Bết bát 'khó tin' khu đô thị 5.000 tỷ ở Bình Định từng bị Thanh tra Chính phủ 'điểm mặt'
Bết bát "khó tin" khu đô thị 5.000 tỷ ở Bình Định từng bị Thanh tra Chính phủ "điểm mặt"
Dũ Tuấn
Thứ hai, ngày 05/09/2022 19:04 PM (GMT+7)
Khu đô thị hồ Phú Hòa có tổng vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng, diện tích hàng trăm ha đất ở TP.Quy Nhơn (tỉnh Bình Định), nhưng sau 8 năm thi công vẫn còn ngổn ngang, hoang vắng. Công trình chậm tiến độ này cùng 2 dự án BT khác từng bị Thanh tra Chính phủ "điểm mặt" vì liên quan sai phạm.
Bết bát "khó tin" khu đô thị hồ Phú Hoà 5.000 tỷ đồng ở Bình Định. CLIP: Dũ Tuấn.
Đầu tháng 9, dự án khu đô thị, du lịch, văn hóa, thể thao hồ Phú Hòa (khu đô thị hồ Phú Hòa) nằm ở TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định vẫn chỉ là bãi đất hoang hóa rộng bạt ngàn, nhiều hạng mục còn dang dở, khiến nhiều người không khỏi thất vọng sau 8 năm triển khai xây dựng. Tiến độ dự án chậm kéo dài, đến nay công trường vẫn là bãi đất trống hoang vắng. Ảnh: Dũ Tuấn.
Dự án nằm sát tuyến đường lớn quốc lộ 1D dẫn vào trung tâm thành phố, dựng hàng rào bên ngoài thành nơi rao quảng cáo, buôn bán đất. Nhiều năm nay, doanh nghiệp huy động máy móc, phương tiện san bạt, đào cắt sâu vào chân và sườn núi Bà Hỏa để lại hiện trường nham nhở. Ảnh: Dũ Tuấn.
Dự án khu đô thị hồ Phú Hòa hình thành, đến nay 8 năm vẫn chỉ là bãi đất trống, nơi chứa các đống sắt vụn, hoen gỉ... rất bết bát. Ảnh: Dũ Tuấn.
Cổng vào đại dự án đô thị nghìn tỷ rất "đơn giản", bên trong hoang vắng. Dự án khu đô thị hồ Phú Hòa hình thành, thời điểm đó, nhiều cựu lãnh đạo, chuyên gia và người dân địa phương bày tỏ lo ngại, thậm chí phản đối trước việc cho phép doanh nghiệp đào phá núi Bà Hỏa, san lấp hồ Phú Hòa, vì Quy Nhơn chịu tác động khí hậu biển nên cần phải có hồ để điều hòa khí hậu, điều tiết nước, giảm ngập lụt, triều cường. Ảnh: Dũ Tuấn.
Bình Định cho phép doanh nghiệp đào lấy đất núi Bà Hoả để thi công nhiều dự án trên địa bàn tỉnh. Đoàn xe tải lấy đất từ núi Bà Hoả chở đi nơi khác từng là nỗi khiếp sợ cho người dân, bụi bẩn, chặn xe tải xảy ra liên tục, đường sá xuống cấp trầm trọng, đời sống người dân hai bên đường bị ảnh hưởng, ảnh hưởng an ninh trật tự địa phương. Ảnh: Dũ Tuấn.
Theo người dân, hồ Phú Hòa trước kia rộng 120 ha, là nơi điều hòa nước sông Hà Thanh, góp phần giải quyết chuyện úng lũ cho vùng phía Nam Quy Nhơn. Tuy nhiên, việc triển khai dự án khu đô thị Phú Hòa khiến lòng hồ san lấp, thu hẹp lại rất nhiều gây lo ngại sẽ ngập úng cho khu vực xung quanh. Trong khi đó, quỹ đất để phát triển thành phố Quy Nhơn không lớn, trong khi nhu cầu về đất ở đô thị ngày càng tăng, vì thế việc bỏ hoang hàng trăm ha giữa trung tâm thành phố nhiều năm qua là lãng phí tài nguyên. Ảnh: Dũ Tuấn.
Không chỉ san bạt núi, dự án còn lấp nhiều diện tích hồ Phú Hòa (thuộc 2 phường Nhơn Phú, Đống Đa, TP.Quy Nhơn), nơi điều tiết nước và được mệnh danh là “lá phổi” của Quy Nhơn. Dự án này cũng gây gián đoạn, ảnh hưởng đến hoạt động của các trụ sở, cơ quan nhà nước lân cận. Người dân địa phương thường gọi hồ nước này là "ao cá Bác Hồ", từng rộng đến 120 ha và là nơi mưu sinh của hàng trăm hộ dân thành phố Quy Nhơn. Tuy nhiên, giờ đây doanh nghiệp san lấp hồ chỉ còn lại vài chục ha. Ảnh: Dũ Tuấn.
Năm 2013, Công ty CP Tập đoàn Phúc Lộc (Công ty Phúc Lộc, ở Ninh Bình) có văn bản đề xuất đầu tư 2 dự án, gồm: Xây dựng đường Điện Biên Phủ nối dài và cải tạo, nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước hồ Phú Hòa tại TP.Quy Nhơn theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT). Đổi lại, tỉnh Bình Định sẽ dùng dự án khu đô thị Phú Hòa làm vốn đối ứng. Ảnh: Dũ Tuấn.
Sau đó, UBND tỉnh Bình Định tổ chức mời gọi đầu tư theo hình thức BT đối với 2 dự án nói trên, kết quả chỉ duy nhất Công ty Phúc Lộc tham gia. Trên cơ sở đó, Ngày1/7/2014, UBND tỉnh Bình Định có văn bản giao Công ty Phúc Lộc là nhà đầu tư thực hiện 2 dự án: Xây dựng đường Điện Biên Phủ nối dài và cải tạo, nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước hồ Phú Hòa theo hình thức BT, đồng thời giao dự án khác để thanh toán cho nhà đầu tư là dự án khai thác quỹ đất của khu đô thị Phú Hòa. Tỉnh Bình Định cho phép nhà đầu tư triển khai cùng lúc 3 dự án này. Ảnh: Dũ Tuấn.
Ngày 23/7/2015, UBND tỉnh Bình Định có quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khu đô thị Phú Hòa với tổng quy mô diện tích khu đất hơn 324 ha (bao gồm hơn 317 ha theo Quyết định số 3007/QĐ-CTUBND ngày 11/10/2013 của UBND tỉnh Bình Định và bổ sung 6,29 ha đất dự trữ phát triển theo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tại kết luận số 444/KL/TU ngày 17/6/2015). Ảnh: Dũ Tuấn.
Dự án được thực hiện theo hình thức BT do liên doanh nhà đầu tư Công ty Phúc Lộc - Thành An triển khai. Tại lễ khởi công các dự án thuộc khu đô thị Phú Hòa, lãnh đạo Công ty Phúc Lộc cho biết dự án có tổng mức đầu tư trên 5.000 tỷ đồng, gồm 2 dự án BT nói trên; khu nhà ở biệt thự, khu dịch vụ, trung tâm thương mại, khách sạn, quảng trường, tuyến phố thương mại đi bộ, khu tâm linh; kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng và xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật khu đô thị… Ảnh: Dũ Tuấn.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ (tháng 5/2019), đến thời điểm thanh tra, dự án xây dựng đường Điện Biên Phủ nối dài và dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước hồ Phú Hòa đã được triển khai nhưng UBND tỉnh Bình Định vẫn chưa làm thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt dự án khu đô thị Phú Hòa để có quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư. Ảnh: Dũ Tuấn.
Kết luận của Thanh tra Chính phủ cho thấy, mặc dù chưa được bàn giao mặt bằng của dự án nhưng nhà đầu tư tổ chức triển khai thi công một số công trình, hạng mục thuộc 2 dự án BT khi chưa có thiết kế - bản vẽ thi công, biện pháp thi công và giấy phép xây dựng được phê duyệt, là vi phạm quy định về quản lý xây dựng. Bên cạnh đó, nhà đầu tư chậm ứng kinh phí để chi trả tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án BT; chưa làm thủ tục chuyển mục đích rừng phòng hộ (7,6 ha) thuộc hành lang an toàn lưới điện; chậm xây dựng khu tái định cư cho các hộ dân, dẫn đến không có đất giao cho các hộ dân nên các hộ dân không đăng ký nhận tiền, gây ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Ảnh: Dũ Tuấn.
Tháng 9/2018, Bộ Tài chính có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bình Định tạm dừng sử dụng tài sản công (trong đó gồm quỹ đất) để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT theo ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ. Do đó, dự án khu đô thị Phú Hòa phải tạm dừng và chờ Chính phủ có hướng dẫn cụ thể. Ảnh: Dũ Tuấn.
Hệ thống cống thoát nước chưa được hoàn thành, tạo thành các hố, sau 8 năm chính quyền đồng ý cho nhà đầu tư triển khai dự án, thì khu đô thị hồ Phú Hoà vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của người dân. Ảnh: Dũ Tuấn.
Lãnh đạo tỉnh Bình Định từng khẳng định, dự án khu đô thị Phú Hòa là tồn tại từ thời điểm năm 2013, dự kiến sẽ giao đất khu đô thị cho nhà đầu tư để hoàn trả dự án BT nhưng thực tế tỉnh này chưa giao 1m2 nào cả, thiệt hại sai phạm là không có. Không có 1 văn bản nào UBND tỉnh Bình Định giao đất cho nhà đầu tư, bởi nếu giao rồi thì bây giờ không thể sửa được. Theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ, khu đô thị có diện tích trên 100ha nên muốn dùng khu đô thị thanh toán cho nhà đầu tư thì phải trình Chính Phủ. Vì vậy, Bình Định đã gửi văn bản đến Bộ Tài chính trình bày phương án đấu giá khu đô thị để thanh toán đủ cho nhà đầu tư, chứ không giao hết. “Việc này sẽ tránh thiệt hại thất thoát, tỉnh đấu giá đất để thanh toán sòng phẳng cho nhà đầu tư và thực hiện chặt chẽ, đúng quy trình”, vị này nói. Ảnh: Dũ Tuấn.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.