'Bí kíp võ công' cao minh của Lý Tiểu Long mà chính ông cũng chưa thể đạt tới

Chủ nhật, ngày 03/05/2020 18:30 PM (GMT+7)
Lý Tiểu Long là huyền thoại của võ thuật thế giới, không chỉ là một võ sĩ thông thường mà ông đã đạt đến đẳng cấp của một 'đại tông sư' võ học.
Bình luận 0

Những kinh nghiệm đó được đúc kết trong cuốn sách "Chinese Gung-Fu: The Philosophical Art of Self Defense", ở đó ghi lại những quan điểm về tinh thần võ học cũng như quan điểm của Lý Tiểu Long, miêu tả phong cách công phu của ông dựa vào Vịnh Xuân Quyền và sau đó là tự mình phát triển ra 'môn võ' mang tên "Triệt Quyền Đạo".

Triệt Quyền Đạo, thực ra không chỉ gói gọn là một môn võ, đó là triết lý võ thuật. Cuốn sách của Lý Tiểu Long viết dù chi tiết, nhưng thực chất chỉ xoay quanh một vài quan điểm mà ông từng nói bằng lời.

img

Lý Tiểu Long lập ra Triệt Quyền Đạo. Ảnh: Internet

1. "Tôi không sáng tạo ra một thể loại mới, hay tổng hợp, thay đổi bất cứ điều gì từ Kungfu Trung Quốc để tạo ra Triệt Quyền Đạo. Ngược lại, tôi muốn những người theo học môn võ này học cách quên đi những thứ gọi là chiêu võ, khuôn mẫu. Hãy nhớ rằng Triệt Quyền Đạo chỉ là một cái tên, và đôi khi không cần quá chú tâm đến một cái tên để quên đi những bản chất bên trong của nó."

Một câu nói của Lý Tiểu Long thể hiện sự cao minh về võ học cũng như cách nhìn nhận về võ của ông vượt trên tầm các võ sư đương thời (và cả thời nay), khi mà nó đã đạt đến tầm triết học. Võ kungfu Trung Quốc chịu ảnh hưởng của Đạo gia với tác phẩm kinh điển Đạo Đức Kinh, ngay câu đầu của tác phẩm này có viết: "Đạo khả đạo, phi thường đạo dã; Danh khả danh, phi thường danh dã" (Đạo có thể nói ra, không còn là đạo vĩnh cửu, Cái tên có thể gọi, không phải là cái tên bất biến). Và Lý Tiểu Long nhấn mạnh 'Triệt Quyền Đạo' chỉ là cái tên ông đặt tạm.

img

Triệt Quyền Đạo của Lý Tiểu Long ẩn chứ triết lý thâm sâu. Ảnh: Internet

Có thể Lý Tiểu Long chưa từng đọc Đạo Đức Kinh, nhưng những điều ông tìm ra về võ thuật hoàn toàn phù hợp với những điều có trong tác phẩm của Đạo giáo.

2. "Học theo những nguyên tắc, tuân thủ những nguyên tắc và rồi quên đi chúng. Trong thời gian ngắn, hãy học theo những hình mẫu nhưng đừng để mình bị rập khuôn theo những điều đó. Đừng để bị trói buộc từ những nguyên tắc cứng nhắc. Học, luyện tập và thành công."

3. "Cảnh giới cao nhất trong võ thuật là lấy vô chiêu thắng hữu chiêu. Không có chiêu thức chính là chiêu thức tối thượng. Đòn của tôi đánh ra, chính là kết quả từ đòn của đối thủ. Mỗi một bước đi, một sự chuyển động của tôi, đều là vì những hành động trước đó của đối thủ."

Người là vật thể sống, chiêu số võ thuật là chết, vậy mà nhiều người học võ kể từ khi nhập môn lại lấy chiêu số làm trọng và bỏ đi cái lẽ tự nhiên của bản thân, bó buộc vào các chiêu thức và nguyên tắc cứng nhắc. Bởi vậy, Lý Tiểu Long mới muốn người học Tiệt Quyền Đạo của ông không coi đây là một môn võ và bị gói gọn bởi môn võ ấy. Đồng thời, Lý Tiêu Long nói rằng Triệt Quyền Đạo của ông không có chiêu thức, mà chiêu thức của ông chính là kết quả từ hành động của đối thủ.

img

Lý Tiểu Long là bậc thầy trong lòng các hậu bối. Ảnh: Internet

Đạo Đức Kinh cũng viết "bậc thánh nhân đi sau mà đến trước, ngắn dài nương tựa vào nhau, xấu đẹp làm rõ lẫn nhau, trước và sau theo nhau". Lý Tiểu Long hiểu rằng, chiêu thức của mình là dùng để đối lại với hành động của đối thủ, phải dựa vào đó mà tung chiêu chứ không phải dựa vào những chiêu số võ thuật 'chết' theo bài bản cứng nhắc được vạch sẵn.

4. "Lấy không thể làm có thể, lấy vô hạn làm hữu hạn, đó là cảnh giới cao nhất của võ thuật. Khi biết chiếc cốc mình rỗng thì hãy đổ đầy."

Đạo Đức Kinh cũng viết: "Đạo của trời là lấy chỗ thừa bù vào chỗ thiếu, bởi vậy hư có thể thắng thực, không đủ có thể thắng được có thừa". Cái cảnh giới võ thuật cao nhất Lý Tiểu Long đề cập rốt cuộc là 'lấy vô chiêu thắng hữu chiêu' hay 'lấy không thể làm có thể, lấy vô hạn làm hữu hạn'? Thực ra hai quan điểm này tuy có vẻ khác nhau nhưng thực chất lại bổ sung cho nhau.

Chẳng hạn, một người học được 3 - 4 môn võ và có thể thực hiện thuần thục từng chiêu thức của các môn võ ấy, thì có thể coi là người đó có số lượng chiêu thức nhiều. Nhưng với Lý Tiểu Long, số lượng là vô hạn hay hữu hạn là tùy thuộc người sử dụng chiêu thức, dù chỉ nắm bắt 'hữu hạn' một vài chiêu thức, nhưng biết cách dùng 'vô chiêu thắng hữu chiêu' thì cái 'hữu hạn' ấy đã hóa 'vô hạn'.

img

Triết lý võ học của Lý Tiểu Long phản đối sự bó buộc. Ảnh: Getty

5. "Nước không thể gói lại, cũng như tư duy của chúng ta không thể bỏ vào trong một cái lọ."

Một câu nói nữa của Lý Tiểu Long trở về nguồn cội của Kungfu Trung Quốc. Đạo Đức Kinh viết: "Nước là khéo nhất, nước đem lại lợi ích cho muôn vật mà lại không tranh giành, len lỏi có mặt ở mọi nơi mà không bị bó buộc." Rốt cuộc, Lý Tiểu Long vẫn hướng người học võ đến việc quên đi những nguyên tắc chiêu thức của một môn võ.

Tuy nhiên, dù nhận ra được điều này, nhưng chính lý Tiểu Long cũng chưa đạt đến cảnh giới 'vô chiêu thắng hữu chiêu' hay quên đi những điều mình đã được học. Ông mới chỉ làm được bước đầu tiên "Học theo những nguyên tắc, tuân thủ những nguyên tắc... Trong thời gian ngắn, hãy học theo những hình mẫu". Lý Tiểu Long đã học hỏi những chiêu thức của Vịnh Xuân, Karate, boxing, đấu kiếm,... nhưng để quên đi và biến 'hữu chiêu' thành 'vô chiêu' một cách thuần thục thì cần một thời gian dài, tiếc rằng Lý Tiểu Long lại yểu mệnh trước khi đạt được cảnh giới mà ông đã đặt ra.

PV (Tạp chí Người Đưa Tin)
Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem