Bé 5 tuổi co giật khi uống phải dung dịch trong thuốc lá điện tử, công an cảnh báo "nóng"

Chi Mai Thứ tư, ngày 07/12/2022 16:27 PM (GMT+7)
Công an TP.Hà Nội vừa phát đi cảnh báo về việc ma túy "núp bóng" thuốc lá điện tử.
Bình luận 0

Thuốc lá điện tử là gì?

Ngày 7/12, Công an TP.Hà Nội cho biết, thời gian vừa qua, trào lưu thuốc lá điện tử được giới trẻ ưa chuộng, nhất là học sinh, sinh viên.

Sự mới lạ của thuốc lá điện tử với hương thơm hấp dẫn (kẹo, trái cây…) cùng những lời quảng cáo không gây hại, văn hoá hút thuốc lành mạnh, sành điệu, thuốc lá thế hệ mới đã đánh trúng tâm lý thích thể hiện "cái tôi" của "tuổi mới lớn".

Lợi dụng việc này, nhiều đối tượng đã phun, tẩm một số thành phần có chứa chất ma tuý, gây ảo giác, kích thích cho người dùng, gây ra những hệ luỵ khôn lường cho bản thân và xã hội.

Thuốc lá điện tử là thiết bị chạy bằng pin dùng để làm nóng dung dịch lỏng, biến dung dịch này thành hơi cùng những luồng khói có hương thơm để người sử dụng có thể hít vào phổi. Hầu hết các mẫu thuốc lá điện tử hiện nay sử dụng ống chứa dung dịch – loại dùng một lần hoặc có thể bơm dịch vào để dùng tiếp.

Bé 5 tuổi co giật khi uống phải dung dịch trong thuốc lá điện tử, công an cảnh báo "nóng" - Ảnh 1.

Một số mẫu thuốc lá điện tử với hình dáng bắt mắt, nhỏ gọn trên thị trường. Ảnh: CACC

Thuốc lá điện tử có nhiều tên gọi khác nhau như vape, thuốc lá vaporizer, e-cigs, e-hookahs, bút vape… được thiết kế đa dạng với hình dáng bắt mắt, có thể giống điếu thuốc lá truyền thống hoặc giống như bút, ổ đĩa, hình thỏi son… Do vậy, học sinh, sinh viên dễ dàng sử dụng, mang vào lớp học, mang đi chơi mà không lo bị phát hiện.

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, tại Việt Nam, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong giới trẻ đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng. Năm 2015 tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử mới chỉ là 0,2% thì đến năm 2019, điều tra sức khoẻ học sinh toàn cầu của WHO tại 21 tỉnh, thành phố của Việt Nam cho thấy có đến 2,6% học sinh trong độ tuổi từ 13-17 hút thuốc lá điện tử, tỷ lệ này ở học sinh thành thị là 3,4%.

Tại Hà Nội, nghiên cứu mới nhất của Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế cho thấy, tỷ lệ thanh thiếu niên sử dụng thuốc lá điện tử gia tăng, trong đó học sinh lớp 8 - 12 là 8,35%; lớp 10 - 12 là 12,6%; với nữ là 4,8%, nam là 12,4% (thông tin từ website: https://soyte.hanoi.gov.vn/).

Mới đây, Bộ Y tế đã đề nghị cấm toàn bộ các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, bao gồm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Đây đều là các sản phẩm có hại cho sức khoẻ, nguy hiểm như thuốc lá điếu. Thêm vào đó, hiện thuốc lá điện tử còn bị biến tướng, là cơ hội để các đối tượng tẩm chất ma tuý, gây hệ quả khôn lường cho xã hội…

Hàng loạt vụ việc nghiêm trọng

Thời gian gần đây, lực lượng chức năng liên tục phát hiện, bắt giữ vụ việc các đối tượng sử dụng chất ma tuý pha vào các loại tinh dầu của thuốc lá điện tử.

Theo đó, ngày 8/11/2022, Công an huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ bắt giữ đối tượng Nguyễn Văn Lộc (SN 2003, trú tại huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) khi đối tượng đang mang ma tuý tổng hợp dưới dạng thuốc lá điện tử đi bán cho các đối tượng trên địa bàn.

Bé 5 tuổi co giật khi uống phải dung dịch trong thuốc lá điện tử, công an cảnh báo "nóng" - Ảnh 2.

Các đối tượng mua bán trái phép chất ma tuý bị Công an quận Nam Từ Liêm phối hợp với các đơn vị điều tra, bắt giữ. Ảnh: CACC

Qua đấu tranh khai thác, đối tượng khai nhận, từ cuối tháng 10/2022, lên mạng đặt mua nhiều loại thuốc lá điện tử và tinh dầu (là các loại ma tuý tổng hợp mới) về bán cho các đối tượng chủ yếu là thanh, thiếu niên trên địa bàn sử dụng, để kiếm lời. Qua giám định dung dịch thu giữ từ Lộc đều có chứa ma tuý ADB-Butinaca.

Tháng 9/2022, Công an quận Nam Từ Liêm, Hà Nội điều tra khám phá các đối tượng trong vụ án thông qua mạng xã hội liên kết với nhau hình thành các nhóm tội phạm mua bán trái phép chất ma tuý ở các địa bàn khác nhau.

Hình thức chủ yếu là thông qua hệ thống vận chuyển hàng hoá bằng hình thức giao hàng online, với mặt hàng là thuốc lá điện tử, thảo mộc sấy khô, sau đó phun, tẩm các dung dịch chứa chất ma tuý loại ADB-Butinaca.

Chất ADB-Butinaca, thuộc nhóm chất cần sa tổng hợp, mới được đưa vào quản lý theo Nghị định 57/2022/NĐ-CP, ngày 25/8/2022 của Chính phủ quy định các Danh mục chất ma tuý và tiền chất. Khi sử dụng nó gây ra ảo giác, kích thích thần kinh trung ương giống như hoạt chất THC có trong cần sa. Tuy nhiên, nó khác là chất ADB-Butinaca được tổng hợp từ các hoá chất, các đối tượng điều chế để tạo ra chất này, có tác dụng tương tự như hoạt chất ma tuý cần sa.

Bé 5 tuổi co giật khi uống phải dung dịch trong thuốc lá điện tử, công an cảnh báo "nóng" - Ảnh 3.

Một mẫu tinh dầu cần sa. Ảnh: CACC

Bên cạnh đó, thời gian gần đây trên thị trường cũng xuất hiện tinh dầu cần sa (CBD), để trộn vào tinh dầu thuốc lá điện tử. Theo đó, CBD là một chiết xuất cần sa có chứa hàm lượng cao CBD và một ít hoặc không có THC (thành phần chính trong cây cần sa, cho cảm giác "phê"). Chúng có thể được sản xuất từ cây tài mà (cần sa giải trí) hoặc cây gai dầu công nghiệp.

Thực tế, trong tinh dầu của thuốc lá điện tử có chất nicotin và một số các chất thơm. Khi chế tạo, các đối tượng đã "thả" thêm chất ma tuý nhóm cần sa tổng hợp này vào. Vì chất ma tuý này không màu, không mùi, lại lẫn mùi của tinh dầu nên bằng cảm quan thông thường khó có thể nhận biết được. Chỉ người bán và đối tượng sử dụng có thể biết được thuốc lá điện tử có chất ma tuý (từ nguồn mua, giá cả…).

Bé 5 tuổi co giật khi uống phải dung dịch trong thuốc lá điện tử, công an cảnh báo "nóng" - Ảnh 4.

Một mẫu tinh dầu thuốc lá điện tử tìm thấy chất ma túy. Ảnh: CACC

Các đối tượng cho chất ma tuý vào tinh dầu thuốc lá điện tử có, ban đầu chúng cho người sử dụng dùng thử như dùng thuốc lá điện tử thông thường thủ đoạn tinh vi. Để lôi kéo người sử dụng, ban đầu chúng cho người sử dụng dùng thử như thuốc lá điện tử thông thường, để lôi kéo. Khi người dùng đã "bị lệ thuộc", có nhu cầu sử dụng thường xuyên, các đối tượng sẽ bán với giá thành cao hơn…

Theo thông tin từ Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, gần đây, Trung tâm đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, suy tim, tổn thương não lan tỏa tất cả các vị trí, tổn thương gan, rối loạn tâm thần, ảo giác, suy đa tạng… có nguyên nhân được xác định do bệnh nhân ngộ độc một số chất ma túy thế hệ mới có trong thuốc lá điện tử.

Mới đây nhất, ngày 6/12, thông tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương, mới đây, Khoa Điều trị tích cực Nội khoa của viện này tiếp nhận một bệnh nhân 5 tuổi vào viện trong bệnh cảnh hôn mê, co giật, đồng tử giãn, mạch chậm sau khi uống nhầm dung dịch trong dụng cụ thuốc lá điện tử. Tiến hành xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm gồm máu, nước tiểu của bệnh nhi cũng như chất dung dịch mà trẻ đã uống trước khi ngộ độc, phát hiện các mẫu dương tính với ma túy tổng hợp mới có tên ADB-BUTINACA.

Cảnh báo "nóng"

Để góp ngăn chặn các loại ma tuý núp bóng thuốc lá điện tử, bên cạnh những nỗ lực của các cơ quan chức năng, sự vào cuộc, chung tay của gia đình và nhà trường đóng vai trò rất quan trọng.

Theo Công an TP.Hà Nội, đối với gia đình, bố mẹ cần dành thời gian quan tâm, lắng nghe con, quan sát các hoạt động trong cuộc sống của con cái trên cơ sở đồng hành, tôn trọng, tránh dẫn tới hành vi chống đối do bị áp đặt.

Đồng thời phối hợp với nhà trường để tìm hiểu thêm sinh hoạt, mối quan hệ của con, em mình, quản lý con, em mình chặt chẽ, để có thể phát hiện những dấu hiệu bất thường.

Khi phát hiện những dấu hiệu bất thường, cần liên hệ bác sỹ hoặc chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ. Cùng với đó, vai trò giáo dục của nhà trường cũng là yếu tố quan trọng để học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên nói chung không bị sa đà vào những thói hư tật xấu, những tệ nạn xã hội.

Với nhà trường, các đơn vị cần khuyến cáo không sử dụng ma tuý, không sử dụng thuốc lá, thuốc lá điện tử nói riêng; tuyên truyền cho học sinh, sinh viên hiểu biết đầy đủ về những tác hại khôn lường của thuốc lá, của ma tuý, để cùng xây dựng môi trường lành mạnh, không khói thuốc lá.

Tổ chức thực hiện chương trình giáo dục về phòng, chống ma túy; phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy cho học sinh, sinh viên, học viên; quản lý chặt chẽ, ngăn chặn học sinh, sinh viên, học viên vi phạm pháp luật về phòng, chống ma túy.

Phối hợp với gia đình, cơ quan, tổ chức và chính quyền địa phương để quản lý, giáo dục học sinh, sinh viên, học viên về phòng, chống ma túy.

Phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền tổ chức xét nghiệm chất ma túy trong cơ thể khi cần thiết để phát hiện học sinh, sinh viên, học viên sử dụng trái phép chất ma túy.

Tăng cường các hoạt động ngoại khoá để giải toả căng thẳng sau giờ học. Ngoài ra, cần quản lý chặt chẽ vấn đề sử dụng chất kích thích trong nhà trường: nguồn cung cấp, đối tượng sử dụng để tránh nguy cơ sử dụng rộng rãi tại trường học.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem