Vào một ngày cuối tháng 10, tôi tìm đến căn phòng ấm áp của Nhà khách Bộ Công an ở số 10 phố Nguyễn Quyền, Hà Nội. Ngoài trời đang trở gió. Bé Gấu - con của Thiếu úy Đậu Thị Huyền Trâm, cán bộ Công an tỉnh Hà Tĩnh, người mẹ dũng cảm đã từ chối điều trị ung thư để nhường sự sống cho con - nằm gọn trong vòng tay bố Hà (Trung úy Nguyễn Mạnh Hà), đôi mắt đen tròn, háo hức nhìn người lạ.
Thật khó có thể tưởng tượng mới ngày nào bé còn nằm trong lồng kính với sự theo dõi, chăm sóc sát sao của bác sỹ. Bé Gấu được trao về bàn tay bố khi chỉ có 1,8 kg cân nặng.
Nhìn nét mặt căng thẳng của anh Hà khi ôm đứa con bé bỏng trên tay, ai cũng hiểu con đường trước mắt của người bố còn gian nan lắm. Và cho đến ngày hôm nay, chiếc kim bàn cân nhích lên vạch 5,6 kg, tôi hiểu, cả hai bố con đã phải trải qua những ngày tháng cực kỳ khó khăn.
Bà ngoại đang chăm sóc bé Gấu
Hai bố con bé Gấu.
Cái tên Trần Hữu Lâm Khải mà anh chọn cho con cũng là mong muốn cháy bỏng về một tương lai có ý nghĩa “khải hoàn”.
Đón con về tự chăm sóc tức là bố Gấu lại bắt đầu một hành trình gian nan mới. Để con được hưởng nguồn sữa mẹ như bất kỳ em bé nào, anh Hà “gia nhập” hội các bà mẹ bỉm sữa. Lân la trong bệnh viện với các bà mẹ mới sinh, lên mạng tìm hiểu cách chăm sóc con, tìm thông tin về ngân hàng sữa mẹ…người bố ấy không quản ngại làm bất cứ điều gì tốt nhất cho con.
Đối diện với Trung úy Hà, trò chuyện cùng ông bố trẻ, tôi khó có thể tưởng tượng ra những việc làm hàng ngày mà anh làm cho con. “Hơn một tháng đầu rời bệnh viện, ngày nào em cũng đi xe máy đến nhà các bà mẹ mới sinh con để xin sữa. Có lúc xuống Hà Đông, có khi lại đến tận Tây Mỗ, miễn là có sữa về cho bé”.
Bé Gấu - con của người mẹ vĩ đại và dũng cảm Đậu Thị Huyền Trâm
Rồi anh say mê kể cho tôi nghe thế nào là sữa tốt, bé Gấu tiếp nhận từng loại sữa, vị sữa ra sao. Điều anh mong muốn nhất là con mình được cảm nhận hơi ấm của người mẹ, được tiếp nhận dòng sữa trực tiếp từ bầu sữa ấm áp. Và, đã có nhiều ngày, anh đều đặn đưa đón một bà mẹ mới sinh con từ Bệnh viện Phụ sản Trung ương về cho con bú trực tiếp. Anh cũng ngỏ ý muốn mời hai mẹ con sản phụ cùng bà ngoại về ở với bố con mình vừa đỡ chi phí, lại tiện chăm sóc. Nhưng vì một số lý do tế nhị nên đề nghị đó không được thực hiện.
Hằng đêm, giấc ngủ của người bố trẻ chẳng bao giờ được tròn trịa. Lục cục pha sữa cho con, giật mình khi con ọ ẹ, sự nhạy cảm của người cha cũng không kém bất kỳ bà mẹ nào trên đời này. Có khi ban ngày, tranh thủ thời gian anh vào cửa hàng bán đồ em bé lựa chọn quần áo phù hợp thời tiết, một công việc lẽ ra là của người mẹ. Khi bé Gấu tiêu hóa không bình thường, anh lại tìm hỏi người cho sữa để tìm nguyên nhân và cách khắc phục…
Đến khi được động viên: “Không sao đâu, như thế vẫn ổn mà!”, anh mới tạm yên lòng. Ngay cả đến tôi, một bà mẹ đã có kinh nghiệm nuôi hai con nhỏ nhưng cũng không tưởng tượng được những điều tuyệt vời đòi hỏi tính kiên nhẫn mà ông bố này dành cho con. Những công việc tỉ mỉ, tưởng nhỏ mà lại hóa quan trọng với một bé sơ sinh thiếu tháng như matssage cho bé, chọn mua sữa bột, chọn liều lượng cho bé ăn…Lượng sữa ăn của bé tăng dần cũng là do anh tự điều chỉnh.
"Trộm vía", bé Gấu rất tinh nghịch và ngoan.
Anh Hà vẫn còn nguyên cảm giác sợ hãi, lo lắng khi nhớ lại. Khi bé ra khỏi viện được hơn 1 tháng, thông thường bé đòi ăn, ăn xong là ngủ, nhưng hôm đó vào lúc gần sáng bé khóc ngằn ngặt, dỗ không nín, có biểu hiện bị đau. Ngay trong đêm bé được đưa vào Bệnh viện Việt Đức và phải chờ đợi, lo lắng, đến gần hết buổi sáng mới có kết quả. Bác sỹ cho biết bé bị đau do thoát vị bẹn và tràn dịch màng tinh hoàn và xử lý khá đơn giản.
Trong gian nan mới hiểu được tấm lòng. Trong hoàn cảnh khó khăn, tình người, tình đồng đội đã sưởi ấm thêm trái tim đang đau đớn của người trong cuộc.
Anh Hà kể với chúng tôi rằng, khi còn ở trong bệnh viện, anh rất biết ơn các bác sỹ đã không quản vất vả, tận tình chăm sóc mẹ con bé Gấu. Và sau khi truyền thông lên tiếng, gia đình cũng nhận được rất nhiều sẻ chia của các tổ chức, cá nhân, lãnh đạo Bộ Công an, các đoàn thể trong lực lượng công an.
Bé Gấu đã cân nặng được 5,6kg sau 4 tháng.
Đặc biệt, nhiều bà mẹ đã liên hệ với gia đình đề nghị được giúp đỡ bé Gấu. Trong những dòng sữa mẹ mà bé Gấu được tiếp nhận, có sữa của nhiều bà mẹ đang công tác trong lực lượng công an. Hành động cao cả của mẹ Gấu đã chạm đến trái tim của những bà mẹ yêu con, của những người đồng đội chưa từng biết mặt nhau, cùng kết nối để làm việc có ý nghĩa, mong cho cuộc sống tốt đẹp hơn.
Suốt những ngày sau khi rời bệnh viện, bé Gấu “ở ẩn” giữa thủ đô, tránh báo chí, truyền thông để cuộc sống không bị xáo trộn. Nhưng hôm nay, anh Hà đồng ý để bé được xuất hiện, bởi anh muốn nói một lời cảm ơn chân thành tới những người đã cùng gia đình anh vượt qua quãng thời gian khó khăn nhất của cuộc đời.
Dẫu có mất mát, nhưng gia đình anh đã được bù đắp bởi tình cảm nồng ấm của cộng đồng dành cho. Anh bảo, dù sao thì gia đình anh vẫn còn may mắn hơn nhiều gia đình khác vì được nhận sự sẻ chia của cộng đồng. Hôm nay, bé Gấu sẽ được trở về nhà, bắt đầu một cuộc sống mới trong vòng tay gia đình, quê hương như một đứa trẻ bình thường. Chúc cho bé sẽ luôn khỏe mạnh và hạnh phúc trong vòng tay gia đình.
GIA ĐÌNH BÉ GẤU TRI ÂN NHỮNG TẤM LÒNG NHÂN ÁI
“Tôi xin gửi lời cảm ơn tới lãnh đạo Bộ Công an, Giám đốc nhà khách số 10 Nguyễn Quyền, Chủ tịch Hội phụ nữ Bộ Công an, lãnh đạo Công an tỉnh Hà Tĩnh, đồng chí, đồng đội, các cá nhân, tổ chức đã giúp đỡ gia đình tôi vượt qua khó khăn” – Trung úy Trần Mạnh Hà, Phòng An ninh Kinh tế, Công an tỉnh Hà Tĩnh – bố bé Gấu.
|
Việt Hà (CAND)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.