Bé 7 tuổi đã phổng phao như thiếu nữ vì dậy thì sớm

Diệu Linh Chủ nhật, ngày 21/07/2024 06:28 AM (GMT+7)
Bé gái 7 tuổi, cao 1,2m, nặng gần 27kg, ngực phát triển to bất thường, được bác sĩ tiêm hormone kìm hãm dậy thì sớm.
Bình luận 0

TS, bác sĩ Hoàng Kim Ước, Trưởng khoa Nội tiết – Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội chia sẻ về một ca dậy thì sớm của bé 7 tuổi. 

Bệnh nhân mới 7 tuổi nhưng ngực đã phát triển độ ba (Tanner 3), tương đương bé 14 tuổi, chiều cao cân nặng vượt ngưỡng so với lứa tuổi. 

Kết quả xét nghiệm máu đo nồng độ nội tiết nữ (estradiol) cao, nghiệm pháp kích thích bằng GnRH để chẩn đoán xác định dậy thì sớm dương tính.

"Bệnh nhi được chẩn đoán dậy thì sớm thể trung ương, trục hạ đồi tuyến yên trưởng thành gây kích thích tuyến sinh dục tiết hormone. Thói quen sinh hoạt, tiền sử gia đình và kết quả chụp MRI não đều không phát hiện bất thường. Bệnh nhi dậy thì sớm không rõ nguyên nhân”, TS Ước cho biết. 

Bệnh nhi được tiêm thuốc ức chế hoạt động của trục dưới đồi – tuyến yên – tuyến sinh dục giúp hormone trở lại bình thường. Thuốc này còn giúp xương trẻ không bị cốt hóa sớm, chiều cao phát triển không thua kém bạn đồng lứa.

Sau 4 đợt thuốc tiêm, lần gần nhất vào tháng 5, nồng độ hormone bé trở lại ngưỡng chưa dậy thì, chiều cao tăng 8cm, ngực giữ mức độ ba, các đặc tính sinh dục thứ phát khác chưa phát triển, tâm lý bình thường.

Bé 7 tuổi đã phổng phao như thiếu nữ vì dậy thì sớm- Ảnh 1.

TS, bác sĩ Hoàng Kim Ước đang tư vấn cho cha mẹ về dậy thì sớm ở trẻ. Ảnh BVCC

TS Ước cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, lượng trẻ đến khám và điều trị dậy thì sớm tại khoa Nội tiết – Đái tháo đường, tăng rõ rệt. 

Riêng tháng 5 và 6, lượt trẻ khám dậy thì sớm tăng 47% so với cùng kỳ năm trước. Theo bác sĩ Uớc, nguyên nhân có thể do gần đây phụ huynh quan tâm hơn về dậy thì sớm. Đây cũng là thời điểm nghỉ hè, thích hợp cho trẻ khám và điều trị.

Tuổi dậy thì ở trẻ nữ thường 8-12 tuổi, trẻ nam 9-13 tuổi. Trẻ được gọi là dậy thì sớm khi quá trình thay đổi trong cơ thể xảy ra trước 8 tuổi ở trẻ nữ và trước 9 tuổi ở trẻ nam. Nguy cơ dậy thì sớm ở trẻ nữ cao gấp 4-10 lần so với trẻ nam.

Theo bác sĩ Ước, dấu hiệu dậy thì sớm ở trẻ nữ gồm ngực phát triển (phổ biến nhất và sớm nhất), mọc lông mu, lông nách, xuất hiện mùi cơ thể, mụn trứng cá, chiều cao, cân nặng tăng nhanh, có kinh nguyệt sớm. 

Trẻ trai có dấu hiệu như tinh hoàn to lên (dấu hiệu sớm nhất), dương vật to, mọc lông mu, lông nách, ria mép, giọng trầm, chiều cao và cân nặng tăng nhanh, có khả năng xuất tinh.

"Trẻ dậy thì sớm dễ tự ti, mặc cảm về ngoại hình, hạn chế chiều cao khi trưởng thành so với bạn bè. Những thay đổi về hormone khiến trẻ ham muốn tình dục trước tuổi khi chưa có kiến thức bảo vệ cơ thể, dễ bị lạm dụng tình dục, mắc các bệnh phụ khoa, mang thai ở tuổi vị thành niên…", TS Ước nhận định. 

Bác sĩ chẩn đoán dậy thì sớm thông quan khám lâm sàng, thu thập số liệu chính xác về chiều cao, cân nặng, thói quen sinh hoạt… Các xét nghiệm liên quan có thể được chỉ định như xét nghiệm máu, siêu âm xác định mức độ phát triển của tuyến vú, tử cung buồng trứng ở trẻ nữ, tinh hoàn ở trẻ nam, X-quang xác định tuổi xương, test kích thích GnRH.

TS Ước khuyến cáo, dậy thì sớm có xu hướng gia tăng nhanh. Khi trẻ có dấu hiệu phát triển sớm, cha mẹ nên đưa con đi khám tại chuyên khoa Nội tiết.  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem