Bí ẩn trong câu lạc bộ trụy lạc, ma quỷ của giới thượng lưu Anh
Bí ẩn trong câu lạc bộ trụy lạc, ma quỷ của giới thượng lưu Anh
Y Nguyên
Thứ bảy, ngày 11/07/2020 16:33 PM (GMT+7)
Một số chính trị gia quan trọng, văn nghệ sĩ danh tiếng tại Anh thế kỷ 18 tham gia câu lạc bộ Hellfire với các trò trụy lạc, trác táng, thờ cúng quỷ Satan.
Nước Anh thế kỷ XVIII vẫn có các hội kín, các câu lạc bộ riêng. Câu lạc bộ Hellfire với thành viên là một số người có thế lực nhất nước Anh bấy giờ như thủ tướng, thị trưởng London, bộ trưởng bộ tài chính Anh, con trai tổng giám mục Canterbury, một vài nghệ sĩ tài hoa bậc nhất. Chuyện về câu lạc bộ thế lực, trụy lạc này được kể trong cuốn Những hội kín tàn bạo nhất lịch sử (tác giả Shelley Klein).
Người sáng lập ra câu lạc bộ là nam tước Sir Francis Dashwood (sinh năm 1708) - người được thừa kế một gia sản lớn nhất nước Anh thế kỷ XVIII. Dashwood là con một thương gia cực kỳ giàu có, còn mẹ thuộc tầng lớp quý tộc.
Năm 1746, Dashwood lập hội kín, được gọi bằng nhiều tên khác nhau như: hội hiệp sĩ của thánh Dashwood, những thầy tu của Medmenham, hội những hiệp sĩ của West Wycombe. Nhóm có 13 thành viên, Dashwood đóng vai trò là “Chúa cứu thế”. 12 người còn lại được đặt tên theo 12 tông đồ.
Năm 1752, Dashwood chuyển câu lạc bộ tới tu viện Medmenham - một tu viện cũ, đổ nát có từ thời Trung cổ bên bờ sông Thames (tu viện này đã bị biến thành tòa nhà chính của trang viên Todor thời Trung cổ). Daswood đã chi một khoản tiền rất lớn, sửa chữa tu viện, biến tòa nhà thành “sự hồi sinh của lối kiến trúc gothic”.
Dashwood cho lắp cửa sổ kính màu vẽ các bức tranh của 12 tông đồ trong cảnh “cực kỳ khiếm nhã”. Khu nhà được trang hoàng lộng lẫy, chạm khắc đá, các bức bích họa, danh ngôn, lời răn được đưa vào với quan điểm chung: “hãy làm những gì bạn muốn”.
Phòng hội trường của tu viện đặt bức tượng thần im lặng có ngón tay đặt lên môi, ngụ ý nhắc mọi người đã đặt chân vào đó không được kể lại những gì đã diễn ra sau khi đi ra ngoài.
Tu viện còn có một căn phòng với các bức tường được sơn vẽ mô phỏng các bức tranh khiếm nhã, sát đó là một bộ sưu tập lớn những cuốn sách khiêu dâm. Khu vườn bên ngoài tòa nhà có nhiều ngôi miếu nhỏ kiểu Hy Lạp cùng hàng trăm tượng cô gái, nữ thần bằng cẩm thạch.
Tối tối, những con thuyền trên sông Thames đưa các “thầy tu” tới tu viện. Họ mặc áo choàng trắng, mũ trùm đầu lót lụa đỏ, tay cầm đuốc. Nhiều người gặp các thầy tu ngỡ mình gặp các hồn ma.
Bên trong tu viện diễn ra các buổi hành lễ, nghi thức tôn giáo. Các hoạt động của nhóm gồm trò trụy lạc, trác táng, các trò ma thuật và thờ cúng quỷ Satan.
Họa sĩ William Hogarth là thành viên của câu lạc bộ đã tạo nên một bức tranh vẽ Sir Francis đang cầu nguyện, mặc theo kiểu thầy tu Francis, đang quỳ gối trước một nữ thần khỏa thân. “Điều mà ai cũng biết là các thành viên của Hellfire hưởng thụ các khoái lạc tình dục, thông thường là với gái mại dâm mặc dù hầu hết đã có vợ. Những cô gái mại dâm được ăn mặc như những nữ tu sĩ và các trò tiêu khiển này chỉ đơn thuần là khoái lạc tình dục trần tục”, trích sách Những hội kín tàn bạo nhất lịch sử.
Mỗi thành viên câu lạc bộ chọn lấy một gái mại dâm cho mình. Sau đó từng đôi một đi về buồng riêng. Họ cũng có thể ở lại ngay trong phòng Roman, nơi có thể nhòm trộm những đôi khác qua lỗ khóa như John Cleland minh họa trong cuốn tiểu thuyết khiêu dâm Fanny Hill được viết năm 1749.
Số lượng thành viên của câu lạc bộ tăng lên nhanh những năm 1750. Dashwood chia nhỏ các thành viên câu lạc bộ thành hai nhóm: nhóm bề trên gồm 12 tông đồ và Sir Francis Dashwood, nhóm thứ hai là nhóm bề tôi gồm 40 đến 50 thành viên.
Nhóm Hellfire còn thực hành nhiều nghi lễ kỳ dị, ma quái. Khi có một thành viên mới gia nhập, họ phải trải qua lễ nhập môn. Nửa đêm, ứng viên mặc áo màu trắng rộng, một mình đi đến lối vào nhà nguyện và gõ lên cánh cửa. Cánh cửa mở ra, anh ta phủ phục sát đất, rồi tiến đến bàn thờ và quỳ xuống. Các tông đồ ngồi trên ghế chạm trổ, Sir Francis trong bộ áo thầy tu cử hành buổi lễ. Thành viên mới bắt buộc phải từ bỏ niềm tin cũ của mình, rồi sau đó phải nhắc lại theo lời của Dashwood tín ngưỡng và các nội quy của câu lạc bộ.
Các thành viên trong nhóm 12 tông đồ thường là các chính trị gia cao cấp nhất. Cấp phó của Dashwood là bá tước Sandwich, người trở thành Đô đốc hải quân hoàng gia Anh năm 1784. Tiếp đến là bá tước đảo Bute - bạn thân của vua George III. Năm 1762, ông đã trở thành thủ tướng, một người có nhiều quyền lực nhất ở nước Anh.
Các thành viên khác trong số 12 tông đồ gồm: Thomas Potter - con trai của tổng giám mục Canterbury - sau này lên làm chức thứ trưởng bộ tài chính; nhà thơ Chales Churchill; nhà văn Laurence Sterne; quan chức cao cấp Melcombe và chính trị gia George Selwyn.
Họa sĩ William Hogarth thỉnh thoảng có mặt trong những cuộc họp của Hellfire để vẽ phác họa những thành viên tham dự, bản vẽ phác thảo sau đó đã xuất hiện trong một vài chùm tranh của nghệ sĩ này.
Thành viên của Hellfire có địa vị cao nên câu lạc bộ này có sức ảnh hưởng lớn với các cấp lãnh đạo. Nhưng trong tổ chức này có một người nhận ra câu lạc bộ có hoạt động “như một trò hề”. John Wilkes quay ra triệt phá câu lạc bộ.
Về già, Sir Francis Dashwood sống lặng lẽ ở quê nhà. Sir Francis chết ngày 11/12/1781. Sự ra đi của ông cũng là sự kết thúc của một hội kín kỳ lạ nhất trong những hội kín, đó là một nhóm người có uy tín, giàu có, thượng đẳng, nhưng có chung niềm đam mê trụy lạc, ma thuật.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.