Bật mí bí mật về tác giả "Cửu âm chân kinh" trong tiểu thuyết Kim Dung

Thứ bảy, ngày 16/02/2019 09:35 AM (GMT+7)
Hư và thực cứ bàng bạc, biến ảo đa đoan với các nhân vật, sự kiện, bí kíp võ công... trong tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung như chính những chiêu thức võ công mà ông hư cấu
Bình luận 0

Cuối tháng 4.2010, tại núi Oa Hình, xã Hứa Phường, huyện Sùng Nhân - Giang Tây, các nhà khảo cổ Trung Quốc đã phát hiện một ngôi mộ cổ. Căn cứ vào việc phục dựng bia mộ đã hư hại cùng các cổ vật thu nhặt được, các nhà khảo cổ xác định chủ nhân ngôi mộ này chính là Hoàng Thường - nhà chính trị, triết học, văn học nổi tiếng đời Tống.

Thông tin này lập tức gây sốt dư luận ở Trung Quốc. Điều mà hầu hết mọi người đều quan tâm là Hoàng Thường có đúng là tác giả "Cửu âm chân kinh", bí kíp tuyệt học võ công mà Kim Dung đã viết hay không?

img

Bức họa Hoàng Thường...

Sóng gió võ lâm

Trong "Xạ điêu anh hùng truyện" viết năm 1957, Kim Dung nói về xuất xứ của Cửu âm chân kinh như sau: Tương truyền Đạt Ma sư tổ của phái Thiếu Lâm lúc mới từ Tây Trúc sang Trung Quốc đã giao chiến với nhiều võ sĩ trung thổ và có thắng, có bại. Sau đó, ông lui về ở ẩn, quay mặt vào tường suốt 9 năm, thấu triệt được các tinh hoa võ học rồi viết thành bộ Cửu âm chân kinh.

Tuy nhiên, trong bản mới đã được sửa chữa, Kim Dung mượn lời Lão Ngoan đồng Châu Bá Thông, sư đệ Vương Trùng Dương - giáo chủ Toàn Chân giáo, cho rằng bí kíp Cửu âm chân kinh là do Hoàng Thường viết. Theo đó, Hoàng Thường là một vị quan “thế ngoại cao nhân”.

Thời Bắc Tống, hoàng đế Huy Tông hạ chiếu tập hợp tất cả di thư của đạo gia trong thiên hạ để làm bộ Vạn thọ Đạo tạng và Hoàng Thường phụ trách trông coi việc khắc in. Vì sợ khắc lầm chữ sẽ bị tội khi quân nên ông đã dồn hết tâm trí để đối chiếu cẩn thận từng câu chữ. Dần dần, Hoàng Thường trở nên tinh thông Đạo học, ngộ ra được tầng sâu của võ công. Ông theo đó tu luyện cả nội - ngoại công, trở thành cao thủ.

Về sau, vua Huy Tông phái Hoàng Thường đem binh đi tiêu diệt Ma giáo (Minh giáo). Ông đánh bại nhiều cao thủ nhưng bị trọng thương phải đi trốn. Ở nơi núi hoang, Hoàng Thường nhớ lại những chiêu thức võ công của các địch thủ để tìm cách phá giải. Hơn 40 năm sau, khi đã triệt ngộ, ông muốn hạ sơn báo thù thì kẻ thù xưa đã qua đời hết. Hoàng Thường bèn đem những công phu thượng thừa của các môn phái viết thành Cửu âm chân kinh.

Thời gian trôi qua với bao biến đổi, tranh đoạt, Cửu âm chân kinh thất lạc và cuối cùng được Vương Trùng Dương tìm được. Tại cuộc “Hoa Sơn luận kiếm” lần thứ nhất, ông chiến thắng cả Đông Tà, Tây Độc, Bắc Cái, Nam Đế, trở thành đệ nhất cao thủ trong “võ lâm ngũ bá” và được giữ bí kíp này, sau đó truyền cho sư đệ Châu Bá Thông.

Đông Tà Hoàng Dược Sư dùng mưu, cho vợ đọc thuộc Cửu âm chân kinh rồi về chép lại. Đệ tử của ông là Mai Siêu Phong và Trần Huyền Phong lén trộm rồi học được phần sau của bí kíp này. Do không hiểu đạo học, hai người chỉ luyện thành vài môn độc hiểm, như: “Cửu âm bạch cốt trảo” và “Thôi tâm chưởng” nhưng cũng đủ gây sóng gió giang hồ.

Về sau, Châu Bá Thông truyền Cửu âm chân kinh cho Quách Tĩnh. Trong Ỷ Thiên Đồ Long ký, Kim Dung viết rằng Hoàng Dung, con gái Đông Tà và là vợ Quách Tĩnh, khi biết thành Tương Dương không thể chống chọi nổi quân Mông Cổ bèn bí mật đúc kiếm Ỷ Thiên để giấu Cửu âm chân kinh cùng Hàng long thập bát chưởng - môn võ công tuyệt học của Bắc Cái Hồng Thất Công. Cùng lúc, Hoàng Dung cũng đúc đao Đồ Long để giấu bộ binh thư tuyệt học Vũ Mục di thư. Đao Đồ Long và kiếm Ỷ Thiên cũng gây bao sóng gió trên võ lâm và cuối cùng, bí kíp Cửu âm chân kinh đã về tay giáo chủ Minh giáo Trương Vô Kỵ...

Cửu âm chân kinh có thật?

Theo Tống sử, Hoàng Thường (khoảng 1043 - 1130) là người Nam Bình - Phúc Kiến. Ông đỗ tiến sĩ đệ nhất đời Tống Thần Tông (1072), làm quan đến chức Đoan Minh điện đại học sĩ - Lễ Bộ thượng thư. Hoàng Thường ham thích đạo thuật, được vua Tống Huy Tông ủy thác phụ trách việc khắc in bộ Chính Hòa vạn thọ Đạo tạng trong 8 năm. Sau khi qua đời, Hoàng Thường được truy tặng hàm thái phó. Hoàng Thường giỏi về thi từ, “thơ văn tiêu sái, ngôn từ diễm lệ, như xuân thủy bích ngọc, khiến người ta mê say, thưởng thức không biết chán” - một học giả đời sau nhật xét.

Dựa vào Tống sử, nếu theo Kim Dung thì lúc được vua ủy thác trông coi khắc in Vạn thọ Đạo tạng, Hoàng Thường khoảng 70 tuổi, ngộ võ công khi đã 80 tuổi. Lại thêm hơn 40 năm nữa nghiên cứu võ học để viết thành Cửu âm chân kinh, như vậy Hoàng Thường thọ ngót 120 tuổi? Tuy nhiên, tiểu thuyết là tiểu thuyết, còn lịch sử là lịch sử.

Dù vậy, dư luận vẫn hết sức phấn khích khi chính ông Dương Dược Hùng, Chủ nhiệm Văn phòng Điều tra - Tìm kiếm văn vật huyện Sùng Nhân - Giang Tây, người trực tiếp khảo sát khu mộ Hoàng Thường, đã khẳng định căn cứ vào những tư liệu, sử liệu, bí kíp Cửu âm chân kinh là có thật và tác giả chính là Hoàng Thường!

img

...và khu mộ của ông vừa được các nhà khảo cổ Trung Quốc phát hiện

Theo ông Dương, Hoàng Thường ở vào đời Bắc Tống, trong giai đoạn chống quân Kim và Liêu, vì thế việc luyện tập võ nghệ là rất phổ biến. Hoàng Thường là quan chức cao cấp của triều đình, từng phụ trách khắc in bộ Vạn thọ Đạo tạng, lại có cơ hội tiếp xúc nhiều với các tướng lĩnh, nhân sĩ võ công cao cường. Như vậy, việc ông tập hợp các chiêu thức võ công tâm đắc để biên soạn thành bí kíp là việc rất dễ hiểu. Ông Dương cũng bày tỏ mong muốn được nghe ý kiến của Kim Dung về vấn đề này.

Đời Tống còn có vị quan Hoàng Thường khác (1146 - 1194) ở Tứ Xuyên, rất giỏi thiên văn, địa lý. Ông đã đem hết tâm lực vẽ 8 bức họa đồ dâng vua. Hiện 6 bức đã thất lạc, chỉ còn 2 bức Thiên văn đồ và Địa lý đồ, được xem là kỳ trân của ngành thiên văn và địa lý học thế giới.

Thượng Văn (NLD)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem