Máy bay không người lái Predator của Mỹ được trang bị tên lửa đậu tại căn cứ quân sự Kandahar.
Cụ thể, các tài liệu quân sự mật về chương trình máy bay không người lái của Mỹ được chuyển cho The Intercept – một trang web báo chí điều tra bởi một nguồn tin quân sự Mỹ giấu tên. Theo The Intercept, nguồn tin là người hoạt động trong cộng đồng tình báo, buộc phải giấu tên để tránh bị chính quyền Mỹ truy tố.
Giải thích cho hành động của mình, người này nhấn mạnh, ông cho rằng, công chúng có quyền được biết về quá trình “một người nào đó bị liệt vào danh sách tiêu diệt và cuối cùng bị ám sát theo lệnh của các quan chức cấp cao trong chính phủ Mỹ".
Theo đó, các tài liệu tiết lộ, phần lớn các nạn nhân bị chết oan bởi máy bay không người lái Mỹ (UAV) đều là dân thường ở Yemen, Afghanistan và Somalia.
Chương trình máy bay không người lái vốn là “xương sống” trong chiến lược chống khủng bố của chính quyền Tổng thống Barack Obama.
Tuy nhiên, các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ, dựa trên những thông tin tình báo sai lầm, không đáng tin cậy đã giết hại vô số dân thường ở Yemen, Afghanistan và Somalia. Các tài liệu vừa bị rò rỉ chỉ tiết lộ về những sự cố xảy ra trong giai đoạn 2011-2013.
Các nạn nhân bị xem là “những mục tiêu bị tiêu diệt” mặc dù Washington không hề có bằng chứng vững chắc chứng tỏ họ là “kẻ thù” đối với nước Mỹ.
Chẳng hạn, tiết lộ chi tiết về chiến dịch tìm diệt đặc biệt của Mỹ tại vùng đông bắc Afghanistan mang tên “Operation Haymaker” cho thấy, từ tháng 1.2012 đến tháng 2.2013, các máy bay không người lái đã giết hại hơn 200 người trong đó, chỉ có 35 người là mục tiêu đã bị nhắm trước.
Trong suốt 5 tháng diễn ra chiến dịch, gần 90% các nạn nhân bị máy bay không người lái tiêu diệt không phải là mục tiêu đã được định trước.
Một máy bay không người lái Reaper chuẩn bị cất cánh tại căn cứ quân sự ở Nevada, Mỹ.
Tại Yemen và Somalia – khu vực Mỹ gặp nhiều hạn chế trong việc thu thập thông tin tình báo, giới chức trách ở Washington chịu trách nhiệm về chương trình bay không người lái thường không thể xác định được danh tính các nạn nhân bị giết hại.
“Bất cứ ai bị nhắm mục tiêu đều bị xem là có tội. Cuộc tấn công bằng máy bay không người lái thường giết hại hơn một người và không có gì đảm bảo, các nạn nhân đáng bị tiêu diệt”, nguồn tin tiết lộ.
Theo nguồn tin trên, các nhân viên tình báo Mỹ xem qua các danh sách theo dõi của chính phủ hoặc các cơ quan quân sự khác để bắt đầu giám sát mục tiêu tiềm năng. Sau đó, danh sách những mục tiêu bị tiêu diệt được lập ra dù thông tin về họ cực kỳ sơ sài. Ghi chép về mục tiêu thậm chí chỉ tương đương với “một chiếc thẻ bóng chày”.
Ngoài ra, quá trình xác định để đưa một người vào danh sách "mục tiêu bị tiêu diệt" cũng bị cho là cực kỳ mơ hồ. Bản danh sách tiêu diệt được trình tổng thống Mỹ phê chuẩn và sau đó, các máy bay không người lái bắt đầu xuất kích.
Thậm chí, khi máy bay không người lái giết nhầm người vô tội, nạn nhân vẫn bị gán mác là “mục tiêu bị tiêu diệt trong chiến dịch” – một cách để che đậy sai lầm.
Nạn nhân sẽ chỉ có thể được “giải oan” nếu xuất hiện bằng chứng đủ mạnh chứng minh họ không phải là “kẻ thù” của nước Mỹ. Tuy nhiên, những bằng chứng như vậy thường không bao giờ xuất hiện, hoặc luôn bị bỏ qua.
Nguồn tin cũng tiết lộ, các báo cáo của chính phủ Mỹ về con số thương vong dân sự bởi các cuộc không kích bằng máy bay không người lái là không đúng sự thật, thậm chí là hoàn toàn dối trá.
Tổ chức Ân xá Quốc tế đã kêu gọi Quốc hội Mỹ phải khởi động một "cuộc điều tra độc lập ngay lập tức" vào chương trình máy bay không người lái của chính quyền Tổng thống Obama ở nước ngoài.
"Những tài liệu vừa bị rò rỉ đã làm dấy lên những quan ngại nghiêm trọng về việc Mỹ đã vi phạm luật pháp quốc tế, bao gồm cả việc gán tội cho các nạn nhân bị giết oan là “phần tử khủng bố” để che đậy những vụ giết nhầm của họ", ông Naureen Shah, một quan chức cấp cao của Tổ chức Ân xá Quốc tế nhấn mạnh.
Theo The Intercept, hiện Lầu Năm Góc, Nhà Trắng và Bộ Tư lệnh Các hoạt động đặc biệt hiện từ chối bình luận về tài liệu mật trên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.