Bến Tre cảnh báo tình trạng mở rộng diện tích trồng cau khi giá cau non tăng mạnh

Thứ năm, ngày 28/07/2022 13:54 PM (GMT+7)
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bến Tre, giá cau non tăng mạnh, nhiều người dân bắt đầu mở rộng diện tích trồng cau. Tuy nhiên, trước bối cảnh này, các chuyên gia cảnh báo nông dân có cách nhìn tổng quan, phải tìm được thị trường tiêu thụ cau lâu dài.
Bình luận 0

Ngoài ra, theo các chuyên gia, các hộ nông dân cần cân nhắc và không nên thấy giá trị tức thời mà đổ xô mở rộng diện tích nhằm hạn chế rủi ro khi cung vượt cầu.

Theo thương lái thu mua cau tại huyện Giồng Trôm, (tỉnh Bến Tre) giá cau tươi tăng mặc dù cau đang vào thời điểm chính vụ, do nhu cầu thị trường xuất khẩu tăng, đặc biệt là cau non. Bởi vậy trong hơn 2 năm qua, giá cau luôn ở mức cao.

Bến Tre cảnh báo tình trạng mở rộng diện tích trồng cau khi giá cau non tăng mạnh - Ảnh 1.

Thu mua cau non tại huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.

Anh Nguyễn Văn Hiền, xã Bình Hòa, huyện Giồng Trôm cho biết, hơn 2 năm qua, giá cau tươi luôn giữ mức cao. Cụ thể, cau tươi thu mua tại vườn hiện ở mức 25 - 30 ngàn đồng/kg, tăng gấp 6 - 7 lần so với năm 2020. Trong khi đó dừa khô nguyên liệu chỉ có 20 ngàn đồng/chục. Đây là lý do khiến nhiều nhà vườn tại tỉnh không còn “mặn mà” với cây dừa và đổ xô tìm mua cây cau giống về trồng xen trong các vườn dừa.

Theo anh Hiền, chỉ với 20 gốc cau quanh vườn, 2 tháng thu hoạch 1 lần, mang về thu nhập hơn 1 triệu đồng. Dự kiến, gia đình sẽ mở rộng trồng thêm 50 gốc cau trên diện tích dừa kém hiệu quả. Tuy nhiên, giá cau tươi tăng nên kéo theo giá cau giống cũng ở mức khá cao, từ 15 - 20 ngàn đồng/cây và luôn trong tình trạng “cháy” hàng.

Sau khi tìm nhiều điểm bán cây giống nhưng không có cau giống, chị Nguyễn Thị Thúy, xã Bình Hòa đã đặt hàng trên mạng để mua cau giống với giá 15 ngàn đồng/cây. Chị Thúy chia sẻ, thấy giá cau tăng, ổn định 2 năm nay nên chị mua về trồng. Theo cách tính của chị, cau khi trồng đến khi cho trái mất khoảng 4 năm. Hơn nữa, trung bình cau ra được 5 - 6 đợt trái/năm. 

“Nếu mức giá cau giữ được hiện nay thì trung bình mỗi năm 1 cây cau sẽ cho thu nhập nhập từ vài triệu đồng, thu nhập nhiều hơn các cây trồng khác, mà không phải tốn chi phí chăm sóc, cũng chẳng phải phun xịt thuốc hại sức khỏe...”, chị Thúy chia sẻ.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre-ông Huỳnh Quang Đức cho hay, cây cau được người dân chủ yếu trồng ở bờ rào hoặc xen kẽ trong vườn dừa, các vườn cây ăn trái để kiếm thêm thu nhập trên cùng một diện tích canh tác (do cây cau ít chiếm diện tích). 

Thế nhưng, người dân cần cân nhắc khi mở rộng diện tích, đặc biệt là hạn chế thay cây cau cho các cây trồng cũ. Đồng thời, cần tìm hiểu thị trường tiêu thụ cau lâu dài, tránh trường hợp đổ xô trồng rồi sau đó giá xuống thấp, cung vượt cầu và không tìm được đầu ra nông sản.

Huỳnh Phúc (Báo Đồng Khởi)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem