Trong thế kỷ IV TCN, Hy Lạp cổ đại tập hợp nhiều thành bang khác nhau, mỗi thành bang đều có quân đội riêng và giữa họ thường xảy ra chiến tranh để tranh giành lãnh địa. Mạnh nhất trong số đó là quân đội của thành Sparta. Với sự khát máu và thiện chiến, họ tiêu diệt lần lượt các vùng đất khác, và chỉ còn một vật cản cuối cùng để thống nhất Hy Lạp - đó là thành Thebes. Thế nhưng, tại đây, quân đội hùng mạnh của Sparta đã bị đập tan bởi 150 cặp đồng tính người Thebes tại trận Leuctra.
Trước khi trận chiến Leuctra diễn ra, Sparta được biết đến là thành bang đáng sợ nhất thời Hy Lạp cổ đại. Thành Sparta có núi non vây quanh, không tài nguyên nên những cư dân Sparta chỉ còn cách duy nhất là phải gây hấn với các vùng xung quanh nhằm cướp đất để canh tác.
Vì thế, Sparta đã gây hận thù trên cả một vùng rộng lớn. Dù biết rằng, một trận phục thù khủng khiếp, có tính chất sống còn nhất định sẽ xảy ra nên các cư dân của Sparta hình thành xã hội mang thiên hướng chiến tranh.
Nhân dân Sparta tập luyện để mạnh mẽ, cứng rắn, hung hãn hơn những người láng giềng. Bởi chỉ có cách này, họ mới có thể tiếp tục sống và phát triển.
Khi có chiến tranh, dù trai hay gái cũng đều sẵn sàng lâm trận. Khi vừa lên 7, đứa bé trai Sparta sẽ bị bắt khỏi gia đình để đưa vào một trường quân sự – nơi chúng chiến đấu và sinh hoạt theo kỷ luật sắt. Ngủ trên giường cứng lót sậy, chỉ được phát 1 bộ quần áo mặc suốt cả năm, không được học hay thực hành bất kỳ bộ môn nghệ thuật nào.
Các bé gái dù không phải tập trung sống trong doanh trại nhưng vẫn phải luyện tập thể thao ở nhà. Đứa bé nào sinh ra mắc dị tật hoặc quá yếu sẽ bị bỏ cho chết đói.
Nhà làm luật huyền thoại Sparta xưa là Lycurgus không cho phép bất kỳ một sự trao đổi tiền tệ nào bởi ông cho rằng, tiền tệ gây ra sự chia rẽ và ích kỷ cá nhân, làm suy yếu kỷ luật chiến binh.
Cuối cùng, Sparta đã xây dựng được đội quân được mệnh danh là hùng mạnh nhất thế giới thời bấy giờ. Họ đánh đâu thắng đó, vinh quang nối tiếp vinh quang. Những chiến binh Sparta tinh nhuệ luôn gây cho quân thù phải khiếp sợ, kể cả khi họ sống sót hay hy sinh.
Thất bại ê chề…
Thế nhưng, đội quân bất khả chiến bại ấy phải chịu thất bại cay đắng trong chiến dịch thống nhất Hy Lạp mà Thebes là vật cản cuối cùng của quân Sparta. Càng đau đớn hơn, trận thua này lại chỉ vì Thebes sở hữu 300 chiến binh đồng tính nam.
Hai bên Sparta và Thebes chọn cánh đồng Leuctra làm nơi giao chiến, Sparta có 10.000 bộ binh và 1.000 kỵ binh trong khi Thebes quân số chỉ gồm 6.000 bộ binh và 1.000 kỵ binh. Đặc biệt hơn, vua Sparta là Cleombrotus I đích thân khởi binh càng làm tăng thêm sức chiến đấu cho đội quân Sparta.
Cleombrotus bố trí kỵ binh phía trước, bộ binh xếp sau tạo thành đội hình hình chữ nhật. Tất cả đội hình bộ binh được trang bị dory – một loại giáo dài từ 2 – 4m. Vua Sparta dự định sẽ “nuốt chửng” Thebes trong trận chiến mở màn này.
Nhận thấy cánh phải của quân Thebes cực kỳ yếu ớt khi chỉ xếp có 300 chiến binh phòng thủ nên vua Cleombrotus đã tung hàng loạt bộ binh nặng đột phá cánh phải mỏng manh. Kỳ lạ thay, tại nơi tưởng chừng là yếu ớt với chỉ có 300 quân nhưng các chiến binh này lại dũng cảm và ngoan cường vô cùng.
Họ giữ vững đội hình một cách chắc chắn và tiêu diệt một số lượng lớn quân Sparta thiện chiến. Trong khi đó, ở cánh bên kia, với mật độ dày đặc hơn, quân Thebes đã giáng cho chủ lực Sparta những đòn mạnh mẽ.
Cùng với 300 chiến binh thần thánh cánh phải, quân đội Thebes giết hơn khoảng 1.000 binh sĩ trong đó có cả vua Cleombrotus. Quân Sparta chạy trốn trong nhục nhã. Từ đó, đế chế quân phiệt này suy tàn một cách nhanh chóng.
Giải mã vũ khí bí mật của Thebes
Thất bại của đội quân “bất khả chiến bại” Sparta trước Thebes đã làm đảo lộn mọi kế hoạch chinh phục thế giới của vua Cleombrotus I. Câu hỏi được đặt ra là không hiểu sức mạnh nào đã khiến một đội quân yếu về quân số, bị coi kém về độ thiện chiến lại có thể giành chiến thắng.
“Đội thần binh Thebes” giành thắng lợi lớn dưới bàn tay chỉ huy của mãnh tướng Pelopidas. Dù chỉ gồm 300 chiến binh nhưng họ đã bảo vệ cánh phải trước cả hàng ngàn quân Sparta thiện chiến, nhưng tất cả đều chiến đấu vô cùng anh dũng.
Theo nhiều tài liệu ghi chép lại, tất cả 300 chiến binh này có điểm chung – đều là người đồng tính. Họ được tuyển chọn từ những thanh niên trẻ tuổi, trai tráng trong nước.
Ngoài việc sở hữu khả năng đánh giáp lá cà thiện nghệ, họ còn được học cách cưỡi ngựa và khiêu vũ. Ngoài yếu tố bền bỉ và dẻo dai trong luyện tập, giữa những chiến binh còn có sợi dây liên hệ “đặc biệt”, mang lời thề sẵn sàng chết vì người còn lại. Trong trận chiến, các chiến binh luôn nỗ lực hết mình trước mắt “người yêu”, họ coi việc giết kẻ thù như “phần thưởng” dành tặng cho “nửa kia” của mình.
Theo tài liệu ghi chép lại, huyền thoại về đội quân gồm 150 cặp đồng tính nam hoàn toàn có cơ sở. Bởi ở thời cổ đại, người Hy Lạp có quan niệm khá thoáng về chuyện đồng tính luyến ái. Quan hệ đồng tính nam không chỉ là sở thích mà được xem như một thể chế trong xã hội Plato – một nhà triết học cổ đại đã viết rằng, chuyện đồng tính trong quân đội được khuyến khích vì “tình yêu sẽ biến đổi một kẻ nhát gan nhất trở thành một người hùng đầy năng lực”, chính tình yêu đã cho họ tinh thần chiến đấu. Đội quân gồm 150 cặp đồng tính nam trong lịch sử Hy Lạp chính là minh chứng cho điều đó.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.