Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đang làm thay đổi bộ mặt đất nước.
Theo Bloomberg, quan niệm cho rằng nền kinh tế Triều Tiên giống như một cơn ác mộng là điều không còn chính xác ở thời điểm hiện tại.
Mặc dù Triều Tiên vẫn là nước nghèo, nhưng tổng sản phẩm quốc nội đã tăng 3,9% trong năm 2016, đạt mức 28,5 tỷ USD, mức tăng cao nhất trong 17 năm qua.
Thu nhập của người dân tăng cao nhanh chóng còn mức GDP bình quân đầu người ở Triều Tiên đã tương đương với Rwanda, quốc gia được coi là hình mẫu kinh tế mới nổi ở châu Phi.
Bước tiến nhảy vọt này một phần là do hoạt động thương mại với Trung Quốc, quốc gia được cho là miễn cưỡng tuân thủ một phần lệnh cấm vận Triều Tiên của Liên Hợp Quốc.
Theo Bloomberg, mặc dù Trung Quốc cấm nhập khẩu than, quặng sắt từ Triều Tiên từ tháng 2, nhưng hoạt động thương mại giữa 2 nước vẫn tăng tới 10,5%, đạt 2,55 tỷ USD.
Tòa nhà cao tầng ở thủ đô Bình Nhưỡng, Triều Tiên.
Bên cạnh đó, kể từ khi lên nắm quyền, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã tăng cường cải cách kinh tế, trao quyền tự chủ cho các nhà máy, để chủ nhà máy tự đặt ra mức lương, tìm nhà cung cấp hay thuê và sa thải nhân viên.
Mô hình nông nghiệp tập thể cũng được thay thế bằng các hộ gia đình, dẫn đến năng suất thu hoạch cao hơn. Chính phủ Triều Tiên thậm chí còn chấp nhận các doanh nghiệp tư nhân dù vẫn còn nhiều hạn chế.
Cải cách kinh tế đem lại hiệu quả rõ rệt. Các cửa hàng trên phố ở Triều Tiên ngày càng xuất hiện nhiều hơn tại thủ đô Bình Nhưỡng.
Một số khu phố còn có siêu thị và các chuỗi cửa hàng bán đồ xa xỉ. Đường phố Triều Tiên cũng bắt đầu xuất hiện những chiếc xe hiệu BMW hay Mercedes-Benz.
Theo Bloomberg, mặc dù Triều Tiên phủ nhận việc thay đổi thể chế kinh tế, nhưng khu vực kinh tế tư nhân đã chiếm hơn một nửa GDP của Triều Tiên.
Tình trạng nghèo đói ở Triều Tiên chưa biến mất hoàn toàn, nhưng bước tiến trong nông nghiệp và quản lý rủi ro thiên tai đã tạo ra tăng trưởng đáng kể. Kết quả tăng trưởng năm ngoái phần lớn nhờ vào sự phục hồi sau cơn hạn hán lớn năm 2015.
Xe hiệu BMW đỗ bên ngoài một nhà hàng ở Triều Tiên.
Đối với người Triều Tiên, việc được nâng cao mức sống rõ ràng là điều tốt. Bloomberg đánh giá nền kinh tế Triều Tiên vẫn còn cơ hội phát triển mạnh trước khi các lệnh cấm vận thực sự khiến Bình Nhưỡng rơi vào khó khăn.
Theo Bloomberg, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un dường như muốn tiếp bước cố lãnh đạo Hàn Quốc Park Chung-hee hay Đặng Tiểu Bình ở Trung Quốc. Đó là những người mang tư tưởng cải cách kinh tế mạnh mẽ.
Ông Park đối mặt với nhiều chỉ trích nhưng là người đặt nền móng để nền kinh tế Hàn Quốc phát triển như ngày hôm nay. Đặng Tiểu Bình cũng nổi tiếng là người đã đưa Trung Quốc trở thành cường quốc kinh tế chỉ sau Mỹ.
Nếu như vừa có thể chèo lái con thuyền Triều Tiên đạt thành tựu kinh tế mà vẫn duy trì được vị thế sở hữu vũ khí hạt nhân, việc Kim Jong-un xây dựng được di sản giống như hai nhà lãnh đạo nổi tiếng của Hàn Quốc và Trung Quốc là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Tất nhiên, Kim Jong-un vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là việc bị cô lập khỏi mạng lưới thương mại toàn cầu. Nhưng đứng trước muôn vàn khó khăn, Triều Tiên vẫn âm thầm đạt thành tựu mới có đóng góp không nhỏ từ nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Hàng hóa nội địa ở Triều Tiên đang xuất hiện với số lượng lớn chưa từng có, thay thế những sản phẩm nhập khẩu...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.