Là một trong những bí ẩn lớn nhất thế kỷ 20, đồng thời là câu hỏi lớn nhất của Hải quân Mỹ nói riêng và lịch sử hàng không thế giới nói chung. Sự kiện 'Nữ hoàng hàng không' Amelia Earhart mất tích bí ẩn trong khi thực hiện chuyến hành trình vòng quanh thế giới trên chiếc máy bay Lockheed Model 10 Electra cách đây 82 năm vẫn là 'nỗi day dứt thế kỷ' đối với riêng người Mỹ.
Nữ phi công huyền thoại Mỹ Amelia Earhart là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất thế kỷ 20 khi bà có những đóng góp tiên phong cho ngành hàng không thế giới, liên tục lập nên những kỳ tích chưa một ai thực hiện được.
Nữ phi công huyền thoại Mỹ Amelia Earhart (1897-1937). Ảnh: SZ PHOTO/BRIDGEMAN/ACI
Năm 1922, Amelia Earhart lập kỷ lục đầu tiên trên thế giới, là nữ phi công đầu tiên bay một mình ở độ cao 4.267 mét.
Năm 1932, bà là người phụ nữ đầu tiên (phi công thứ hai sau Charles Lindbergh) một mình băng qua Đại Tây Dương.
Cuối năm 1932, bà trở thành người phụ nữ đầu tiên thực hiện chuyến bay một mình xuyên nước Mỹ, bắt đầu ở Los Angeles và đến Newark, New Jersey, trong 19 giờ 5 phút.
Năm 1935, Amelia Earhart xác lập thêm một kỷ lục nữa khi là nữ phi công đầu tiên hoàn thành chuyến bay một mình với quãng đường dài 6.870km từ quần đảo Hawaii đến Mỹ.
Năm 1937 định mệnh đến khi Amelia Earhart sắp hoàn thành kỷ lục nữ phi công đầu tiên bay vòng quanh thế giới thì gặp nạn một cách bí ẩn khi máy bay của bà được cho là mất tích khi bay qua khu vực đảo san hô vòng Nikumaroro không có người ở thuộc Tây Thái Bình Dương. Khi đó, bà chỉ còn cách đích đến hơn 11.000 km nữa là hoàn thành chuyến đi vòng quanh thế giới.
82 năm đã trôi qua kể từ ngày chính phủ Mỹ công bố chính thức về vụ mất tích của Amelia Earhart cho công chúng sau những nỗ lực tìm kiếm quy mô lớn không ngừng nghỉ của Hải quân Mỹ trên một vùng biển rộng 650.000 km2 ở Thái Bình Dương.
Không chỉ được công chúng Mỹ nhớ đến, những bí ẩn thế kỷ xoay quanh Amelia Earhart còn được đích thân nhà thám hiểm Robert Ballard (cựu quan chức cấp cao Hải quân Mỹ kiêm Giáo sư hải dương học, người tìm ra xác tàu Titanic huyền thoại vào năm 1985) tìm cách giải mã thông qua cuộc tìm kiếm quy mô lớn của ông tại vùng biển Tây Thái Bình Dương.
Ngày 20/10/2019, National Geographic sẽ phát sóng đặc biệt bộ phim tài liệu ghi lại toàn bộ quá trình thực hiện cuộc thám hiểm do giáo sư Robert Ballard dẫn đầu khi ông và đội của mình lên đường đến đảo Nikumaroro từ ngày 7/8/2019.
Số phận thực sự của Amelia Earhart, hoa tiêu đồng hành Fred Noonan và chiếc máy bay Lockheed Model 10 Electra cuối cùng có được sáng tỏ trong những thước phim quý giá của đoàn làm phim National Geographic?
"Hình ảnh và những bí ẩn những ngày cuối đời của Amelia Earhart đã thôi thúc tôi phải thực hiện cuộc thám hiểm này để tìm hiểu thực hư chuyện xảy ra với bà năm 1937. Địa điểm mà đoàn chúng tôi tìm kiếm là Nikumaroro - một trong những nơi hẻo lánh nhất hành tinh." - Giáo sư Robert Ballard chia sẻ trên tờ Washington Post trước khi thực hiện chuyến thám hiểm.
Bức ảnh chụp Amelia Earhart (ôm bó hoa) năm 1928. Ảnh: BETTMANN, GETTY
Ngày 16/10/2019, CNN đăng tải bài viết cho biết National Geographic vừa mời Tiến sĩ Erin Kimmerle, Giám đốc điều hành Viện Nhân chủng học và Khoa học Ứng dụng Florida (Mỹ) để tiến hành kiểm tra ADN phần xương mà đội thám hiểm tìm thấy trên đảo Nikumaroro.
Tiến sĩ Erin Kimmerle cũng sẽ xuất hiện trong bộ phim tài liệu sắp công chiếu của National Geographic ngày 20/10 tới.
Nếu bộ xương được xác nhận là của Amelia Earhart, thì hàng loạt lý thuyết xung quanh sự mất tích đột ngột, bí ẩn của bà sẽ bị hủy bỏ. Đây chính là bằng chứng xác nhận rằng bà và hoa tiêu bay cùng có thể không chết trong một vụ tai nạn mà sống sót một thời gian ở Thái Bình Dương.
Tiến sĩ Erin Kimmerle đang kiểm tra phần xương tìm thấy trên đảo Nikumaroro. Ảnh: CNN
Liệu rằng, một trong những bí ẩn lớn nhất thế kỷ 20 mang tên Amelia Earhart có được giải mã ở thời thế kỷ 21 với những thiết bị hiện đại cùng những day dứt không nguôi của hậu thế khi nhắc về nữ phi công huyền thoại của nước Mỹ? Câu trả lời sẽ rõ ràng trong ít ngày tới...
Tất nhiên Amelia Earhart không phải là cái tên duy nhất ghi danh cho những kỷ lục trong lịch sử hàng không Mỹ những ngày đầu tiên: Nữ phi công Ruth Nichols (1901-1960) là người thực hiện chuyến bay xuyên quốc gia nhanh hơn (trong 13 giờ 21 phút, năm 1930); trong khi nữ phi công Louise Thaden (1905-1979) đã thực hiện những chuyến bay ở độ cao cao hơn (độ cao 6.175 km năm 1928).
Nhưng tại sao Amelia Earhart vẫn khiến người đời nhớ mãi không nguôi?
"Bà là một người phụ nữ mạnh mẽ. Ở Amelia Earhart có một trái tim đầy đam mê và không thành kiến. Không chỉ muốn có những cuộc hôn nhân bình đẳng, Amelia Earhart còn có những cơ hội ngang nhau với nam giới trong tất cả các ngành nghề và muốn được trả công bằng nhau với nam giới.
Nếu nói Amelia Earhar là người tiên phong trong cuộc đấu tranh vì sự bình đẳng của phụ nữ trong sự phát triển của ngành hàng không Mỹ nói riêng và hàng không thế giới nói chung cũng không sai.
Cách bà học hỏi và thực hiện ước mơ một cách đầy khiêm tốn và hạnh phúc đã cho thấy bất cứ người phụ nào cũng có thể làm những việc tưởng chừng chỉ dành cho nam giới. Theo đuổi ước mơ đúng đắn và sống hạnh phúc với những thành quả mình gặt hái được là con đường của người bản lĩnh, bất kể là nữ giới hay nam giới!.
Amelia Earhart là hiện thân của những giá trị tốt đẹp, nhân văn nhất của người Mỹ nói riêng và con người nói chung. Bà không ra đi vì tuổi già, không ra đi trước sự chứng kiến của nhiều người, huyền thoại ấy được lịch sử ôm trọn theo cái cách khiến người ta phải nhớ đến như một 'Nữ hoàng hàng không'' mãi mãi tuổi 40." - National Geographic viết.
Sinh thời, Amelia Earhart đã "cháy hết mình" vì đam mê với bầu trời của mình. Dù ước nguyện vòng quanh thế giới của bà còn dang dở nhưng cuộc đời và những cống hiến tiên phong của bà cho ngành hàng không thế giới đã truyền cảm hứng rất lớn cho phụ nữ nói riêng và nhiều người trẻ nói chung.
Một trong những câu nói đáng nhớ nhất của bà khi còn sống khiến người đời khó quên, đó là:
"Cái khó khăn nhất đời người là quyết định hành động, phần còn lại đơn giản là sự ngoan cường. Nỗi sợ chỉ là bong bóng. Ta có thể làm bất cứ điều gì một khi đã quyết tâm. Chỉ khi bắt tay vào việc, ta mới có cơ hội thay đổi và làm chủ cuộc đời mình."
PV (Trí Thức Trẻ)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.