Theo Daily Star, hố đen mới được phát hiện cách Trái Đất 1.000 năm ánh sáng và thực sự phần nào có thể nhìn thấy bằng mắt thường được đặt tên là HR-6819.
Lỗ đen này là một phần của nhóm vật thể quỹ đạo bao gồm hai ngôi sao. Các ngôi sao đang quay quanh những gì trông giống như một khoảng trống trong không gian. Nhưng ở trung tâm của khoảng trống đó ẩn giấu một lỗ đen. Lỗ đen này có khối lượng nặng gấp 4 lần Mặt trời.
Thực tế, trong đêm tối quang mây, người ở tại Bán cầu Nam có thể nhìn thấy hệ thống HR 6819 rõ ràng mà không cần ống nhòm hoặc kính viễn vọng.
“Chúng tôi thực sự kinh ngạc khi nhận ra đây là hệ thống sao đầu tiên có hố đen có thể nhìn thấy bằng mắt thường”, ông Petr Hadrava - nhà khoa học tại Viện Hàn lâm Khoa học Cộng hòa Séc đồng thời là một trong những tác giả của nghiên cứu – cho biết.
“Hệ thống sao này chứa hố đen có khoảng cách gần nhất với Trái Đất từ trước đến nay”, Thomas Rivinius, một nhà thiên văn học tại Đài thiên văn Nam châu Âu ở Santiago, Chile chia sẻ.
Theo ông Thomas Rivinius, một nhóm các nhà thiên văn học nhận thấy hành vi kỳ lạ của hai ngôi sao nhờ Kính viễn vọng chòm sao năm 2004. Tuy nhiên, trước khi nhóm nghiên cứu phát hiện ra lỗ đen, một trong những nhà thiên văn bất ngờ thiệt mạng trong một vụ tai nạn xe hơi và toàn bộ dự án này bị lãng quên cho đến nay mới được khôi phục.
Các nhà khoa học tin rằng có thể phát hiện rất nhiều hố đen tương tự trong tương lai.
Lỗ đen là một trong những vật thể kỳ lạ nhất trong vũ trụ. Các nhà khoa học ước tính, có khoảng 100 triệu lỗ đen nhỏ trong vũ trụ và chúng ta mới chỉ tìm thấy ít hơn 100 lỗ đen trong số này.
Phần lớn các hố đen đã được phát hiện tương tác rất mạnh với môi trường xung quanh và giải phóng các tia X trong quá trình tương tác. Khác với các hố đen trước, HR 6819 hoạt động âm thầm và không giải phóng tia X.
Minh Nhật (Daily Star)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.