Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đối thoại với trẻ hư

Thứ tư, ngày 08/09/2010 09:20 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Chiều 7-9, bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đã có cuộc nói chuyện với 300 trẻ em hư. Ông hy vọng, bằng khả năng lắng nghe và giải tỏa của mình, các em sẽ quay về nẻo thiện.
Bình luận 0

Trước khi nói chuyện với ông Thanh, 300 trẻ em tuổi từ 12 đến 17, hầu hết là con nhà nghèo, ít học, ít nhiều dính vào tệ nạn xã hội đã được tổ chức tham gia một "tour" đặc biệt.

Thấy và biết để tránh

"Tour" đưa các em đến Trại cải tạo Hòa Sơn và Trường Giáo dưỡng số 3 (thuộc Bộ Công an). Các em tham quan nơi ăn ở, nơi cải tạo, nghe Thượng tá Phạm Văn Huy - Hiệu trưởng Trường Giáo dưỡng số 3 - nói về hậu quả của con đường tội phạm.

img
Ông Nguyễn Bá Thanh nói chuyện với các em nhỏ

Các em được một học viên đang cải tạo tại đây, Trương Bá Liêm (SN 1993, Phú Yên), tâm sự về con đường lầm lạc của mình, đồng thời có những lời khuyên chân thành gửi đến các bạn đồng trang lứa. "Chỉ vì mê game online, tôi cứ thế lao vào và thành nghiện. Tôi đã lừa dối gia đình lấy tiền chơi game, bỏ học giữa chừng, đi theo đám bạn bè xấu để trộm cắp, tổ chức cướp giật, đánh nhau… Mong các bạn đừng như tôi, sẽ phải ân hận lắm. Giờ tôi đang cố gắng cải tạo tốt, để hết năm nay được về nhà tiếp tục việc học của mình…" - Liêm nói chân thành.

Tại Trại giam Hòa Sơn, những song sắt, những chiếc áo kẻ sọc, những khuôn mặt lầm lũi của phạm nhân đã khiến các em chột dạ. Em Nguyễn Văn Ngọc (1998, Hòa Hải, Ngũ Hành Sơn) tự hứa: Em sẽ về nghe lời gia đình, xin đi học trở lại, thời gian rảnh còn phụ giúp mẹ bán rau ở chợ. Mẹ em khổ nhiều rồi, nếu em bị đưa vào đây, chắc mẹ sẽ khóc chết mất thôi.

Các em hư nhưng chưa hỏng

Ông Nguyễn Bá Thanh mở đầu cuộc nói chuyện: “Với những thanh thiếu niên này, chúng tôi xem như hư nhưng chưa hỏng. Tôi đến đây để nghe các em bày tỏ, để thuyết phục, động viên mong các em có những thay đổi trong nhận thức”.

Ông Thanh nhắc nhở các em, những đam mê nhỏ không kiểm soát được rất dễ dẫn đến sai phạm lớn. Ban đầu là mê game sau dẫn đến ăn cắp. Từ ăn cắp dẫn đến những việc sai trái lớn hơn như giết người, cướp của, chích hút, nghiện ngập. Kết quả là lao tù, là tử hình.

Em Đỗ Hữu Dân (1994, Khuê Mỹ, Sơn Trà) chia sẻ chuyện trộm cắp của mình là do hoàn cảnh gia đình. Ông Thanh giảng giải: “Đành rằng gia đình mình có khúc mắc, nghèo khổ, nhưng ta phải biết vươn lên, ăn học thành tài, thứ nhất là để cứu mình, giúp gia đình cải tạo hoàn cảnh”. Có em đổ lỗi việc ăn cắp do nảy sinh lòng tham.

Ông Thanh "kích thích" lòng tự trọng, sự cảm thông: Nhiều em thấy các bạn ăn chè, dựng xe ở quán, "canh me" thấy bạn sơ ý là "chộp" ngay. Đâu có biết bạn mất xe cũng nghèo khổ như mình, về sẽ bị cha mẹ đánh đập, la mắng. Lấy chiếc xe như vậy, mình nhìn lại có thấy tội cho các bạn không? Ông Thanh nhắc nhở mấy em gái: Chẳng lẽ mấy con không muốn lấy chồng? Con gái mà làm những chuyện như vậy, mang tiếng cả đời, sau này sẽ hối hận không kịp!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem