Bị sa thải tuổi xế chiều, công nhân U50 trắng đêm vật vã tìm việc mới
Bị sa thải tuổi xế chiều, công nhân U50 trắng đêm vật vã tìm việc mới
Theo Nguyễn Vy (Dân Trí)
Thứ hai, ngày 24/07/2023 08:30 AM (GMT+7)
Mỗi khi công ty có đợt cắt giảm nhân sự, những công nhân U40, U50 luôn nơm nớp lo sợ mình bị gọi tên. Nếu bị sa thải, việc tìm kiếm công việc mới với họ thực sự khốc liệt.
Hơn 21h, con hẻm 58 trên đường số 5 (phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, TPHCM), nơi được mệnh danh là "thủ phủ" nhà trọ công nhân, dần chìm vào yên ắng.
Lúc này, chị Lê Thị Hường (42 tuổi, quê tại Thanh Hóa) mới rũ rượi đeo ba lô về nhà, sau hơn 12 tiếng làm việc mệt mỏi. Lê từng chân bước về căn trọ nằm ở tầng 4 của tòa nhà cũ, chị Hường nói rằng "mệt lắm nhưng cũng quen". Ngó nhìn đứa con trai 10 tuổi sắp vào lớp 5, chị càng nặng lòng hơn khi bản thân bỗng thất nghiệp ở tuổi 42.
Chị Hường từng là công nhân của công ty TNHH PouYuen, nhưng đã bị cho thôi việc vào tháng 5/2023. Trước khi nghỉ việc ở PouYuen, công ty thông báo trước cho chị 1 tuần để chị và đồng nghiệp có thời gian chuẩn bị tâm lý. Thế nhưng, điều đó không làm chị cảm thấy bình tâm hơn một chút nào khi nhận quyết định cho thôi việc.
Bị sa thải ở tuổi 42, chị Hường từng cố xin việc ở 4 công ty nhưng đành lui bước vì tay nghề không đủ chuyên môn, tuổi cũng đã cao nên không thể cạnh tranh với những ứng viên chỉ mới 18, 20 tuổi.
Ngoài ra, do mới nghỉ việc, chị Hường vẫn đang trong quá trình chờ hưởng bảo hiểm thất nghiệp nên các công ty khá e dè tuyển dụng. Làm công nhân tại công ty được hơn 20 năm, chị Hường bộc bạch rằng "không hụt hẫng chính là dối lòng".
"Sống cảnh công nhân mấy chục năm, không dư dả được bao nhiêu bây giờ lại bị sa thải. Công ty có bồi thường cho hơn 180 triệu đồng nhưng số tiền này không dám đụng tới, để đề phòng bất trắc sau này", chị Hường nói.
Sau khi tìm đủ mọi cách vẫn không thể tìm được việc mới, chị phải xin đi rửa chén bát thuê. Tuy vậy, mức thu nhập quá thấp nên chị đành nhận làm phụ việc ở tiệm tóc. Mỗi ngày, cứ 7h sáng chị đến tiệm tóc làm việc rồi chiều qua quán hủ tiếu rửa chén đến tận khuya mới về.
Nữ công nhân cho hay, chị sẽ cố gắng "cày" 2 công việc cùng lúc để có tiền lo cho con đến trường. Sắp tới, chị vẫn thử ứng tuyển vào một số công ty khác vì làm tạp vụ lương thấp, vất vả hơn lúc làm công nhân.
Cơ hội nào cho lao động lớn tuổi bị sa thải?
Sau bị sa thải là chuỗi ngày mất ngủ đối với chị Hường khi chồng làm thợ hồ cũng thất nghiệp theo. Trước đây, thu nhập của vợ chồng chị chỉ hơn 10 triệu đồng/tháng, vừa đủ chăm lo cho đời sống sinh hoạt.
Giờ đây, khi phải làm 2 công việc nhưng thu nhập của chị chỉ khoảng 6 triệu đồng/tháng. Chị phải cố vun vén để không phải mượn nợ ai. Dù xa quê hơn 20 năm để làm việc, chị và chồng, con vẫn còn phải sống cảnh ở trọ trong căn phòng chưa đầy 10m2. Giờ đây đã thất nghiệp, chị càng không dám quay về quê.
"Nhìn thấy cảnh anh chị em trong nhà lo được cho bố mẹ, còn tôi mãi quanh quẩn với cảnh nghèo cũng chạnh lòng. Đêm không ngủ được cứ nhìn lên trần nhà rồi khóc. Bạn bè cùng lứa sống sung túc, đi ô tô, còn tôi về quê ăn Tết còn chẳng dám đến gặp ai", chị Hường nghẹn ngào.
Sống cùng căn trọ với chị Hường, chị Cao Thị Diệu (35 tuổi, quê tại Thanh Hóa) cũng là công nhân của công ty TNHH Pouyuen. Dù chưa bị sa thải, chị Diệu vẫn khá lo lắng khi bị giảm giờ làm. Kể từ khi không còn được tăng ca, mỗi tuần chị chỉ được đến công ty 3-4 ngày. Từ đó, thu nhập hàng tháng cũng giảm gần một nửa.
Gánh nặng kinh tế dần đè lên đôi vai của vợ chồng chị khi 2 con nhỏ đã đến tuổi đi học.
Chị Diệu trải lòng, bản thân không còn quá lo sợ việc sẽ nằm trong danh sách giảm biên chế nữa. Nếu bị sa thải, chị sẽ cùng chồng, con trở về quê nhà.
"Không phải nói về là về được. Xa quê mấy chục năm giờ về tay trắng, người ta lại nói điều không hay. Nhưng, có như thế thì đành chịu, đến đâu hay đến đó", nữ công nhân nghẹn ngào.
Dạo gần đây, do bị giảm giờ làm, chị nhập thêm trái cây để bán trên mạng. Chị Diệu cũng xin làm thêm tại quán hủ tiếu gần nhà sau mỗi ngày tan ca để kiếm thêm tiền.
Ban ngày làm việc ở công ty, tối đến chị lại mở sổ kiểm tra số hàng bán được. Liếc đến trang ghi chú thu chi của tháng, chị Diệu lại thở dài vì tháng này lại thiếu hụt. "Đời công nhân là vậy, khổ lắm. Những công nhân bị sa thải ở thời điểm này đa số đã khá lớn tuổi, vậy nên tìm việc mới thật sự rất khó", chị nói.
Theo ông Trần Thanh Sơn, Trưởng phòng tổ chức nhân sự, Chủ tịch công đoàn Công ty MTV TNHH Mai Song Ngọc, hiện tại nhân sự bị sa thải ở độ tuổi ngoài 30 đang gặp một số trở ngại.
Thứ nhất, khi họ bị sa thải ở công ty cũ và bắt đầu đi làm ở chỗ mới, tay nghề của họ có thể sẽ không phù hợp với đơn vị đó, dù có cùng lĩnh vực.
Thứ hai, công nhân có thể sẽ chán nản, bỏ việc khi mức lương ở nơi làm mới không cao bằng chỗ cũ. Nguyên nhân vì ở công ty cũ họ đã có thâm niên nên mức thu nhập sẽ cao hơn so với ở một công ty mới.
Song, vị trưởng phòng nhận định rằng độ tuổi không phải vấn đề để công nhân lớn tuổi khó quay trở lại thị trường lao động.
"Giải pháp hiện tại chính là công nhân cần trau dồi kỹ năng tay nghề, kỷ luật và sự kiên nhẫn nhiều hơn. Thời điểm hiện tại, các công ty đang rơi vào khủng hoảng kinh tế, họ không có đơn hàng nên mới buộc phải sa thải người lao động.
Do vậy, đến khi kinh tế ổn định, lao động có tay nghề có thể dễ dàng quay trở lại làm việc ở bất cứ đâu", ông Sơn nhận định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.