Nỗi đau vô hình
|
Chăm sóc bệnh nhân HIV tại Khánh Hòa. |
Chị Nguyễn Thị L ở Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội (Nhóm Vì ngày mai tươi sáng Hà Nội) đã nhiều năm bị căn bệnh viêm amiđan hành hạ, uống bao nhiêu kháng sinh cũng không hề thuyên giảm. Nếu là người thường có lẽ các bác sĩ đã có chỉ định mổ, nhưng với người có H như chị, nài nỉ thế nào bác sĩ cũng từ chối.
Trò chuyện cùng chúng tôi vào một chiều đông hun hút gió, khuôn mặt chị buồn thiu: “Nhân viên y tế thường xuyên phải tiếp xúc với người bệnh và cũng hiểu hơn ai hết về căn bệnh này mà họ còn kỳ thị như vậy, nói gì người dân”.
Tương tự, chị H (Câu lạc bộ Bồ Câu, Hà Nội) đưa một thành viên trong nhóm đến BV Phụ sản Hà Nội cấp cứu vì chửa ngoài dạ con. Vốn có kiến thức về HIV, chị H đã chủ động nói về tình trạng bệnh của bạn mình để tránh lây nhiễm cho các bác sĩ.
Sau khi thăm khám qua loa, bác sĩ liền chuyển bệnh nhân lên khoa sản 2. Tại đây, các hộ lý kê cho bệnh nhân một giường ngay đối diện với nhà vệ sinh của phòng, rồi để chị nằm một mình với những cơn đau vật vã. Sau đó, chị và bạn mình phải chịu đựng sự cáu gắt, những ánh mắt coi thường, kinh sợ của nhân viên tại khoa, họ lảng tránh và bỏ mặc bệnh nhân tự xoay xở...
Chỉ đến khi chị H nhờ người từ Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS thành phố gọi điện đến “can thiệp” thì người bạn đáng thương mới được mổ cấp cứu.
Vừa qua, lần đầu tiên có một buổi đối thoại giữa bệnh nhân có H với nhân viên y tế Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Những tủi cực dồn nén lâu ngày đã vỡ oà cùng những giọt nước mắt tủi phận của những người có HIV khi đề cập đến thái độ vô cảm của nhân viên y tế.
Ông Nguyễn Duy Ánh - Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã phải thừa nhận, sự kỳ thị với bệnh nhân có H tại bệnh viện là có thật. Hiện tại, bệnh viện mới chỉ làm công tác tiếp nhận xử lý bệnh nhân sản phụ khoa Nhiễm HIV, còn tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ y, bác sĩ rất hạn chế. Thay mặt cán bộ Bệnh viện, ông Ánh xin lỗi những sản phụ đã bị kỳ thị, bị đối xử không đúng.
Cần thêm y đức
Tuy nhiên, những người như ông Ánh vẫn chưa nhiều. Nhiều khoa, bệnh viện, khi biết bệnh nhân nhiễm HIV đã lập tức làm hồ sơ chuyển sang các bệnh viện chuyên khoa. Cũng có không ít bác sĩ, nhân viên y tế khi tiếp nhận khám cho bệnh nhân thì bình thường, nhưng khi biết bệnh nhân là người có H lập tức thay đổi thái độ.
Thực tế, nhân viên y tế là những người có nguy cơ lây nhiễm cao, nhất là các y, bác sĩ phải tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch từ người bệnh. Nhưng nếu được phòng ngừa tốt, đây là căn bệnh không dễ lây lan.
Thạc sĩ Lã Thị Lan - Phó Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Hà Nội cho biết, hiện cả thành phố có hơn 3.000 phụ nữ nhiễm HIV, phần lớn người nhiễm HIV trong độ tuổi sinh đẻ. Vì thế, công tác dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ sang con là rất cần thiết.
Nếu các y, bác sĩ còn kỳ thị thì những phụ nữ này khó tiếp cận với việc phòng tránh thai hoặc phòng bệnh cho thai nhi, và như vậy sẽ có rất nhiều trẻ bị nhiễm HIV ra đời. Đó sẽ là gánh nặng cho xã hội.
Điều nguy hiểm hơn là nó còn làm cho nguy cơ lây nhiễm HIV trong bệnh viện ra cộng đồng càng lớn hơn, vì người bệnh khi vào viện sẽ có tâm lý giấu không cho biết mình bị HIV, khiến bệnh lây âm thầm.
Theo thạc sĩ Lã Thị Lan, tình trạng kỳ thị với người có H bên cạnh do thiếu kiến thức còn là y đức. Do đó, ngoài hiểu biết về HIV thì phải tăng cường y đức mới xóa bỏ được những phân biệt này!
Xét trên thực tế, suy nghĩ đó không sai, bởi vì đa số người có HIV/AIDS là người nghiện chích ma túy, gái mại dâm hoặc những người có cuộc sống không lành mạnh. Có không ít người, sau khi lâm bệnh, chính gia đình, người thân của họ cũng quay lưng với suy nghĩ “đã sống bê tha, không có trách nhiệm với bản thân và gia đình thì phải gánh chịu hậu quả”.
Chính vì suy nghĩ đó còn tồn tại trong cộng đồng nên các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội đã tuyên truyền mạnh mẽ việc đừng phân biệt, kỳ thị đối với người có HIV/AIDS. Nhiều vở kịch, phim có nội dung chia sẻ với người mắc AIDS, kêu gọi cộng đồng giang tay đón nhận họ hòa nhập. Có những câu chuyện rất cảm động về sự vượt qua bi kịch của họ, những tấm gương nghị lực đó rất đáng để học tập. Mới nhất là cuộc thi hoa hậu của những người có HIV/AIDS, cuộc thi đậm chất nhân văn và cũng lắm nước mắt.
Thế nhưng, những hoạt động tuyên truyền đó vẫn chưa đi vào cuộc sống và có tác dụng giáo dục hiệu quả. Tình trạng phân biệt, kỳ thị đối với người có HIV vẫn còn nặng nề, ngay cả bệnh nhân là trẻ em.
Điển hình như vụ việc xảy ra vào đầu năm học 2009 - 2010 tại Trường Tiểu học An Nhơn Đông, huyện Củ Chi, TP.HCM. Trung tâm Mai Hòa đưa 15 em nhỏ có HIV đến trường nhập học, nhưng bị phụ huynh học sinh chặn không cho các em vào trường. Họ còn kéo lên UBND huyện yêu cầu không cho các em có HIV được học tại trường.
Người dân bình thường có hành động như vậy vì thiếu hiểu biết, nhưng có một thực tế là ở một số bệnh viện, người có HIV/AIDS bị hắt hủi. Y bác sĩ tìm cách đẩy họ "đi cho khuất mắt". Họ bị xem như là thứ bỏ đi, thậm chí là ô uế, là nguồn lây bệnh cho người khác và cho cả y bác sĩ. Nhiều người thấy mình bị đối xử tàn tệ, chỉ muốn về nhà, chết còn hơn bị khinh bỉ.
Hơn ai hết, bác sĩ là người có kỹ năng, có công cụ để điều trị cho bệnh nhân cũng như để tự bảo vệ mình. Hơn thế nữa, bác sĩ có đủ nhận thức, sự hiểu biết về việc đối xử với bệnh nhân có HIV như thế nào để họ không thấy mình bị phân biệt đối xử, thấy mình được tôn trọng như một con người.
Bác sĩ là người để bệnh nhân gửi gắm niềm tin được chữa trị bệnh tật và cũng là chỗ dựa tinh thần cho họ. Thế nhưng, nhiều y bác sĩ đã không làm được như thế. Bệnh nhân có HIV đến bệnh viện để mong tìm một cơ hội giảm đi nỗi đau thể xác và tinh thần, nhưng chính những hành động khinh thị, hắt hủi của y bác sĩ đã làm tăng thêm nỗi đau của họ.
Với mong muốn cải thiện tình trạng kỳ thị bệnh nhân có H, được sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Nhật Bản, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS Hà Nội đã phối hợp với Tổ chức CARE tại Việt Nam triển khai Dự án “Đối thoại mô hình góc thân thiện tại bệnh viện” (2010-2011). Dự án thực hiện tại 4 bệnh viện của Hà Nội là: Thanh Nhàn, Hòe Nhai, Đức Giang và Phụ sản Hà Nội.
Thái An
Vui lòng nhập nội dung bình luận.