Khúc mắc trong việc bồi thường hơn 1.000 m2 "đất vàng", người dân khởi kiện chính quyền

Chinh Hoàng Thứ tư, ngày 11/12/2024 08:20 AM (GMT+7)
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, bà Nguyễn Thị Kim Thúy và ông Nguyễn Trọng Khiêm (hai anh em ruột, quân Tân Bình, TP.HCM) cho biết, đã nộp đơn khởi kiện UBND quận Tân Bình đến TAND TP.HCM do không được đền bù thỏa đáng diện tích hơn 1.000 m2 khu nhà đất 680-682-682A đường Trường Chinh, Phường 15, quận Tân Bình.
Bình luận 0

Bị thu hồi hơn 1.000 m2 "đất vàng" 

Bị thu hồi hơn 1.000 m2 "đất vàng", không được bồi thường thỏa đáng, hai anh em ruột khởi kiện  - Ảnh 1.

Khu nhà đất 680-682-682A đường Trường Chinh, Phường 15, quận Tân Bình khi chưa bị cưỡng chế thu hồi. Ảnh: Chinh Hoàng

Theo bà Thúy, nguồn gốc khu đất này, vào năm 1990, do Công ty Taseico kinh doanh thua lỗ nên UBND quận Tân Bình chấp thuận chuyển nhượng trạm xăng dầu cho bà Vũ Thị Tép (là mẹ của bà Thúy và ông Khiêm) với giá 400 triệu đồng để trả nợ ngân hàng.

Ngày 23/6/1990, Phòng Xây dựng phối hợp với Phòng Công nghiệp quận Tân Bình, Công ty Taseico đã lập biên bản bàn giao mặt bằng, văn phòng, nhà kho trạm xăng dầu cho bà Tép.

Từ năm 1990 - 1991, UBND quận Tân Bình lần lượt ban hành các quyết định về việc chuyển nhượng trạm xăng dầu; quyết định cho phép bà Tép sửa chữa, cải tạo nới rộng trạm xăng; quyết định số 1583/QĐ-UB ngày 15/5/1991 để hợp thức hoá việc mua bán nhà cửa trong khu đất nói trên cho bà Tép với diện tích được ghi trong quyết định là 3.029 m2.

Tuy nhiên, bà Thuý cho biết, thực tế lúc đó việc bàn giao khu đất này lại được thực hiện theo bản đồ hiện trạng vị trí số 1528-ĐĐBĐ ngày 12/12/1989 của đoàn đo đạc bản đồ - Ban Quản lý Ruộng đất thuộc UBND TP.HCM lập theo yêu cầu của Công ty Taseico, khu đất có diện tích 7.490 m2. Đó là lý do mà liên tiếp từ năm 2003, quận Tân Bình thu hồi hơn 696 m2 trong tổng diện tích đất nêu trên để mở rộng đường Cộng Hòa, bà Tép được đền bù 100% diện tích bị thu hồi với tổng số tiền hơn 642 triệu đồng.

Năm 2005, quận Tân Bình tiếp tục thu hồi hơn 1.316 m2 để nâng cấp mở rộng đường Trường Chinh (giai đoạn 1) và bồi thường 100% diện tích thu hồi với số tiền gần 1,3 tỷ đồng. Cũng trong năm này, bà Tép chia phần đất còn lại cho các con là ông Nguyễn Trọng Khiêm, bà Nguyễn Thị Kim Thúy.

Năm 2020, để thực hiện dự án tuyến metro số 2, UBND quận Tân Bình tiếp tục ra quyết định thu hồi hơn 1.630 m2 đất tại số 680-682-682A đường Trường Chinh. Lúc này, khu đất thuộc quyền sử dụng các con của bà Tép là ông Khiêm, bà Thúy.

Trong đó, UBND quận Tân Bình thu hồi của bà Thúy hơn 566 m2, nhưng chỉ hơn 50 m2 được bồi thường, còn gần 516 m2 không được bồi thường, hỗ trợ. Ông Khiêm bị thu hồi hơn 1.064 m2, nhưng chỉ có gần 490 m2 được bồi thường, còn hơn 574 m2 không được bồi thường, hỗ trợ.

Trả lời về vấn đề này, UBND quận Tân Bình cho hay, năm 1991 nhà và đất của gia đình bà Tép được UBND quận Tân Bình hợp thức hóa mua bán chuyển dịch nhà cửa theo quyết định số 1583/QĐ-UB ngày 15/5/1991 với diện tích khuôn viên là 3.029 m2, nhưng thực tế sử dụng hơn 6.456,89 m2.

Phần diện tích chênh lệch hơn 3.400 m2 là đất thấp trũng chưa đầu tư xây dựng, nằm trong quy hoạch lộ giới đường Trường Chinh (trước đây là đường Cách Mạng Tháng 8) và đường Cộng Hòa nên không được ghi nhận.

Hai lần thu hồi trước đây với tổng cộng diện tích là hơn 2.000 m2 thuộc đất công trong lộ giới. Phần diện tích còn lại hơn 1.450 m2 chưa thu hồi, giải phóng mặt bằng được tạm sử dụng theo nội dung kết luận của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Đua theo thông báo số 627/TB/VP ngày 30/12/2004.

Trong đó, có nêu nội dung chấp thuận cho bà Tép tạm sử dụng và khi Nhà nước thực hiện giải tỏa tiếp thì không được hỗ trợ thiệt hại về đất, nhưng được bồi thường, hỗ trợ đối với vật kiến trúc đã xây dựng trước đây có giấy phép xây dựng.

UBND quận Tân Bình cho biết, vào năm 2005, bà Tép tặng cho ông Khiêm, nhưng ông Khiêm không thuộc đối tượng được UBND TP.HCM cho tạm sử dụng nên không được bồi thường và hỗ trợ. Còn đối với bà Thúy bị thu hồi gần 516 m2 nhưng không được bồi thường là do không nằm trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chỉ được UBND TP.HCM cho sử dụng tạm theo thông báo số 627 (giải phóng mặt bằng được tạm sử dụng theo nội dung kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Đua ngày 30/12/2004 ).

Và mới đây nhất, UBND quận Tân Bình gửi văn bản số 2897 phúc đáp đến bà Thúy với nội dung liên quan đến pháp lý, mức đền bù số tiền của 3 căn nhà kể trên (680 – 682 – 682A).

Cụ thể, theo văn bản này, nhà đất số 680 đường Trường Chinh, phường 15, quận Tân Bình tổng số tiền đền bù 74.878.064.050 đồng. Tuy nhiên, UBND quận Tân Bình cho hay toàn bộ số tiền trên đã được hội đồng bồi thường, hỗ trợ dự án chuyển vào Kho bạc Nhà nước do ông Khiêm không đồng tình với mức bồi thường này.

Theo UBND quận Tân Bình, đối với nhà đất số 682 Trường Chinh, phường 15, quận Tân Bình tổng số tiền đền bù 6.903.081.312 đồng. Bà Thúy không đồng ý… UBND quận Tân Bình xử lý như trên.

Cuối cùng đối với nhà đất 682A đường Trường Chinh, phường 15, quận Tân Bình phần diện tích đất thu hồi dự án 290,83m2 nằm trong quy hoạch lộ giới, không được công nhận trong giấy chứng nhận nên không được đền bù. Tổng số tiền hỗ trợ khác ở nhà đất này 180.000 đồng.

Vẫn theo văn bản của 2897 của UBND quận Tân Bình, đối với phần diện tích nằm trong lộ giới không được tính bồi thường, không được hỗ trợ đối với 3 căn nhà nêu trên: UBND quận Tân Bình căn cứ thông báo số 627/TB-VP ngày 30/12/2004 của Văn Phòng UBND TP.HCM về nội dung kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Đua tại cuộc họp giải quyết bồi thường, hỗ trợ thiệt hại cho bà Vũ Thị Tép thuộc Dự án nâng cấp, mở rộng đường Trường Chinh giai đoạn 1, kết luận: "...Giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng với UBND quận Tân Bình, Sở giao thông công chánh (Khu quản lý giao thông đô thị) xác định chính xác ranh và diện tích, cắm mốc phần đất trong phạm vi lộ giới đường Cộng Hòa (giai đoạn 2) và đường Trường Chinh (giai đoạn 2) nhưng chưa thu hồi, giải phóng mặt bằng (khoảng 1.451,29m2).

Trước mắt, chấp thuận cho bà Vũ Thị Tép tạm sử dụng và không được xây dựng mới trên phần đất này. Khi Nhà nước thực hiện giải tỏa tiếp bà không được hỗ trợ thiệt hại về đất nhưng được bồi thường, hỗ trợ với vật kiến trúc xây dựng trước đây, có giấy phép xây dựng"

Do đó, đối với phần diện tích đất thu hồi 1090,47m2 của 3 căn nhà trên nằm trong quy hoạch lộ giới, không được công nhận trong giấy chứng nhận. Hội đồng bồi thường hỗ trợ của dự án đã thực hiện đúng theo nội dung tại thông báo nêu trên.

"Hiện toàn bộ số tiền bồi thường, hỗ trợ của 3 căn nhà trên là 81.781.325.362 đồng đã được hội đồng bồi thường, hỗ trợ của dự án chuyển vào Kho bạc Nhà nước theo quy định", nội dung văn bản phúc đáp 2897 nêu.

Mong giải quyết thỏa đáng

Cùng diễn biến, không đồng ý với cách xác định pháp lý khu đất của UBND TP.HCM (cụ thể thông báo số 627), bà Thúy và ông Khiêm đang khiếu nại đến các cơ quan chức năng, trong đó có UBND TP.HCM. Đồng thời nộp đơn khởi kiện UBND quận Tân Bình đến TAND TP.HCM đề nghị làm rõ nhiều vấn đề liên quan đến 3 nhà đất kể trên.

Bị thu hồi hơn 1.000 m2 "đất vàng", không được bồi thường thỏa đáng, hai anh em ruột khởi kiện  - Ảnh 2.

Vào hôm 10/12, lực lượng chức năng quận Tân Bình đã đến khu đất kể trên, họ đã tiến hành cưỡng chế tháo dỡ những vật dụng liên quan đến khu đất này. Ảnh: Chinh Hoàng

Trong đó, theo bà Thúy có một vấn đề đáng chú ý, từ trước đến nay liên quan khu đất này, UBND quận Tân Bình đã có 3 quyết định thu hồi đất. Đất bị thu hồi tính từ ngoài vào trong. Tại sao 2 lần trước gia đình bà Thúy nói: "Được bồi thường 100% diện tích thu hồi, nhưng lần này lại không"?

Bà Thuý cho biết, trong thời gian bà và ông Khiêm chờ UBND TP.HCM, TAND TP.HCM giải quyết khiếu nại, đơn khởi kiện. Đồng thời, giải quyết hồ sơ xin giao đất để triển khai việc đầu tư xây dựng cửa hàng xăng dầu mới nhằm đảm bảo tiến độ di dời cửa hàng xăng dầu cũ, bà Thúy nhận được quyết định cưỡng chế số 638/QĐ – UBND, 639/QĐ - UBND 640/QĐ - UBND ngày 28/10/2024 của UBND quận Tân Bình về việc cưỡng chế thu hồi đất đối với các quyết định nêu trên, dự kiến cưỡng chế và ngày 5/12/2024. Vào hôm 10/12, lực lượng chức năng quận Tân Bình đã đến khu đất kể trên, họ đã tiến hành cưỡng chế tháo dỡ những vật dụng liên quan đến khu đất này.

Từ những sự việc kể trên bà Thúy khẳng định: "Tôi làm đơn khởi kiện lên TAND TP.HCM với mong muốn Chủ tịch UBND quận Tân Bình, UBND quận Tân Bình, TP.HCM thu hồi các quyết định cưỡng chế số: 638/QĐ – UBND, 639/QĐ - UBND 640/QĐ - UBND ngày 28/10/2024 của UBND quận về việc cưỡng chế thu hồi đất đối với căn nhà số 680-682- 682A đường Trường Chinh, phường 15, quận Tân Bình. Chờ UBND TP.HCM giải quyết đơn khiếu nại, TAND TP.HCM giải quyết đơn khởi kiện của gia đình tôi…".

Trao đổi với phóng viên Dân Việt sáng 12/11, Bí thư quận Tân Bình Lê Hoàng Hà cho biết, đối với mảnh đất khu nhà đất 680-682-682A ông bà Thúy, Khiêm kiện quận ra tòa là việc của họ, phía quận không có ý kiến gì. Đối với việc cưỡng chế ngày 10/12 quận đã có nhiều cuộc họp với UBND TP.HCM chỉ đạo về vấn đề này.

Hiện, TAND TP.HCM xác nhận, đã nhận được đơn khởi kiện của bà Thúy, ông Khiêm, đơn vị này sẽ tiến hành xem xét đơn khởi kiện theo quy định của pháp luật tố tụng hành chính.

Nhận định về vấn đề này, luật sư Trần Văn Thành, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, bà Nguyễn Thị Kim Thúy và ông Nguyễn Trọng Kiêm sử dụng đất từ năm 1991. Theo các bản vẽ hiện trạng vị trí qua các thời kỳ từ năm 1989 đến năm 1997 thì không thể hiện phần đất nằm trong lộ giới, không thể hiện phần đất trũng trong lộ giới.

Việc UBND quận Tân Bình căn cứ Thông báo số 627/TB của Văn phòng UBND TP.HCM là không phù hợp pháp luật. Bởi, Thông báo số 627/TB là văn bản nội bộ của cơ quan hành chính cấp trên với cấp dưới, không phải văn bản pháp luật. Do đó, không thể vì một thông báo của Văn phòng UBND TP.HCM mà thay đổi bản chất quyền sử dụng đất của người sử dụng đất được quy định trong Luật Đất đai.

Năm 2001 và 2004, khi UBND quận Tân Bình giải tỏa thì phần diện tích của bà Nguyễn Thị Kim Thúy và ông Nguyễn Trọng Kiêm vẫn được đền bù 100% nhưng đến nay tại sao giải tỏa thì đất nằm trong lộ giới, không được đền bù? Tại sao giải tỏa đền bù trước đây là năm 2001 và năm 2004 thì bà Nguyễn Thị Kim Thúy và ông Nguyễn Trọng Kiêm chấp thuận nhưng lần này họ phải bỏ công sức ra để đi khiếu nại. Rõ ràng, chính quyền địa phương là UBND quận Tân Bình vận dụng và nhận định sai nên ban hành quyết định giải tỏa đền bù không thỏa đáng. Từ đó, ảnh hưởng đến quyền lợi ích hợp pháp của người dân.

"UBND quận Tân Bình xác định phần diện tích đất nằm trong lộ giới thuộc phần diện tích đất thấp trũng chưa đầu tư xây dựng và nằm trong quy hoạch lộ giới đường Trường Chinh và Cộng Hòa là do lấn chiếm; đồng thời áp dụng Thông báo số 627/TB-VP ngày 30/12/2004 của Văn phòng UBND TP.HCM để không tính bồi thường, hỗ trợ là chưa hợp lý với thực tế sử dụng đất của bà Nguyễn Thị Kim Thúy và ông Nguyễn Trọng Kiêm", luật sư Thành nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem