Ngay từ khi bắt đầu "chơi" trọng tài, nếu bạn xác định là vì cơm áo gạo tiền, bạn sẽ từ bỏ ý định ấy ngay từ vòng gửi xe. Tôi nhớ từ cái thuở còn chinh chiến ở các giải trẻ, một năm làm được vài ba giải trên dưới 10 trận đấu với mức thu nhập khoảng 400.000-500.000 đồng/trận. Vậy mà vẫn háo hức xách ba lô lên và đi.
Và mỗi lần đi làm lại ca bài ca con cá: "Mẹ ơi, cho tiền con đi làm trọng tài!". Bố khi ấy còn sống tức giận ra mặt, còn mẹ thì bảo: "Tiền mày đi làm đâu?".
Mẹ nói vậy chứ chẳng cần mình phải trả lời, vì mẹ hiểu. Năm 2010, tốt nghiệp Project Future, cũng là một trong năm trọng tài trẻ khóa 2008 xuất sắc nhất châu Á. Lên hạng nhất, thu nhập cũng khá hơn chút nhưng vì là "lính mới", trình độ còn nhiều hạn chế nên cũng chỉ được phân công làm ít trận.
Năm 2012 thật sự là một cuộc cách mạng về tiền lương cho anh em trọng tài. Khi ấy tôi cũng đã làm V.League. Điều đó cũng khiến cho anh em yên tâm với công việc trọng tài hơn. Nhưng kèm theo đó là áp lực công việc, từ dư luận, từ đội bóng, khán giả, báo chí...
Trọng tài Đinh Văn Dũng đã quyết định tự treo còi. Ảnh: XUÂN HUY
Năm 2013, 2014, 2015 may mắn được các thầy, các đồng nghiệp ủng hộ, đăng ký trọng tài FIFA cho mình. Nói thẳng ra là chuyên môn mình không thể bằng các anh em đi trước nhưng được cái là trẻ và ngoại ngữ tốt nên cũng cố gắng phấn đấu để xứng đáng với niềm tin của anh em đồng nghiệp, của các thầy...
Kể từ đó cũng được AFC và FIFA mời đi làm một số trận ở các giải đấu như East Asian Games, AFC Cup, AFC Champion League, U16, U19 châu Á hay vòng loại World Cup.
Lên rồi nhưng cũng từ đó mà bắt đầu cảm thấy "khó thở".
Cuối năm 2014 làm trọng tài trận Việt Nam - Sinh viên Hàn Quốc, lần đầu tiên Việt Nam vượt qua Sinh viên Hàn Quốc với tỉ số 3-0. Nhưng rồi người ta bảo trọng tài "có màu", trọng tài "làm độ", cứ tuyển Việt Nam phạm lỗi thì đè ra phạt thẻ. Họ nói thế nhưng thật sự thì trận đấu có một thẻ vàng duy nhất cho số 5 của Sinh viên Hàn Quốc khi phạm lỗi với Mạc Hồng Quân. Kết quả là "treo còi" sáu tháng. V.League 2015 làm khán giả hết lượt đi.
Sang giải U21 quốc tế báo Thanh Niên năm 2015 trận tranh hạng ba, làm trọng tài thứ tư cho thay người khi hai đội chuẩn bị đá luân lưu. Trước đó mình có tranh cãi với HLV Singapore là không được phép thay người khi thời gian thi đấu đã hết và chuẩn bị đá luân lưu. Trong khi ở trong mình cãi bằng luật thì ở ngoài trọng tài chính đồng ý cho thay. Thế là V.League 2016 cũng ngồi chơi xơi nước hết lượt đi...
Lượt về V.League 2016 làm trọng tài thứ tư trận Khánh Hòa - QNK Quảng Nam, trọng tài chính hủy bàn thắng hợp lệ của Khánh Hòa, mình vừa lên tiếng thì bị "dằn" lại là "có văn bản của FIFA". Thú thật là hai năm nghỉ hai cái lượt đi thì làm gì mà biết có cái văn bản đó hay không. Thế nên thôi "nín". Và rồi người anh phải hứng búa rìu của dư luận.
Cầu thủ cũng giống như trọng tài, cần phải thi đấu nhiều, không ai nên khôn mà không dại đôi lần... Trong khu vực họ có những trọng tài FIFA rất trẻ 25 tuổi, thậm chí 27 tuổi đã là trọng tài tiềm năng, là trọng tài Elite của AFC. Nhìn lại trong nước thấy cũng chạnh lòng. Tất cả canh bạc, sự đầu tư đều có rủi ro...
Nhưng khi cảm thấy mình không tiến bộ nữa thì cũng nên dừng lại để chọn cho mình hướng đi phù hợp hơn cho các thế hệ anh em trẻ hơn, tài năng hơn, nhiệt huyết hơn và có chỗ thể hiện mình hơn. Chưa kể có một số "người anh" giờ đã làm với chức vụ cao hơn thể hiện cái tôi và cả sự ganh ghét ra mặt.
Vậy hà cớ gì ta lại gặp nhau nữa?
Chúc tất cả anh em bước vào mùa giải mới 2017 thành công tốt đẹp.
Còn mình, mình treo còi...
Chia sẻ với nỗi niềm của trọng tài FIFA Đinh Văn Dũng, đa phần an ủi anh và khuyên anh nên tìm một công việc mới tốt đẹp hơn và bình yên hơn. Cũng có cựu tuyển thủ khuyên anh rằng bóng đá Việt Nam mà đặc biệt là lĩnh vực trọng tài có những góc khuất, có những bè nhóm và sự thiếu minh bạch ngay từ bộ phận điều hành. Đa số ủng hộ việc dũng cảm của trọng tài Dũng biết tìm cho mình điểm dừng thay vì cứ lao đầu vào chỗ bè nhóm, đấu đá và thậm chí là "bỏ bóng đá người" dù đều là những người làm bóng đá với nhau nhưng lại kèn cựa và hại nhau.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.