Hơn 4 thập kỷ diễn ra cuộc Chiến tranh Lạnh (1946 - 1989) giữa hai siêu cường Mỹ và Liên Xô, xét dưới góc độ tiến bộ khoa học, nhân loại được chứng kiến những màn "thay da đổi thịt" ngoạn mục chưa từng có trong lĩnh vực hàng không, vũ trụ, tên lửa.
Nếu như người Đức gián tiếp có công khơi gợi ý tưởng về vũ khí hạt nhân và tên lửa đẩy1 trong những thập niên 1940 thì người Mỹ và người Liên Xô nhanh chóng hiện thực hóa những thứ công nghệ đó và làm thay đổi lịch sử nhân loại mãi mãi.
Lịch sử nhân loại nói chung và lịch sử Liên Xô nói riêng mãi mãi biết ơn nhà khoa học lý thuyết Коnstаntin Eduаrdоvich Tsiolkovsky (1857 – 1935) - cha đẻ của ngành du hành vũ trụ hiện đại. Nhờ có ông và niềm tin về việc "chinh phục vũ trụ sẽ làm biến đổi sâu sắc bộ mặt của cuộc sống loài người" mà nhân loại chúng ta đã bước sang nhiều cột mốc khó quên.
Chiến tranh Lạnh xảy ra tựa như bước đệm để những cuộc so găng, đấu trí giữa Mỹ-Xô mang đến cho loài người những thành tựu, mà nếu không có chúng, ước mơ ngàn đời thoát khỏi lực hút Trái Đất để sải cánh ngoài vũ trụ có lẽ mãi mãi chỉ là hư không.
Vậy đâu là những cú hích vũ trụ gây chấn động toàn thế giới mà Liên Xô và Mỹ đạt được trong những năm tháng đối đầu nhau?
SPUTNIK 1: Cú đòn đau giáng mạnh xuống Mỹ.
Ngay từ những năm 1930, Liên Xô đã triển khai Chương trình Vũ trụ Liên Xô nhằm thám hiểm không gian và phát triển tên lửa vũ trụ.
Sau thành công của vụ phóng thử tên lửa R-7 Semyorka (tên lửa đạn đạo liên lục địa đầu tiên trên thế giới) ngày 21/8/1957, tổng công trình sư Sergei Korolev2 (1907–1966) vốn say mê với ý tưởng du hành không gian bằng tên lửa đã cho nâng cấp R-7 thành tên lửa vũ trụ.
Song song với quá trình nâng cấp R-7, Sergei Korolev cho đội thiết kế của mình ngày đêm chế tạo vệ tinh nhân tạo - lĩnh vực mà Mỹ cho rằng không muốn tốn quá nhiều tiền để đầu tư.
Hình ảnh mang tính minh họa.
Khi nhìn được tương lai vượt mặt Mỹ trong lĩnh vực phóng vệ tinh nhân tạo đầu tiên của thế giới lên quỹ đạo Trái Đất, nhóm của tổng công trình sư Sergei Korolev làm việc rất khẩn trương. Chưa đầy một tháng sau, Sputnik 1 ra đời. Khi đó, tên lửa R-7 phiên bản sửa đổi và nâng cấp cũng hoàn thành.
Cuối cùng ngày 4/10/1957 lịch sử cũng đến. Liên Xô dùng R-7 để đưa Sputnik 1 bay thẳng vào quỹ đạo Trái Đất. Sputnik 1 thành công mỹ mãn ngay sau lần phóng đầu tiên, mở ra Kỷ nguyên Vũ trụ cho loài người, đồng thời khiến Mỹ "giật mình" nhìn nhận lại cuộc đua không gian với Liên Xô.
SPUTNIK 2: Bước đột phá của "bậc thầy" tên lửa Liên Xô.
Sputnik 1 giáng một cú đòn mạnh lên Mỹ. Một nước Mỹ đang ngày đêm chế tạo vũ khí hủy diệt (vũ khí nguyên tử - lĩnh vực mà Liên Xô cũng mạnh không kém) buộc phải nghiêm túc suy nghĩ về cuộc đối đầu mới mang tầm vũ trụ với Liên Xô.
Sputnik 1 cũng gây chấn động toàn thế giới. Lãnh đạo Liên Xô thời bấy giờ là Khrushchev rất hài lòng với kết quả này. Tuy nhiên, ông vẫn muốn vượt xa Mỹ hơn nữa.
Kết quả, Sputnik 2 ra đời sau khi Sputnik 1 hoàn thành sứ mệnh quay quanh Trái Đất trong 3 tháng và cung cấp cho giới khoa học Liên Xô những thông tin vô cùng quý giá về khí quyển và tầng điện ly của Trái Đất. Về sau, Sputnik 1 bốc cháy ngoài vùng khí quyển Trái Đất ngày 4/1/1958.
Tổng công trình sư Sergei Korolev. Ảnh chụp năm 1961. Nguồn: RIA Novosti
Dưới khối óc của Sergei Korolev, Sputnik 2 hoàn thành sau 4 tuần. Nó nặng hơn nửa tấn, gấp Sputnik 1 sáu lần và mang trong mình sứ mệnh đột phá: Chở động vật theo. Và Laika chính là chú chó phi hành gia bay cùng tàu vũ trụ Sputnik thế hệ thứ hai này.
Ngày 3/11/1957, chưa đầy một tháng sau khi phóng Sputnik 1, Sputnik 2 tiếp tục được Liên Xô phóng thành công lên quỹ đạo Trái Đất. Vì không được thiết kế để trở về Trái Đất, cả Sputnik 2 và Laika đều lên đường thực hiện sứ mệnh cảm tử. Cả hai đã cùng hoàn thành nhiệm vụ bay vòng quanh Trái Đất trong 103 phút ở độ cao hơn 3.000 km.
EXPLORER 1: Cú đáp trả yếu ớt của người Mỹ.
Liên tiếp hứng chịu 2 cú hích vũ trụ từ địch thủ Liên Xô (là Sputnik 1 và Sputnik 2), Bộ Quốc phòng Mỹ như ngồi trên đống than.
Sau thất bại mang tên Vanguard - vệ tinh nhân tạo trên lý thuyết, chưa kịp được chế tạo đã bị Sputnik 1 của Liên Xô vượt mặt - Bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra chiến lược phát triển vệ tinh thế hệ mới mang tên Explorer 1.
Ngày 31/1/1958, cuộc so găng đảo chiều khi Mỹ phóng thành công Explorer 1. Nhờ thành tựu khá ấn tượng mà Explorer 1 mang lại - đó là phát hiện Vành đai bức xạ Van Allen ở vùng không gian ngoài Trái Đất (khu vực tập trung mật độ cao các hạt điện tử, proton từ Mặt Trời) - Mỹ lấy lại niềm tin trong cuộc đua không gian với Liên Xô.
Washington nhanh chóng thành lập NASA - Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ - hướng đến tương lai "cải tổ" hoàn toàn chương trình không gian Mỹ. Về sau, cuộc đổ bộ lần đầu tiên của con người lên Mặt Trăng do NASA thực hiện thành công mới phần nào lấy lại thế cân bằng trong cuộc chơi của "kẻ tám lạng, người nửa cân" này.
"Ngày 12/4/1961" Nhân loại bước sang trang mới khó quên.
Sứ mệnh bay lịch sử của Laika và Sputnik 2 năm 1957 đã mở đường cho những sứ mệnh không gian về sau do Liên Xô nói riêng và thế giới nói chung thực hiện.
Laika chết nhưng cái chết của chú chó 3 tuổi không hề vô ích. Bởi, nhờ Laika, giới khoa học Liên Xô đã có những nghiên cứu bước đầu về các phản ứng của sinh vật sống trong quá trình phóng tàu và trong môi trường không gian.
Hay nói cách khác, Laika đã mở ra cho lịch sử vũ trụ Liên Xô cột mốc huy hoàng mang tên "Ngày 12/4/1961".
Hẳn nhiên, đó là ngày phi hành gia Yuri Gagarin lần đầu tiên cùng con tàu vũ trụ Phương Đông 1 (Vostok 1) thoát khỏi lực hút của Trái Đất, sải cánh rộng lớn ngoài không gian, thỏa mãn ước mơ ngàn đời của nhân loại.
Anh hùng Liên Xô Yuri Gagarin. Bức ảnh chụp tháng 7/1961 tại London (Anh). Nguồn: Getty Images
Đó là ngày mà mãi mãi về sau, lịch sử không bao giờ ngừng nhớ và ngừng nói đến. Yuri Gagarin, người đầu tiên trong lịch sử du hành vũ trụ. 26 năm sau ngày "cha đẻ ngành du hành vũ trụ hiện đại" Коnstаntin Eduаrdоvich Tsiolkovsky mất, thế hệ "hậu sinh" của ông đã hiện thực hóa niềm tin ông ấp ủ khi còn sống.
Sau thành công của Vostok 1, Liên Xô lại dẫn đầu trong Cuộc đua không gian. Nhưng chiến thắng này cũng không kéo dài được lâu...
Apollo 11: Thỏa nguyện ước mơ thuở John F. Kennedy còn sống
"Nước Mỹ phải đặt chân bằng được lên Mặt Trăng. Trước khi thập kỷ này kết thúc, ta sẽ đưa người lên Mặt Trăng rồi trở về Trái Đất an toàn." - đó là tham vọng mà Tổng thống Mỹ đương thời John F. Kennedy (1917-1963) đặt ra trong bối cảnh Liên Xô đã quá thành công trong việc phát triển vệ tinh nhân tạo và cho người bay ra vũ trụ.
Đáp ứng lời hiệu triệu của Tổng thống John F. Kennedy vào đầu thập niên 1960, NASA ráo riết triển khai chương trình vũ trụ mang tên Apollo - thực hiện sứ mệnh đưa người đổ bộ Mặt Trăng và trở về Trái Đất an toàn.
Sau hàng loạt các chuyến bay tiền đề của Apollo 1, Apollo 7, 8,9,10 từ năm 1967 đến 1969, cuối cùng thì phi hành đoàn Apollo 11 cũng thực hiện được ước nguyện của Tổng thống John F. Kennedy lúc còn sống: Đặt những bước chân đầu tiên của con người lên Mặt Trăng.
Ba phi hành gia Neil Arsmtrong, Buzz Aldrin và Michael Collins trên phi thuyển Apollo 11 đã tạo nên dấu mốc chói lọi trong lịch sử hàng không Mỹ ngày 20/7/1969. Thành tích vô tiền khoáng hậu này đỉnh cao tới mức, người Mỹ đã có thể ngẩng cao đầu bước cùng Liên Xô trong cuộc đua tầm vũ trụ, thể hiện bản lĩnh và tự hào dân tộc cực lớn thời Chiến tranh Lạnh.
Cách Trái Đất 384.403 km, Mặt Trăng là vệ tinh tự nhiên duy nhất và lớn nhất của hành tinh chúng ta. Tính cho đến nay, Mặt Trăng là thiên thể duy nhất ngoài Trái Đất mà con người đã đặt chân tới.
Sau thành tích đưa người lên Mặt Trăng, NASA tiếp tục với các sứ mệnh thăm dò sao Hỏa. Nguồn: NASA
Cái hay của cả Mỹ và Liên Xô trong cuộc đua vũ trụ thời Chiến tranh Lạnh chính là việc cả hai đều không muốn dẫm lên thành công mà địch thủ từng tạo dựng. Nghĩa là sao? Khi Liên Xô cho người bay ra ngoài vũ trụ, Mỹ chuyển hướng để thực hiện tham vọng lớn hơn là: Cho người đổ bộ Mặt Trăng.
Với một Liên Xô đã chế tạo tàu vũ trụ đi thăm dò sao Hỏa và sao Kim (đơn cử Mars 1 thăm dò sao Hỏa, Venera 6 và 7 thăm dò sao Kim) thì Mặt Trăng chắc chắn từng là đích đến mà nước này có ý định chinh phục. Tuy nhiên, khi chứng kiến thành công của Apollo 11 của NASA, Liên Xô chuyển hướng: Tập trung thiết kế và chế tạo trạm không gian - ngôi nhà ngoài vũ trụ cho các phi hành gia làm việc, nghiên cứu.
Nhờ tư duy không ngừng cải tiến và đột phá con đường mới mà cả Mỹ và Liên Xô đều "cống hiến" cho nhân loại những thành tựu vũ trụ đáng nể. Ngày 19/4/1971, Liên Xô phóng Salyut 1, trạm không gian đầu tiên trong lịch sử nhân loại.
14 năm so găng căng thẳng nhất trong cuộc đua công nghệ vũ trụ (tính từ năm 1957 đến năm 1971) giữa Mỹ và Liên Xô tạm lắng theo cơn dịu của cuộc Chiến tranh Lạnh. Cuộc đua thể hiện bản lĩnh và niềm tự hào dân tộc của Mỹ-Xô thời Chiến tranh Lạnh khép lại, và mở ra những hợp tác khoa học giữa 2 quốc gia cựu thù.
Đó là lý do, Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) - minh chứng của những hợp tác khoa học vũ trụ đầu tiên giữa Nga và Mỹ - ra đời và hoạt động tích cực cho đến tận ngày nay.
Chú thích:
(1) Tên lửa đẩy còn gọi là tên lửa vũ trụ.
(2) Sergey Korolyov hoặc Sergei Korolev, là một nhà khoa học, kỹ sư và nhà thiết kế tên lửa hàng đầu của Liên Xô trong cuộc chạy đua vào không gian với Mỹ thập niên 1950 và 1960.
PV (Helino)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.