Bất ngờ với cuốn "Truyện Kiều: Chưa xong điều nghĩ…" của cô giáo Thủy

Hoàng Dung Thứ sáu, ngày 07/04/2017 07:05 AM (GMT+7)
Chỉ là một giáo viên của trường THCS Hà Lĩnh, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh nhưng cuốn sách đầu tay “Truyện Kiều: Chưa xong điều nghĩ…” của cô giáo Phan Thị Thanh Thủy đã khiến nhiều người bất ngờ.
Bình luận 0

img

Ảnh bìa cuốn sách "Truyện Kiều: Chưa xong điều nghĩ..."

Đi ngược lối mòn

Khi chưa gặp tác giả Thanh Thủy, tôi cứ bâng khuâng tự hỏi làm sao một giáo viên cấp trung học cơ sở lại có cái nhìn mới mẻ về Truyện Kiều đến vậy. Cho đến khi gặp được chị giữa Đại hội Kiều học Việt Nam, lắng nghe chị nói về Truyện Kiều, ánh mắt sáng bừng, tường tỏ từng câu chữ, cứ như mấy chục năm qua chị lấy truyện Kiều “làm gối” tôi mới hiểu rằng, năng lực cảm thụ văn chương không có giới hạn.

Nhiều người hỏi chị lấy cảm hứng từ đâu? Chị chẳng biết trả lời thế nào ngoài cái chất đa tình của người Hà Tĩnh đã thấm vào mạch nguồn, trở thành sợi chỉ xuyên suốt kết nối với Đại thi hào Nguyễn Du. Thế mới biết vẻ đẹp và sức sống văn chương của Nguyễn Du là vô cùng, là không có giới hạn.

Từ động lực về một cái nhìn mới, một cách cảm thụ văn chương khác lạ đã thôi thúc chị viết những tham luận đầu tiên gửi đến Hội thảo quốc tế về Nguyễn Du. Mặc dù, do gửi hơi muộn nên chị chẳng được trình bày trong hội thảo. Nhưng cũng từ đó, những bản thảo của chị được PGS-TS Phan Huy Dũng biết đến…Và cuộc gặp gỡ giữa một cây bút chuyên sâu trong giới nghiên cứu, phê bình văn học nghệ thuật và một kẻ “ngoại đạo” đã giúp Thanh Thủy khơi thông những trăn trở. “Từ buổi đó, thầy Dũng khuyên tôi hãy viết nhiều hơn và thầy sẽ đọc và góp ý…Tôi như được khơi thông, bớt đi sự trăn trở “nên hay không” viết những cái ngược chiều”, chị Thủy nói.

img

Tác giả cuốn sách- cô giáo Thanh Thủy.

Vậy là, từ bài viết đầu tiên: “Nhân vật Thúy Kiều nhìn từ bi kịch cá nhân”, cảm xúc của chị được khơi thông, chị say sưa viết, mạch viết cứ nối dài cho đến khi hoàn thành một cuốn sách: "Truyện Kiều: Chưa xong điều nghĩ…"

“Mình viết cuốn sách này trong vòng 1 năm. Đó là thời gian viết còn thời gian để mình chiêm nghiệm là cả một đời người, từ những hiểu biết non nớt về Truyện Kiều cho đến khi trưởng thành, nếm trải cùng cuộc đời, rồi lại đọc lại Kiều. Mới thấy rằng, vẫn cuốn Truyện Kiều ấy nhưng mỗi độ tuổi, mỗi trải nghiệm cho ta một cách đọc, cách hiểu khác nhau”.

Và có lẽ thế nên sự mới mẻ luôn song hành với những hoang mang và “Truyện Kiều: Chưa điều chưa nghĩ…” là một minh chứng. Góc tiếp cận và sự nhìn nhận mới mẻ của chị đã khiến cho nhiều người thấy hoang mang, bởi từ khen Từ Hải, chị chuyển sang chê trách. Từ chê trách Hoạn Thư, chị lại nhìn thấy ở cô một sự khéo léo, tinh tế.

Phải khẳng định rằng, chị là một người dũng cảm, khi chưa có một chút kinh nghiệm trong nghiên cứu, phê bình văn học nhưng lại chọn một tác phẩm quá đỗi nổi tiếng để thể hiện. Mấy trăm năm qua, biết bao nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình văn học chuyên nghiệp đã tìm hiểu, nghiên cứu trên mọi phương diện, ngóc ngách của truyện Kiều. Cái bóng về truyện Kiều đã quá lớn khiến cho người nghiên cứu, phê bình chuyên nghiệp cũng chẳng còn mấy ai có ý tưởng sẽ viết về Truyện Kiều. Huống chi, là tìm ra một lối tiếp cận mới, một góc nhìn mới. Thế nhưng một người “ngoại đạo” như chị lại vượt qua được “cái bóng” lớn ấy.

Cũng vì thế, nhiều người nhận định rằng, cách viết của chị quá cảm tính đến độ “hoang dã” nhưng họ cũng thừa nhận, chính sự “hoang dã” đã làm nên một cuốn sách đặc biệt.

Kỳ tích đặc biệt

Nhận xét về cuốn sách của tác giả Thanh Thủy, PGS- TS Phan Huy Dũng, khoa Ngữ văn Trường ĐH Vinh cho biết: “Viết được nhiều bài về Truyện Kiều trong thời gian ngắn và công bố chúng cùng một lượt trong tập sách dày dặn như thế này là cả một kỳ tích, chí ít cũng đối với người chưa hề, chưa phải là nhà nghiên cứu, phê bình chuyên nghiệp. Tác giả đã cho thấy trong việc tiếp nhận các kiệt tác văn chương, không ai là người có thể đưa ra nhận định cuối cùng về giá trị của chúng. Cơ hội lý giải, cắt nghĩa còn dành cho tất cả, đặc biệt dành cho những người không chịu chấp nhận ngay những định đề, mà chỉ tin vào sự mẫn cảm của bản thân và tin vào ý nghĩa sống còn của hoạt động đối thoại trên tinh thần trách nhiệm”.

Cầm cuốn sách trên tay, Chủ tịch Hội Kiều học Việt Nam, Giáo sư Phong Lê cũng bày tỏ: “Nếu chỉ tiếp cận văn bản mà không biết tác giả Thanh Thủy thì có thể hình dung người viết cuốn sách này là một nữ giảng viên Văn ở bậc Đại học; và hẳn có một chức danh gì đó trong khoa học và giáo dục… Bởi, ở tất cả các bài đều cho thấy một cảm nhận văn chương tinh tế, tức là một năng lực trực giác đến với thế giới văn chương. Và gắn với nó là một tư duy phân tích mạch lạc, không sương mù hoặc lộn xộn, biết cách lật xới vấn đề qua nhiều chiều cạnh, những chiều cạnh khác nhau hoặc trái ngược, khiến cho đối tượng phân tích trở nên sống động, đa chiều giúp cho người đọc luôn luôn cảm nhận được sức hấp dẫn, cuốn hút vô tận của Truyện Kiều”.

img

Cô giáo Thanh Thủy cùng chồng và cháu nội.

Là người đầu tiên nhận thấy cái “hoang dã” trên những bài viết đầu tiên của chị, PGS. TS Phan Huy Dũng vẫn thấy rằng: Cái “hoang dã” chỉ là biểu hiện bề ngoài của một tính cách cương nghị: dám bộc lộ chủ kiến, dám đối thoại với nhiều nhận định đã được “đóng khung”, trên tinh thần trọng logic thực tế, trọng bằng chứng cụ thể do tác phẩm đưa lại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem