mức chi tiêu dựa trên doanh thu của CLB để đảm bảo công bằng tài chính và sức khỏe tài chính cho các CLB thành viên. Quy định này được sự đồng thuận của 42 CLB bao gồm ở La Liga và giải hạng hai Segunda Division. Những CLB chi tiêu quá mức sẽ phải thắt lưng buộc bụng, chỉ dùng một số ít chi phí từ doanh thu có được tương ứng để mua sắm hay trả lương cầu thủ, phần còn lại dùng để trả nợ nhằm tránh rơi vào cảnh bị phá sản. Nếu không đáp ứng được, họ sẽ đối mặt với án phạt từ Ban tổ chức La Liga.

Theo trang The Athletic, năm nay Barca có giới hạn tiền lương mức 138 triệu bảng (160 triệu euro). Mức này thấp hơn 1/4 giới hạn tài chính của Barca ở mùa giải 2019-2020 (671 triệu euro). Sở dĩ mức giới hạn của Barca bị hạ thấp là bởi CLB này đang gặp khó khăn tài chính với những khoản nợ đã nằm ngoài ngoài tầm kiểm soát. Để tuân thủ quy định của La Liga, Barca sẽ phải giảm tới 200 triệu euro từ hóa đơn tiền lương hiện tại của họ trước khi mùa giải mới bắt đầu.

Cho đến khi đáp ứng được quy định đó, Barca sẽ không thể ký hợp đồng với Messi, cho dù siêu sao Argentina đã đồng ý giảm tới 50% lương. Đồng thời, Barca không thể đăng ký 4 tân binh Sergio Aguero, Eric Garcia, Memphis Depay, Emerson Royal thi đấu ở mùa giải mới. Lựa chọn duy nhất của Barca là họ phải bán bớt cầu thủ để giảm quỹ lương.

V.League mỏi mắt chờ… tiền!

Trong khi Luật công bằng tài chính đã quá quen thuộc với các đội bóng châu Âu, thì trong môi trường bóng đá Việt Nam khi "bóng đá chưa thể nuôi nổi bóng đá", những khoản thu từ bản quyền truyền hình, bán vé… còn quá ít ỏi so vớ thực chi của mỗi đội bóng thì FFB là điều gì đó vô cùng xa lạ!

Điều 12 quy định về "Tài chính" Quy chế bóng đá chuyên nghiệp sửa đổi bổ sung mới nhất của VFF ban hành năm 2015 ghi rõ: Nguồn kinh phí cho hoạt động của câu lạc bộ có thể từ nhiều nguồn khác nhau nhưng phải có nguồn gốc hợp pháp và tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về tài chính, kế toán.... Câu lạc bộ được quyền thành lập và tham gia các tổ chức kinh tế; thực hiện các hoạt động thương mại, đầu tư, liên doanh-liên kết khác theo quy định của pháp luật để tăng nguồn thu...

Barca và Messi bị "hành" bởi điều luật xa lạ với… V.League - Ảnh 3.

Các cầu thủ Hà Nội FC nhận được đãi ngộ rất tốt tại V.League nhờ "hầu bao" của bầu Hiển. Ảnh: Báo Thanh Niên

Câu lạc bộ phải đảm bảo kinh phí hoạt động tối thiểu là 35,000,000,000 đồng/năm (ba mươi lăm tỷ đồng/năm) đối với câu lạc bộ Ngoại hạng và tối thiểu là 15,000,000,000 đồng/năm (mười lăm tỷ đồng/năm) đối với câu lạc bộ hạng Nhất.... Lương của huấn luyện viên và cầu thủ theo thỏa thuận trong hợp đồng với câu lạc bộ Ngoại hạng đạt mức tối thiểu 10.000.000 đồng/người/tháng (mười triệu đồng) và với câu lạc bộ hạng Nhất đạt mức tối thiểu 6.000.000 đồng/người/tháng (sáu triệu đồng)...

Barca và Messi bị "hành" bởi điều luật xa lạ với… V.League - Ảnh 4.

Messi và Barca đã "đường ai nấy đi". Ảnh: EFE

Với quy định như trên thì việc các ông chủ bóng đá Việt Nam bỏ tiền ra mua cầu thủ, trả lót tay, lương cho cầu thủ bao nhiêu tùy thích (miễn từ nguồn tiền hợp pháp), mà chẳng bao giờ phải lo "vỡ" quỹ lương như trường hợp Barca phải chia tay Messi.

Nói vui, giờ có ông chủ nào đủ tiền chả cho Messi và Messi đồng ý ký và sang chơi V.League thì cũng được khi V.League 2021 đã có quyết định hoãn vì dịch Covid-19 và chỉ trở lại vào ngày 12/2/2022 với các trận đấu bù vòng 13, giai đoạn 1.

Thông tin mới nhất về tương lai của Messi sau khi chia tay Barca đã được tờ Telegraph (Anh) tiết lộ. Một nguồn tin đã khẳng định, hôm nay (7/8), Messi và cha của anh sẽ thảo luận với nhau để hoàn tất các điều khoản cá nhân trước khi ký hợp đồng với Paris Saint-Germain (PSG).

Nhiều khả năng PSG sẽ trao cho Messi bản hợp đồng có thời hạn 2 năm cùng tùy chọn gia hạn một năm. Tạp chí L'Equipe (Pháp) khẳng định mức lương Messi nhận được khi gia nhập PSG sẽ là 40 triệu euro/năm sau thuế. Đãi ngộ này tương tự những gì Messi nhận được tại Barca trước đó.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem