Hiệu ứng doanh nghiệp hóa
Những khúc mắc xung quanh chuyện doanh nghiệp hóa các CLB bóng đá VN đã được nói đến trong suốt hai năm qua. Nhưng cuối cùng VFF cũng vượt khó thành công khi bước vào mùa giải 2011, 14 CLB V.League đều đã chuyển đổi xong.
|
VFF sẽ làm gì để ngăn chặn bạo lực sân cỏ là vấn đề mà người hâm mộ bóng đá đang đặt ra bức thiết. |
Nói như ông Dương Nghiệp Khôi-Trưởng BTC giải thì đó là thành công lớn nhất: “Nhiều người cứ than khó cho các CLB khi phải đáp ứng các yêu cầu về kinh tế, cơ sở vật chất trong quá trình lên chuyên. Nhưng thực tế, chúng tôi đang rất muốn giúp các CLB đấy chứ. Minh chứng là nếu không quyết liệt làm đúng luật, thì đến bao giờ sân Cao Lãnh của CS.Đồng Tháp mới có dàn đèn?”.
Trong chừng mực nhất định, việc các CLB bóng đá có thể hoạt động độc lập theo mô hình doanh nghiệp (tự chủ về tài chính, có con dấu riêng…) là một động thái có ý nghĩa đoạn tuyệt với những gì thuộc cơ chế cũ đã kìm hãm sự phát triển của bóng đá VN trong nhiều năm qua.
Trong tương lai, những bản hợp đồng, chuyển nhượng cầu thủ… sẽ minh bạch hơn, thay vì tồn tại quá nhiều góc khuất để những “kẻ đi đêm” tha hồ lách luật. Khi đội bóng gắn liền với thương hiệu, sự sống còn của một doanh nghiệp; khi tất cả chịu chấp hành theo luật của BTC V.League, giải hạng Nhất, và cả luật doanh nghiệp, thì những tiêu cực trên sân cỏ cũng sẽ được hạn chế.
Ngăn chặn đấu võ trên sân cỏ
Theo lộ trình mà VFF đặt ra thì năm 2014 mới là hạn chót để các CLB hạng Nhất hoàn tất chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp. Nhưng trước thềm mùa giải hạng Nhất 2012, chỉ còn hai CLB chưa chuyển đổi là XSKT.Cần Thơ, An Giang. Và tin là chuyện doanh nghiệp hóa bóng đá VN sẽ về đích sớm hơn dự kiến. Đó là tin vui.
Nhưng bên cạnh đó còn khá nhiều tin buồn, đặc biệt là nạn bạo lực sân cỏ. Đằng sau những con số thể hiện sự sút giảm niềm tin từ phía người hâm mộ: Tại V.League 2009 số khán giả bình quân đến là 10.326 người/trận; sang V.League 2010 con số này giảm xuống 8.297 người; và tại V.League 2011 chỉ còn 7.395 người), có nguyên nhân từ đạo đức, thái độ thi đấu của cầu thủ trên sân. Người hâm mộ không thể chịu nổi chuyện bỏ tiền mua vé vào sân để xem những màn “kung-fu”.
Ông Nguyễn Văn Vinh-cựu Giám đốc kỹ thuật HAGL bày tỏ: “Tôi không tin sau buổi tổng kết sắp tới sẽ có gì mới mẻ. Đáng ra trước cuộc tổng kết, VFF nên phát cho các đại biểu những bản báo cáo dự thảo để họ nghiên cứu, có ý kiến phản biện. Nếu cứ vào họp là nghe báo cáo tổng kết, nghe xong rồi về, thì mọi chuyện vẫn đâu vào đấy thôi”.
Cái dở là dường như VFF lại tiếp cận những câu chuyện kiểu như cầu thủ Thái Học (HAGL) bị Thanh Hùng (K.Khánh Hòa) đạp gãy chân ở vòng 23 V.League 2011, một cách khá bàng quan. BTC giải vẫn thích chỉ ra những nguyên nhân: Tính chất quyết liệt của trận đấu, hành vi cổ động thiếu văn hóa của một bộ phận khán giả, các biện pháp chế tài chưa đủ mạnh trong quy chế về kỷ luật của VFF… như là nguồn gốc của bạo lực sân cỏ, chứ không thấy nhắc đến cách “cầm còi” của trọng tài (?!).
Cần phải khẳng định, nếu các “ông vua” sân cỏ thực sự công tâm, làm tốt nhiệm vụ, hạn chế tối đa những sai sót, thì các đội bóng, HLV, cầu thủ, CĐV… cũng khó có “đất diễn” để thể hiện sự quá khích. Phía trước, việc VFF quyết định buộc cầu thủ tự trả tiền mỗi khi nhận thẻ phạt, thay vì để CLB trả thay cũng chỉ là một cách giải quyết hình thức. Đó là chưa kể đến việc các cầu phòng ngự-thường xuyên có nguy cơ “dính” thẻ cảm thấy bị đối xử không công bằng.
Lê Đức
Vui lòng nhập nội dung bình luận.